Việt Nam đang thể hiện cam kết chống lại hành vi cưỡng bức lao động bằng cách đưa tội danh này vào xử phạt trong Luật Hình sự.
Chế tài xử phạt này sẽ là biện pháp phòng và chống lao động cưỡng bức. Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Kỹ năng đưa tin về lao động cưỡng bức và mua bán người”, do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 21-9 tại Hà Nội.
Định nghĩa lao động cưỡng bức trong công ước của ILO là hoàn cảnh người lao động bị ép buộc hay lừa gạt làm những việc mà họ không thể rời bỏ những việc làm đó. Theo ước tính của ILO, có 21 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức trên toàn thế giới, trong đó có ít nhất 50% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khoảng 11,7 triệu người. Cứ 1.000 người thì có 3 người lao động ở châu Á - Thái Bình Dương bị cưỡng bức lao động.
ILO đã đưa ra 11 chỉ số để nhận diện lao động cưỡng bức: lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động, lừa gạt, hạn chế đi lại, bị cô lập, bạo lực thân thể và tình dục, dọa nạt và đe dọa, giữ giấy tờ tùy thân, giữ tiền lương, lệ thuộc vì nợ, điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng, làm thêm giờ quá quy định.
Ở Việt Nam, hành vi lao động cưỡng bức cũng đã được nghiêm cấm trong các quy định pháp luật. Bộ Luật Lao động quy định “cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái với ý muốn của họ” và là hành vi bị nghiêm cấm.
Hiện nay, cưỡng bức lao động không bị xử phạt hành chính nhưng các hành vi dẫn đến tình huống lao động cưỡng bức như: lừa gạt trong tuyển dụng, giữ giấy tờ tùy thân, khấu trừ tiền lương, làm thêm giờ trái quy định, đe dọa, cố ý gây thương tích, giam giữ người trái pháp luật… đều đã được quy định xử phạt tại Luật Lao động và Luật Hình sự.
Cưỡng bức lao động là một tội danh nghiêm trọng và các công ước quốc tế, nhiều quốc gia yêu cầu phải bị xử phạt bằng hình thức nghiêm khắc nhất. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi Luật Lao động và Luật Hình sự, Việt Nam đang xem xét đưa tội danh này vào Luật Hình sự sửa đổi.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ đang đề xuất đưa tội danh cưỡng bức lao động vào Luật Hình sự và cần phải quy định chi tiết về tội danh này. Theo đó, có hai dấu hiệu cấu thành quan trọng của cưỡng bức lao động là phải có sự đe dọa, trừng phạt và buộc làm việc trái với ý muốn tự nguyện. Luật hiện nay còn thiếu dấu hiệu trái ý muốn tự nguyện và cần hoàn thiện.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm tăng cường phòng, chống lao động cưỡng bức. Các quy định của Luật Lao động và Luật Hình sự được xây dựng theo hướng xử phạt từ các hành vi chỉ là hành vi nhận biết của cưỡng bức lao động cho tới việc nghiên cứu hình thức xử phạt tội danh cưỡng bức lao động phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm thực hiện tốt việc phòng, chống lao động cưỡng bức.
TTXVN