Chính trị - Xã hội
Công lý cho nạn nhân da cam
Tháng 7 vừa qua, Hội nghị trực tuyến về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” do Ban Dân vận Trung ương tổ chức là sự kiện đáng chú ý trong nhiều sự kiện vì nạn nhân da cam diễn ra ở Việt Nam.
Tại Đà Nẵng, những năm qua, các hình thức đòi công lý cho nạn nhân da cam đã và đang được triển khai mạnh mẽ.
Cựu chiến binh Mỹ thăm nạn nhân da cam ở Đà Nẵng. |
Đa dạng hình thức đấu tranh
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng, cho biết ngay từ ngày thành lập, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam như: diễu hành đi bộ đầu Xuân kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân cùng sẻ chia với nạn nhân da cam; liên tục mở các cuộc vận động vào các ngày lễ lớn dưới nhiều hình thức như: mít-tinh, lễ hội, giao lưu trực tuyến… kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ nạn nhân da cam. “Chúng tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của Hội nên bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động hàng vạn người ký tên vì công lý cho nạn nhân da cam”, bà Hiền nói.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng còn phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố, Ban lãnh đạo tàu Hòa Bình và tổ chức Diễn đàn châu Á - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng kêu gọi công lý, ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong chuỗi hoạt động đó, sự kiện đáng nói nhất là Hội đã phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề: “Da cam - lương tri và công lý” tại Đà Nẵng năm 2013.
Cuộc triển lãm đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân kỷ niệm 52 năm thảm họa da cam ở Việt Nam thông qua hơn 360 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, qua đó thu hút hơn 3.000 khách tham quan. “Hãy để cho thế giới biết sự tàn bạo của chiến tranh và hậu quả của nó như thế nào. Hãy đấu tranh vì hòa bình, hạnh phúc của nhân loại nói chung và nhân dân ta nói riêng”, ông Ngô Xuân Nam, cựu chiến binh (CCB) ở Đà Nẵng thổ lộ.
Đặc biệt hơn, nhiều người nước ngoài, trong đó có các cựu chiến binh Mỹ, đã nói lên tiếng nói đồng cảm với nỗi đau da cam. “Thật đau lòng vì những gì mà các nạn nhân da cam Việt Nam phải gánh chịu do chất độc hóa học mà chúng tôi đã gây ra cho các bạn”, ông Larry M. Johnson, hội viên Hội CCB Mỹ vì hòa bình xúc động nói sau khi đứng lặng một hồi trước bức ảnh những em bé dị dạng vì mang trong mình chất độc da cam.
Cần có chứng lý?
Hơn 10 năm nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam theo đuổi vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân da cam và cuối cùng đã được Tòa án Mỹ tiếp nhận, tạo tiếng vang trong công luận, gây áp lực đối với các chính phủ Pháp và Mỹ. Năm vừa qua, bà Trần Thị Tố Nga (73 tuổi, Việt kiều Pháp, nạn nhân chất độc da cam) đã cùng Văn phòng luật sư William Bourdon Forestier ở Paris (Pháp) kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm pháp lý đối với hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.
Ông Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng, cho rằng chúng ta hiện thiếu bằng chứng về tác hại của chất độc da cam vì thiếu nghiên cứu quy mô dịch tễ học, có hệ thống để xác định mức độ nghiêm trọng cũng như tác hại của dioxin trong sức khỏe người Việt Nam. “Những nghiên cứu của chúng ta hiện nay chủ yếu riêng lẻ, không đồng bộ và ít khi được công bố trên các diễn đàn khoa học thế giới”, ông Lành nói.
Cũng theo ông Lành, cần đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, CCB và nhân dân Mỹ, tạo mặt trận rộng lớn gây áp lực và tạo hiệu ứng buộc các công ty hóa chất Mỹ nhìn nhận nghiêm túc trách nhiệm của mình trong vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam.
Đồng quan điểm với ông Lành, bà Hiền cho rằng, chúng ta phải thu thập đầy đủ các số liệu, tài liệu căn bản để công bố và làm cơ sở để đưa vụ kiện đến thắng lợi cuối cùng, hoặc ít ra cũng buộc các công ty hóa chất Mỹ đồng ý thỏa thuận đền bù trách nhiệm đối với những gì họ đã gây ra ở Việt Nam, như cách mà họ đang hỗ trợ các CCB Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam. “Vụ kiện của chúng ta có thể thắng hoặc không thắng, nhưng con đường đi tìm công lý vẫn sẽ tiếp tục”, bà Hiền khẳng định.
Bài và ảnh: KIM NGÂN