ĐNĐT - Hiện nay, hoàn lưu bão số 3 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại đảo Lý Sơn và đảo Cồn Cỏ. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình - Đà Nẵng có gió giật cấp 6-7. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 14-9 phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm như: Kỳ Anh (Hà Tĩnh): 258mm; Tiên Sa (Quảng Nam): 257mm; Trà Khúc (Quảng Ngãi): 215mm;...
Ảnh mây vệ tinh về bão số 3 |
Hồi 17 giờ ngày 14-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ Bắc; 109,2 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Đà Nẵng - Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.
Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó là Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km. Như vậy tối nay vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 15-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, đêm nay vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) còn có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-10, Sóng biển cao từ 3-4m. Biển động rất mạnh. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (bìa trái) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết (bìa phải) kiểm tra công tác phòng chống bão. Ảnh: Ngọc Phú |
Di dời dân đến nơi an toàn
Chiều 14-9, kiểm tra công tác phòng, chống bão tại công trình chung cư cao cấp FHOME (quận Hải Châu), ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố, kiêm Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã điện thoại ngay cho Giám đốc Sở Xây dựng yêu cầu khẩn trương phối hợp với UBND quận Hải Châu đề nghị chủ đầu tư phải có phương án để bảo đảm an toàn tại công trình.
Theo quan sát của chúng tôi, tại công trình này có hai cần cẩu ở độ cao chừng 25m, vắt ngang nhà dân trên đường Lý Thường Kiệt - thuộc khu đông dân cư. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị phải vận động nhân dân quanh khu vực này di dời đến nơi khác, tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Ông Thơ cũng đề nghị lãnh đạo Sở Xây dựng rà soát một số cần cẩu trên địa bàn quận Thanh Khê, Hải Châu để có biện pháp di dời dân đang sống gần đó.
Cũng trong chiều 14-9, kiểm tra thực tế tại địa bàn quận Sơn Trà, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu lãnh đạo quận có phương án di dời dân ở ngay dưới các cần cẩu để đảm bảo an toàn. Ngay trong buổi chiều, bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà chỉ đạo, triển khai lực lượng di dời dân sống dưới các công trình có cần cẩu chưa kịp hạ xuống đất.
Đến kiểm tra công tác phòng, chống bão lũ tại huyện Hòa Vang, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang phải khẩn trương di dời dân tại các vùng trũng, vùng có nguy cơ lũ quét và dân đang sống tại các ngôi nhà có nguy cơ đổ sập; đồng phải đảm bảo cuộc sống cho nhân dân tại nơi trú tránh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết, trước 16 giờ, một số thôn tại xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên đã di dời dân đến các nhà kiên cố, nhà sinh hoạt thôn. Riêng tại xã Hòa Ninh, đến chiều 14-9, có gần 100 hộ, hơn 300 khẩu đã di dời đến nơi an toàn. Tại xã Hòa Bắc, 61 hộ dân di dời tránh lũ; hơn 200 hộ di dời tránh bão.
Đến 17 giờ, UBND xã Hòa Bắc đã di dời xong. Có mặt tại nhà văn hóa thôn Mỹ Sơn, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã ân cần thăm hỏi người dân. Đồng thời, yêu cầu cán bộ xã phải chăm lo chu đáo cho nhân dân tránh bão.
Lực lượng dân quân phường Thọ Quang giúp ngư dân đưa tàu lên bờ. Ảnh: Ngọc Phú |
Gấp rút chống bão
Trước đó, ngay trong sáng 14-9, tại các cầu cảng, bên cạnh một số tàu khẩn trương bốc cá vào cảng, các tàu khác đều dùng dây buộc vào trụ neo cũng như buộc tàu lại với nhau. Các tàu lớn neo đậu tại bãi ngang cũng được cơ quan chức năng vận động đến neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang.
Tại bãi ngang, hơn 400 phương tiện ghe, thuyền thúng được ngư dân khẩn trương đưa lên bờ. Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho biết, phường đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân thường trực, ban chỉ huy quân sự phường, quy tắc đô thị và cán bộ phường xuống giúp ngư dân.
