Chính trị - Xã hội

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH & XÃ HỘI (28-8-1945 - 28-8-2015)

Đà Nẵng và những chính sách vượt trội

07:44, 27/08/2015 (GMT+7)

Đà Nẵng là điểm đến đáng nhớ của du khách trong và ngoài nước. Một trong những điều hấp dẫn ở đây là những chính sách vượt trội so với quy định của Trung ương nhưng được triển khai thực hiện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước (ảnh trái).
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước.

1. Đến Đà Nẵng, người ta có thể ung dung dạo chơi trên những con đường sạch đẹp hay thong thả vào những khu mua sắm, chợ búa mà không phải... dè chừng cái túi tiền. “Mình đã đến Đà Nẵng nhiều lần và lần nào cũng thấy rất thoải mái, an tâm vì không sợ nạn trộm cắp hay móc túi. Thích nhất là thưởng thức món lẩu hải sản dọc đường 3 tháng 2. Ăn ở đó, mình chưa gặp người xin ăn hay đánh giày nào như ở nhiều nơi khác”, chị Nguyễn Thị Tâm Tình (54 tuổi, du khách đến từ Hà Nội) thổ lộ.

Những người lang thang xin ăn đều được thành phố đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để chăm sóc và nuôi dưỡng. Người lang thang là ngoài tỉnh nếu có nhu cầu trở về quê thì được tạo điều kiện vé tàu xe cho hồi hương. Nghe tưởng đơn giản nhưng kỳ thực đó là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị đến tận từng người dân. “Chủ công“ trong việc này là Sở LĐ-TB&XH.

Với cách làm quyết liệt, tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch đã có sự chuyển biến đáng kể. Nhiều địa bàn du lịch điểm không còn hiện tượng này. Những chuyến tàu du lịch biển quốc tế cập cảng đến Đà Nẵng ngày càng nhiều với những ấn tượng đẹp về thành phố thân thiện, mến khách.

2. Trong lúc nhiều nơi vẫn loay hoay với tình hình người nghiện gia tăng thì Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng mạnh dạn đề xuất thành phố ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ ra quyết định đưa người nghiện vào Trung tâm của Đà Nẵng. Đây được xem là cách làm đột phá. Hàng trăm người nghiện được đưa vào Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 để cắt cơn, học nghề. Hàng chục người không tái nghiện sau 5 năm trở lên được hỗ trợ tiền…

Nhờ vậy, tốc độ lây lan và gia tăng người người nghiện mới ở Đà Nẵng giảm đáng kể, góp phần tích cực vào chương trình “5 không”, “3 có”. “Do bạn bè rủ rê nên mình đã nghiện ma túy lúc nào không hay. Sau thời gian cai nghiện tại Trung tâm, mình đã không còn lên “cơn“ thèm thuốc và quyết tâm làm lại cuộc đời”, anh Trần Vũ (39 tuổi, ở quận Thanh Khê) thổ lộ.

Không chỉ hỗ trợ các đối tượng nghiện, Sở LĐ-TB&XH còn tham mưu lãnh đạo thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn, lao động mất đất sản xuất, người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ, người nghèo...

Chợ việc làm được tổ chức thường xuyên tại các địa điểm cố định và lưu động tại các địa phương đã tạo ra nhiều việc làm mới. Tại các phiên chợ việc làm, hoạt động tư vấn nghề được triển khai đã định hướng cho một bộ phận thanh niên sau khi tốt nghiệp phổ thông chọn cho mình một ngành nghề phù hợp và việc làm có thu nhập ổn định sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, những giải pháp đồng bộ về chính sách pháp luật lao động đã góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động cũng là một trong những kết quả mà thành phố đạt được. Nhờ vậy, những phát sinh về chế độ, quyền lợi của người lao động đã kịp thời được giải quyết, không để xảy ra những vụ đình công, lãn công quy mô lớn, phức tạp.

 Trao nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách ở Đà Nẵng.
Trao nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách ở Đà Nẵng.

3. “Có cái nhà kiên cố là mừng lắm. Mưa gió đến rồi không phải lo nữa, sao không vui cho được”, ông Trần Trọng Vĩnh, con liệt sĩ ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) thổ lộ. Với đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi của ông và thu nhập của vợ chỉ vừa đủ để trang trải chi phí, nuôi con ăn học nên chưa thể hoàn thành ước mong sửa nhà. Và với 20 triệu đồng được hỗ trợ vừa qua, thêm với số tiền ông vay mượn của bạn bè, căn nhà được sửa sang kiên cố hơn.

Ông Vĩnh là một trong hàng ngàn hộ chính sách khó khăn được hỗ trợ sửa chữa nhà thời gian qua. Chỉ riêng trong hai năm 2014 và 2015, Đà Nẵng tập trung nguồn lực từ ngân sách và vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 2.000 căn nhà cho đối tượng chính sách và hộ đồng bào dân tộc với kinh phí hơn 55 tỷ đồng (mỗi hỗ được hỗ trợ từ 20-60 triệu đồng). Đặc biệt, chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đã được thực hiện đồng bộ từ miễn giảm tiền sử dụng đất đến chính sách tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà đã tạo điều kiện cho gia đình chính sách có nhà ở ổn định, kiên cố chống chịu được thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra.

Ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ do Nhà nước quy định, ngành còn tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy định chế độ trợ cấp thường xuyên, đột xuất cho người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn có mức trợ cấp thấp, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Công tác đền ơn đáp nghĩa được triển khai rộng khắp; nhiều phong trào, mô hình chăm sóc người có công có sức lan tỏa mạnh, tạo thêm nhiều nguồn lực cùng với chế độ chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt mục tiêu nâng cao mức sống gia đình người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú. Nhiều nghĩa trang liệt sĩ đã và đang được đầu tư nâng cấp khang trang xanh, sạch, đẹp.

Bên cạnh thực hiện đầy đủ các chính sách Trung ương ban hành, thành phố còn có các chính sách ưu việt nổi bật như: cho vay vốn hỗ trợ 100% lãi xuất đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, với mức vay 30 triệu đồng, trong vòng 3 năm, hỗ trợ hằng tháng với mức 400.000 - 500.000 đồng/người/tháng đối với đối tượng bị ung thư, chạy thận nhân tạo thuộc hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ bị bệnh tâm thần; hỗ trợ người bị cắt mất sức lao động đã hết tuổi lao động có hoàn cảnh khó khăn có thời gian công tác đủ và dưới 15 năm; trợ cấp thường xuyên cho 2 nhóm đối tượng là người có công giúp đỡ cách mạng và thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21-30% thuộc hộ cận nghèo...

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thành phố đã góp phần rút ngắn thời gian thực hiện chương trình giảm nghèo từ 5 năm còn 3 năm cho mỗi giai đoạn, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, đến cuối năm 2015 thành phố cơ bản xóa hết hộ nghèo (về đích trước 2 năm).

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.