.

Trở lại đường 9

.

Tôi vừa có chuyến đi dọc đường 9 từ Đông Hà đến Lao Bảo rồi Savannakhet, Vientiane trên đất Lào, con đường mà cách đây đúng 50 năm bom đạn đã đưa những địa danh như Khe Sanh, đồi Thịt Băm... lên mặt báo khắp thế giới như những biểu tượng của tội ác và chết chóc...; kế đến, cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã báo hiệu phá sản ý đồ “Việt Nam hóa chiến tranh”...

Từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, có thể sang Savannakhet, Vientiane. 			              Ảnh: T.Đ.THẮNG
Từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, có thể sang Savannakhet, Vientiane. Ảnh: T.Đ.THẮNG

1. Con đường mà một nhà báo nước ngoài đã gọi là con đường máu, có rất nhiều người đã thiệt mạng vì bom đạn và lam sơn chướng khí trong những năm dài chiến tranh, nay đã được xây dựng thành xa lộ kết nối tình thân hữu và thương mại của những vùng nghèo khó mang tên “Tiểu vùng Mekong”.

Theo nhà báo Mỹ Denis Gray, hầu hết mạng lưới chằng chịt của con đường cũ đã bị cỏ cây vùi lấp theo năm tháng, nhưng trục giao thông chính đã được sử dụng để xây dựng một xa lộ mới theo một dự án tái thiết 10 năm, khởi sự từ năm 2000.

“Hiện nay, con đường ấy trở thành một trong những điểm du lịch thu hút khá nhiều du khách, nhất là các nhà báo và các cựu chiến binh Mỹ từng có mặt trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam. Trên con đường mới này, du khách có thể di chuyển bằng xe hơi với tốc độ 60 dặm/giờ qua các thôn, xóm hiền hòa và núi non hùng vĩ dọc hai bên đường… Xa lộ cũng có những ngã rẽ để di chuyển dễ dàng đến một số thắng cảnh hàng đầu khác của Việt Nam như: Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và những bãi biển cát trắng nổi tiếng ở miền Trung, những cao nguyên trù phú ở Tây Nguyên...”, Gray viết.

Nhà báo Denis Gray của hãng AP mới đây đã bắt đầu chuyến đi bằng ô-tô từ thành phố Vinh vừa được tái thiết, rồi qua đường 9 để sang Lào. Anh mô tả: “Hầu hết nhà cửa ở thành phố này đều bị hư hại nặng nề trong thời kỳ chiến tranh vì những trận bom của phi cơ Mỹ nhằm ngăn chặn làn sóng viện trợ ào ạt qua hải cảng.

Đây cũng là nơi mà các phi công Mỹ chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc chiến tại Việt Nam… Hiện nay, tại một vài địa điểm như thị trấn A Lưới trong thung lũng A Shau, cửa khẩu Lao Bảo..., du khách thấy có những dấu hiệu phát triển với những ngôi nhà mới, một ngôi chợ bán các loại trái cây và các mặt hàng nước ngoài như: đồng hồ Nhật, bánh mì Pháp, áo quần hay mỹ phẩm từ Thái Lan.

Từ xa lộ này, người ta có thể thấy một ngọn đồi ẩn hiện dưới làn sương mỏng cách đó không xa. Các binh sĩ Mỹ gọi đó là Hambuger Hill, hay Đồi Thịt Băm, vì số người bị thiệt mạng quá nhiều trong những cuộc giao tranh đẫm máu giữa đôi bên từ năm 1969 xung quanh ngọn đồi này.

Ngày nay, mọi việc đều thay đổi. Du khách Mỹ và người dân địa phương không còn nhìn nhau bằng ánh mắt nghi kỵ và người ta không còn thấy dấu vết nào về sự hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ trước đây tại các thị trấn ven đường. Chỉ những người lớn tuổi mới còn nhớ cái bãi đáp trực thăng của quân đội Mỹ tại khu vực này cách đây hơn 40 năm, nơi mà nay đã trở thành sân chơi của học trò…”.

