Sau gần 20 năm giữ chức tổ trưởng, ông Đinh Ngọc Anh (ở tổ 29 phường Nam Dương, quận Hải Châu) vừa “nghỉ hưu”. Dù đã chính thức nghỉ làm công việc “vác tù và hàng tổng” nhưng ông Anh vẫn canh cánh nỗi lòng làm sao để người dân trong tổ ngày càng có cuộc sống tốt hơn cả về kinh tế lẫn tinh thần.
Tôi nhận được bức “tâm thư” ông Đinh Ngọc Anh gửi chia sẻ những suy tư khi ông không còn quản lý tổ dân phố (TDP). Ban đầu, tôi ngạc nhiên, rồi đọc hết mới vỡ lẽ rằng, dù không còn là người đứng đầu TDP nữa, nhưng không vì thế mà ông không còn trách nhiệm công dân của tổ cũng như trách nhiệm của người tổ trưởng vốn được dân quý mến.
Ông bảo, trước khi được tín nhiệm làm tổ trưởng TDP, ông từng tham gia công tác ở các chi hội, đoàn thể, ban bảo vệ dân phố…
“Khi nhận chức tổ trưởng TDP đầu tiên cách đây 16 năm, hồi đó làm gì có tiền lương hay trợ cấp. Mình làm tình nguyện cũng bởi “máu” tham gia phong trào xã hội, cộng đồng. Thời gian trôi qua, giờ đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, theo quy định phải nghỉ. Tôi cũng muốn nghỉ để thế hệ trẻ kế cận, phát triển với những sáng tạo và năng động hơn. Dẫu vậy, cũng phải theo dõi, nhắc nhở, giúp đỡ người kế nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhìn thì đơn giản, nhưng làm tổ trưởng TDP thực sự không đơn giản nếu để được vừa lòng mọi người; rồi điều hành TDP để bảo đảm các chỉ tiêu do phường giao, có những mô hình, những việc làm tiến bộ, người dân trong tổ đoàn kết, có lối sống lành mạnh… Người tổ trưởng không chỉ làm được việc mà phải gương mẫu và tận tâm với công việc, được dân tin, yêu và nể trọng”, ông Anh kể.
Tôi hỏi ông, vì sao khi đã “về hưu” mà vẫn đau đáu công việc của tổ, đặc biệt là đối với những vấn đề tồn tại, ông chỉ cười. Trong năm 2015, trước khi “về hưu”, ông đã kịp kiến nghị với UBND phường cấp kinh phí nạo vét tuyến cống rãnh liên tổ dài hơn 200m để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ vào mùa mưa hằng năm; ông cũng đã kịp phối hợp với Mặt trận khu dân cư xin kinh phí để mua tôn, lợp cho 3 hộ (1 hộ chính sách, 2 hộ khó khăn) trong tổ.
“Tuyến cống rãnh liên tổ từ ngày làm đến nay trên chục năm chưa khi nào được nạo vét. Hôm thi công, TDP hỗ trợ sức người cùng đội thi công từ kinh phí phường cấp để nạo vét. Có đoạn cống bùn đã gần lấp đầy, nếu không làm, bảo đảm mùa mưa này ngập úng cục bộ kéo dài. Hoàn thành việc lợp tôn và nạo vét cống thì mùa mưa này, dù không còn phụ trách TDP, tôi mới cảm thấy yên tâm”, ông Đinh Ngọc Anh nói.
Tôi hỏi vì sao ông muốn gửi đăng báo “bức tâm thư”?. Ông bảo, việc mình đau đáu nhất đến nay vẫn là tình trạng một số hộ trong tổ còn nuôi chó để mất vệ sinh, ảnh hưởng đến những hộ còn lại. “Nhắc nhở liên tục, nhưng khi hỏi thì người này đổ lỗi cho người kia, mà mình làm sao bắt được tận tay. Hơn nữa, nghĩa xóm làng thì cũng khó nói thẳng, chỉ nhắc nhở làm sao họ tự ý thức, rồi khắc phục, nhưng riết thì họ lờn”, ông Anh cho hay.
Trong bức “tâm thư” ông gửi, đoạn cuối đề cập câu chuyện về một người phụ nữ phương Tây sinh sống tại Hà Nội từng được báo chí đăng tải. Vào một sáng nọ, bà dắt chú chó cưng của mình dạo quanh Hồ Gươm, khi chú chó phóng uế vào một gốc cây, bà cười và chờ đợi. Sau đó, bà dùng găng tay cùng một túi nilon mang theo hốt sạch đống xú uế do chú chó thải ra và tiếp tục đi dạo; đến chỗ có thùng rác, bà nhẹ nhàng bỏ vào thùng… “Việc làm đơn giản, nhưng ý nghĩa. Ai cũng làm được nhưng sao dân mình khó làm thế. Tôi đã về hưu, nhưng trong tổ tôi bao giờ người dân thay đổi được nếp nghĩ, sống vì cộng đồng thì tôi mới mãn nguyện”.
TRỌNG HUY