Bốn mươi năm qua (1975-2015), Cục Hải quan TP. Đà Nẵng không ngừng xây dựng và phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Hải quan và sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung và TP. Đà Nẵng.
Cán bộ Hải quan kiểm tra hàng hóa tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. |
40 năm chặng đường phát triển
Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng được thành lập ngày 3-11-1975 theo Quyết định số 1014/BNT/TTCB của Bộ Ngoại thương, tiền thân là Chi cục Hải quan Quảng Nam - Đà Nẵng.
NGUYỄN TIẾN THỌ, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Đà Nẵng |
Ngay sau ngày Đà Nẵng được giải phóng, Cục Hải quan Trung ương đã cử đoàn cán bộ gồm 6 đồng chí vào Đà Nẵng để thực hiện nhiệm vụ tiếp quản cơ sở thuế quan của chế độ ngụy quyền; trụ sở của Phân sở kiểm nã (nay là Trụ sở Cục Hải quan Đà Nẵng ở 250-Bạch Đằng). Thời kỳ đầu, tổ chức biên chế của Chi cục chỉ có hơn 10 người với địa bàn đảm nhiệm làm thủ tục hải quan từ tỉnh Bình-Trị-Thiên vào đến Ba Ngòi, Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa).
Để đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ của ngành Hải quan, công tác quản lý hải quan cần được chuyển biến mạnh mẽ mới đáp ứng được yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới, Chi cục được bổ sung và tăng cường lực lượng. Ngày 1-10-1976, Chi cục đã tiếp nhận 23 cán bộ là học sinh đã tốt nghiệp khóa 4 (H4) từ Trường cán bộ Ngoại thương Trung ương vào nhận công tác tại Chi cục, nâng biên chế của Chi cục lên 34 người; bộ máy tổ chức, biên chế của Chi cục được củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nhằm tăng cường lực lượng quản lý Nhà nước về Hải quan, theo Chỉ thị số 80/CT tháng 3-1979 của Chính phủ, ngày 1-7-1980, Bộ Ngoại thương ký Quyết định số 470/BNT-TCCB thành lập Chi cục Hải quan Bình-Trị-Thiên thuộc Cục Hải quan Trung ương. Địa bàn hoạt động của Chi cục rút lại từ Đà Nẵng vào đến Ba Ngòi, Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh.
Ngày 11-7-1983, Bộ Ngoại thương có Quyết định số 452/QĐ thành lập Hải quan tỉnh Quảng Bình, Phú Khánh, Gia Lai - Kon Tum, Đắc Lắc, nhưng Chi cục vẫn đảm nhận làm thủ tục xuất nhập cảnh (XNC) cho tàu biển tại cảng Ba Ngòi (Cam Ranh) cho đến cuối năm 1983.
Theo Quyết định số 387/TCHQ-TCCB ngày 11-5-1985 của Tổng cục Hải quan, Chi cục Hải quan các tỉnh, thành phố đổi tên thành các Cục hải quan, theo đó Chi cục Hải quan tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đổi tên thành Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, lúc này biên chế của Cục đã tăng lên 177 người.
Ngày 13-8-2002, Tổng cục Hải quan có Quyết định số 1939/QĐ-TCCB về việc thành lập Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam và chuyển giao toàn bộ tổ chức bộ máy, con người của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà và Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng về Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam.
Sau khi chia tách, chuyển giao 2 đơn vị và địa bàn quản lý cho Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng còn 5 Chi cục Hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu, 1 Đội Kiểm soát hải quan, 5 phòng tham mưu và Trung tâm Dữ liệu và công nghệ thông tin.
Đến nay, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng có hơn 300 người (trong đó biên chế 265 người, còn lại là hợp đồng lao động theo Nghị định 68/CP và hợp đồng lao động khoán việc); bộ máy tổ chức có 17 đơn vị thuộc và trực thuộc (trong đó có 6 Chi cục, 2 Đội Kiểm soát, 9 phòng và tương đương). Đảng bộ cơ sở có 17 chi bộ trực thuộc, các tổ chức đoàn thể gồm Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ.
Điểm sáng về cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin
Có thể nói, điểm sáng của Cục Hải quan TP.Đà Nẵng trong những năm qua là thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghiệp vụ. Nhiều năm, Cục được UBND TP. Đà Nẵng đánh giá xếp hạng là đơn vị đứng đầu khối các cơ quan Trung ương trên địa bàn về cải cách hành chính và ứng dụng CNTT.