Lúc 8 giờ sáng ngày 14-9, trong lúc đang cùng người nhà chằng chống mái nhà tại kiệt 675 Ngô Quyền (tổ 41, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) để chống bão số 3, một người đàn ông 53 tuổi bị gió mạnh hất ngã xuống đất, gây chấn thương nặng ở đầu được người dân xung quanh đưa đi bệnh viện cấp cứu. |
Có mặt tại bãi ngang, hàng trăm ngư dân và cán bộ kéo từng chiếc tàu, thuyền thúng lên bờ. Phía trên đường Hoàng Sa, nhiều phương tiện xe cẩu cũng được huy động đến để cẩu ghe thuyền đến nơi an toàn. Theo ông Võ Đình Công, ngoài huy động lực lượng xuống giúp ngư dân, các ngành, đoàn thể cùng với tiểu ban phòng chống thiên tai, bão lũ là các tổ trưởng, bí thư chi bộ cũng đã tiến hành kêu gọi nhân dân chằng chống nhà cửa.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, ngay từ sáng, quận đã chỉ đạo các phường triển khai công tác phòng, chống bão. Đặc biệt, giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền, kéo tàu nhỏ và thuyền thúng lên bờ.
“Để công tác chống bão triển khai nhanh chóng, quận đã nhờ lực lượng Vùng 3 Hải quân và Bộ đội Biên phòng giúp đỡ”, bà Tâm cho biết. Cũng theo bà Tâm, các phường đã tiến hành hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, nhất là nhà cấp 4. Ngoài ra, các công trình đang xây dựng cũng được chỉ đạo khẩn trương chằng chống, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại địa bàn quận Thanh Khê, công tác phòng, chống bão cũng đã được triển khai khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, quận đã chỉ đạo các phường khẩn trương vào cuộc để giúp dân, có các biện pháp bảo vệ các công trình, nhà cửa; đảm bảo neo đậu tàu thuyền an toàn. Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của trên, quận nhanh chóng thông báo các trường cho học sinh nghỉ học, đồng thời có biện pháp chằng chống trường học.
Ngư dân khẩn trương neo, buộc tàu thuyền. Ảnh: Ngọc Phú |
Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cũng cho biết, huyện đã triển khai cho các xã tiến hành các biện pháp để phòng, chống bão số 3.
Riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng, sáng cùng ngày, đã triển khai các biện pháp phòng, chống bão. Đại tá Lê Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, đã cử 60 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Chỉ huy cùng với Đồn Biên phòng 252, Đại đội huấn luyện cơ động giúp ngư dân chằng chống nhà cửa, neo hoặc đưa tàu thuyền lên bờ.
Bên cạnh đó, Hải đội 2 triển khai 2 phương tiện thường trực để cứu hộ, cứu nạn, 8 phương tiện để đưa tàu vào Âu thuyền Thọ Quang neo đậu. Đồng thời, thông báo khẩn cho 138 phương tiện đang còn hoạt động trên biển về neo đậu, tránh bão tại các địa phương. Cho đến thời điểm này, đã có gần 1.500 phương tiện neo đậu an toàn.
Trong khi đó, do mưa lớn nên một số tuyến đường trên địa bàn đã bị ngập. Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cho biết, hiện đang triển khai lực lượng thường trực tại một số điểm nóng. Theo đó, đã tiến hành vớt bèo để khơi thông dòng chảy tại cầu Đa Cô và một số tuyến đường trên địa bàn quận Liên Chiểu. Các trạm bơm hiện đang vận hành để thoát nước. Ngoài ra, đơn vị đang thường trực tại một số tuyến đường bị ngập để triển khai việc thoát nước…
Người dân đội mưa che chắn nhà cửa phòng gió bão. Ảnh: Trâm Anh |
Bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện trên biển
Sáng 14-9, tại Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai 8 tháng đầu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống cơn bão số 3.
Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên biển, cũng như an toàn cho người dân trên đất liền khi bão đổ bộ và lưu ý hoàn lưu bão gây mưa lũ lớn sau bão.
Khẩn trương đưa thuyền thúng và tàu nhỏ lên bờ. Ảnh: Ngọc Phú |
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhận định cơn bão Vàm Cỏ (bão số 3) không phải là cơn bão mạnh nhưng do bão được hình thành ngay trên biển gần bờ từ áp thấp nhiệt đới nên rất nguy hiểm.
Theo báo cáo của lực lượng Bộ đội Biên phòng, trước diễn biến nguy hiểm của cơn bão số 3, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho 40.898 tàu thuyền, phương tiện biết vị trí và hướng đi của bão để tránh trú bão.
Tính đến 16 giờ chiều nay (ngày 14-9), Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã liên lạc được với tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển. Hiện nay, còn lại 58 phương tiện/508 lao động đang hoạt động trên biển.
Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng giúp dân di chuyển phương tiện lên bờ để tránh bão. Ảnh: Hồ Sỹ Quý |
Trong đó, khu vực Đông Bắc Hoàng Sa có 8 phương tiện/95 lao động; tại Cát Bà, Hải Phòng có 14 phương tiện/104 lao động; khu vực nam Hoàng Sa có 3 phương tiện/28 lao động; neo đậu tại khu vực ven biển Quảng Bình 17 phương tiện/133 lao động; khu vực ven biển Đà Nẵng - Hòn Chỏ có 12 phương tiện/107 lao động (hiện đang di chuyển vào bờ); neo đậu tại khu vực biển Quy Nhơn có 4 phương tiện/41 lao động.
Hiện các đồn Biên phòng đang cử lực lượng xuống các địa bàn hướng dẫn các phương tiện về tránh bão và bố trí sắp xếp các phương tiện về neo đậu tránh bão tại Âu thuyền Thọ Quang đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn khi có bão.
Biên phòng thành phố tiếp tục duy trì thông tin liên lạc với tàu thuyền đang ở trên biển, đồng thời chỉ đạo cho các đồn Biên phòng phối hợp với gia đình, chủ phương tiện thông báo vị trí, hướng đi của bão để kịp thời tìm nơi trú tránh.
Chiếc taxi bị cây xanh ngã đè lên lúc 11h trưa trước cổng ĐH Duy Tân. Ảnh: Zing |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cho biết hiện có 21 tàu có gắn chíp đang ở trong vùng nguy hiểm gồm Bình Định 8 tàu, Quảng Nam 10 tàu, Đà Nẵng 1 tàu và Quảng Bình 2 tàu.
Ông Phát đã đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương triển khai ngay việc gọi và thông báo cho các tàu này về bờ. Qua diễn biến và hướng đi của bão số 3, ông Cao Đức Phát cho biết, hiện số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển rất lớn, nếu kêu gọi chỉ có một số tàu kịp di chuyển vào bờ, vì vậy có hai hướng xử lý để thông báo cho ngư dân di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cụ thể, tàu ở gần bờ thì di chuyển nhanh về bờ. Còn lại tùy theo vị trí của tàu, có thể thoát lên phía Bắc hoặc di chuyển xuống phía Nam. Vùng nguy hiểm của cơn bão sẽ là từ Bắc vĩ tuyến 14,5 và Nam vĩ tuyến 17,5”.
Cứu tàu cá bị nạn trên biển Trưa 14-9, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Trung tâm II) cho biết, đã cứu toàn bộ thuyền viên tàu Bình Định bị nạn trên biển. Trước đó, lúc 7h16 ngày 14-9, nhận được thông tin từ ông Phan Ngọc Liên, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu QB 92021 báo trên tàu có 6 thuyền viên khi đang trở về đất liền tránh bão thì gặp sóng gió lớn, tàu có nguy cơ bị chìm. Vị trí của tàu tại tọa độ 16018 N - 108030 E (cách Đà Nẵng khoảng 27 hải lý về phía Đông Bắc). Trước tình trạng nguy hiểm của tàu bị nạn, Tổng Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam triển khai nay phương án đảm bảo tính mạng cho thuyền viên, điều động tàu SAR 412 tại Đà Nẵng đi cứu nạn. Tàu SAR 412 đã rời bến lúc 7h50 cùng ngày. Đến 9h00, tàu SAR274 đã cứu được toàn bộ thuyền viên tàu bị nạn. Trưa nay, tàu đã cập cảng an toàn. Cũng ngay trong sáng ngày 14-9, gia đình chủ tàu ĐNa 31724 trực tiếp đến văn phòng Trung tâm II báo tin tàu bị hỏng máy thả trôi, gió lớn, có nguy cơ chìm, trên tàu có 3 thuyền viên, yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. Trước tình trạng nguy hiểm của tàu bị nạn, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam điều động tàu SAR 274 rời bến đi cứu nạn lúc 9h45 cùng ngày. |
Hủy nhiều chuyến bay vì bão số 3 Vietnam Airlines thông báo không khai thác các chuyến bay đi/đến Đà Nẵng trong khung giờ từ 14-17h ngày 14-9 nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và các chuyến bay, cụ thể: Đường bay TP HCM - Đà Nẵng, không khai thác 7 chuyến (VN116, VN117, VN120, VN121, VN122, VN124, VN125). Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, không khai thác 5 chuyến (VN168, VN172, VN169, VN171, VN173); Đường bay Đà Nẵng - Hải Phòng, không khai thác 2 chuyến bay (VN1672, VN1673); Đường bay quốc tế đến/đi Hàng Châu và Siem Reap từ Đà Nẵng, không khai thác 4 chuyến (VN824, VN825, VN550, VN551). |
NGỌC PHÚ - HOÀNG HIỆP - BÁ VĨNH