.

8,3% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt

.

Ngày 29-9, tại Đà Nẵng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng tổ chức phiên họp lần thứ 9 lấy ý kiến, góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan tham dự phiên họp.

Theo báo cáo tại cuộc họp, sau 10 năm thực hiện pháp luật và chính sách bảo vệ trẻ em, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt so với tổng số trẻ em đã giảm từ 5,8% (năm 2007) xuống còn 5,64% (năm 2014). Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tăng từ 55% (năm 2005) lên 82% năm 2014. Nhiều đối tượng trẻ em thiệt thòi được chăm sóc, nuôi dưỡng...

Số trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em lang thang đã giảm đáng kể. Đặc biệt, hơn 22.580 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc trợ giúp trẻ em.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (sửa đổi) như: dự thảo Luật đề cập nhiều đến vấn đề quyền của trẻ em nhưng chưa xác định được hoạt động cụ thể hay việc vận dụng vào thực tế như thế nào, mà chỉ dừng lại ở việc đưa ra những nguyên tắc, nguyên lý nhiều hơn; việc quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi hay dưới 18 tuổi cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn… Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng, đối tượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang ngày càng tăng cao. Tính đến năm 2014, số trẻ này chiếm đến 8,36% tổng số trẻ em, lớn hơn tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Được biết, việc khảo sát việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2004-2014 được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng tiến hành tại 5 địa phương gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị và Bình Phước.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.