Với bề dày hoạt động 40 năm, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng được xem là một trong số ít các đơn vị hải quan sớm triển khai công tác cải cách hành chính và ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ. Ngay từ những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, Hải quan TP. Đà Nẵng đã có những chuyển biến mạnh mẽ, bước đầu đã đưa vào sử dụng máy vi tính phục vụ quản lý hồ sơ và đánh các văn bản phục vụ cho công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Ban Giám đốc.
Nhận thức sâu sắc vai trò, tác dụng của CNTT trong thực hiện cải cách, hiện đại hóa hải quan, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, điều hành các hoạt động nghiệp vụ, quản lý hải quan, Cục đã tập trung đầu tư thiết bị kỹ thuật triển khai đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ công tác nghiệp vụ kiểm tra giám sát, kiểm tra tính thuế, thống kê báo cáo số liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của các cấp. Động viên cán bộ, công chức (CBCC), kỹ sư tin học tập trung nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng tin học như: “Hệ thống thống kê hải quan”, “Quản lý tài chính hải quan” được triển khai thực hiện trong toàn ngành.
Ngoài các chương trình của Tổng cục Hải quan, CBCC đã nghiên cứu, lập trình triển khai ứng dụng chương trình “Quản lý hàng gia công xuất nhập khẩu (XNK)”, “Hàng nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu”, “Quản lý container hàng hóa XNK tại kho bãi cảng”, “Khai báo thủ tục tàu biển XNC từ xa”, nghiên cứu xây dựng phần mềm thống kê Nhà nước về Hải quan… Việc cải cách hành chính và ứng dụng CNTT vào công tác nghiệp vụ đã góp phần làm thay đổi tư duy quản lý theo hướng năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, giúp Cục Hải quan TP. Đà Nẵng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
THÀNH TÍCH CÁC ĐƠN VỊ |
Hải quan cửa ngõ khu vực miền Trung
Theo đó, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt nội dung tuyên ngôn phục vụ khách hàng với phương châm: “Chuyên nghiệp - minh bạch- hiệu quả” nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, đầu tư, du lịch góp phần phục vụ “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” và các năm tiếp theo. Đồng thời, tăng cường trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, tiếp nhận và triển khai vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VICS, là một trong 4 cục Hải quan đầu tiên triển khai đến 100% chi cục.
Tính đến đầu năm 2015, có 100% doanh nghiệp hoạt động XNK trên địa bàn thực hiện khai báo qua hệ thống thông quan điện tử; nâng cấp cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008; duy trì tốt hoạt động Trang thông tin điện tử nhằm hỗ trợ công tác tuyên truyền; vận động CBCC tích cực thực hiện nội dung phong trào 3 hơn: “Nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn” do Sở Nội vụ, Thành Đoàn Đà Nẵng phát động... Từ cán bộ lãnh đạo đến công chức đã có ý thức quyết tâm cao trong việc ứng dụng CNTT vào công tác.
Theo đó, năm 2014, đã phát hiện 3 vụ xuất khẩu tiền chất ma túy được các đối tượng cất giấu rất tinh vi, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội trong nước và trên địa bàn. Thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “5 xây, 3 chống”, gắn với Chỉ thị số 04/CT-BTC của Bộ Tài chính đã phát huy được ý thức trách nhiệm, kỷ cương, tự giác gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức…
Phát huy vai trò xung kích của các đoàn thể, vận động đoàn viên, hội viên đẩy mạnh phong trào thi đua, văn hóa, thể thao. Đặc biệt là phong trào đền ơn đáp nghĩa phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng do Cục và ngành phụng dưỡng, bảo đảm duy trì tiền phụng dưỡng 500.000 mẹ/tháng. Năm 2012, Cục được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa trong suốt 15 năm. Vận động CBCC tham gia đóng góp quỹ xã hội; ủng hộ Trường Sa, ủng hộ đồng bào bão lụt, thiên tai… Tổng số tiền đóng góp trên 200.000.000 đồng/năm.
Với những thành tích đạt được trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba; Bằng khen và Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều phần thưởng của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và UBND TP. Đà Nẵng. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Kỷ niệm chương, Danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, của ngành và cơ sở, xứng đáng là Hải quan cửa ngõ khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
NGUYỄN TIẾN THỌ
Cục trưởng Cục Hải quan TP. Đà Nẵng