2. Ngược chiều với Gray, Christopher W.Runckel, nguyên là nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc ở nhiều nước châu Á, là người sáng lập và giám đốc Công ty Runckel & Associates tại Oregon, chuyên tư vấn về cơ hội phát triển thương mại tại châu Á; từng sống, làm việc tại Thái Lan hơn 6 năm, đã đi từ Vientiane đến Savannakhet và ghi lại cảm xúc của mình:

“…Mặc dù trở lại Vientiane lần này rất thú vị nhưng mục đích của tôi lại hướng đến miền Trung nước Lào, đặc biệt là Savannakhet. Đây không phải là khu vực phát triển nhanh chóng như Vientiane hay Pakse ở phía Nam, những nơi được xem là nơi tiếp xúc sớm nhất với nước láng giềng Thái Lan nhờ cây cầu mới bắc qua sông Mekong.

Con đường phía Nam Vientiane cho thấy hiệu quả của sự tài trợ quốc tế ở đất nước này. Từ thủ đô đến Savannakhet mất khoảng 5-6 tiếng nhưng rất thú vị bởi cảnh quan dọc sông Mekong và đồi núi kéo dài hai bên đường. Được ngắm nhìn những cánh rừng nhiệt đới là một trải nghiệm khó quên. Lào sở hữu những phong cảnh lạ thường, những cánh rừng và những dãy đồi chạy dài ngun ngút…

Khu kinh tế đặc biệt Savan - Seno SEZ tọa lạc ở vị trí gần cây cầu, rất thuận tiện cho việc cung ứng lao động và các dịch vụ từ thành phố Savannakhet cũng như nằm ngay trên con đường 9 của hành lang kinh tế Đông Tây chạy về phía cảng nước sâu Đà Nẵng (Việt Nam) ở phía Đông, kết nối với nhiều khu chế xuất của Thái Lan và tỉnh Moulmein (Myranmar) ở phía Tây… Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chúng hội tụ cả 3 yếu tố quan trọng là vị trí- vị trí và vị trí.

Savannakhet và các khu vực xung quanh có một số nơi thu hút du khách như: tháp That Ing Hang, một trong những chùa thiêng của Phật giáo ở khu vực Nam Lào và Bắc Thái Lan; chùa Wat Xayaphoum, chùa đá Heuan Hin - một di tích văn minh cổ Khmer cách đây hơn 1.000 năm, khu di tích khủng long hóa thạch, thư viện cổ Hortai Pitok với những ngôi nhà gỗ cổ 200 năm, lưu giữ những chữ viết lộng lẫy trên lá cọ… Nhưng đặc biệt hơn cả là các di tích liên quan đến chiến dịch Lam Sơn 719 vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, đã được người Lào đưa vào các điểm du lịch khá thu hút...”.

3. Trở lại nước Lào vào đầu tháng 9 này, so với 3 năm trước, cảnh và người đã hoàn toàn thay đổi. Các nhà báo và chuyên gia phương Tây có những ghi nhận riêng của họ.

Còn tôi, ấn tượng hôm nay chính là lưu lượng người và xe cộ qua hai cửa khẩu đã tăng lên gấp nhiều lần, nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Nhờ áp dụng cơ chế “một cửa” chung cho cả hai cửa khẩu Lao Bảo và Den Savan nên không còn ùn tắc như trước.

Một doanh nhân Đà Nẵng tự lái xe đi Vientiane qua đường 9 chỉ trong ngày với 1.000km. Dọc đường 9 thuộc tỉnh Savannakhet, từ các thị trấn Carol, Tsepone đến Mường Phìn, nhà cửa mọc lên san sát, các chợ và cửa hàng luôn tấp nập, khác hẳn với những nhà sàn mái tôn cách đây 10 năm. Những đoàn xe vận tải biển số Thái Lan, Lào, Việt xuôi ngược, tay lái thuận và nghịch lên xuống nhộn nhịp, vận chuyển nhiều loại hàng lâm, khoáng sản, hàng hóa công nghệ và nhiên liệu…

Dù chưa rõ có bao nhiêu hàng hóa, bao nhiêu container trong số ấy về đến Cảng Đà Nẵng nhưng tôi cứ băn khoăn một điều: Cùng chạy xe trên đường 9 ban đêm, nhưng qua phía Lào các xe đi ngược chiều đều bật đèn gầm để phía đối diện không chói mắt. Còn qua khỏi cửa khẩu về Việt Nam, hầu hết lái xe đều “chơi đèn pha” bất kể xe ngược chiều là ai! Chúng ta “tự chơi khó nhau” để làm chậm hành trình và dễ gây tai nạn, hay là luật pháp không nghiêm?

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.