.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Chuyện ở một thôn miền núi

Đến nhà anh Nguyễn Hữu Nhân, trưởng thôn 5 (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) vừa lúc anh mới xong việc làm đường trở về. Anh bảo, con đường nối giữa thôn Mỹ Sơn và thôn 5 đang được xây cống nên cứ hôm nào rảnh, anh lại ra góp một tay để mùa mưa này bà con không chịu cảnh đường sá lầy lội, ngập nữa.

Từ trước đến nay, thôn 5 vẫn “bị” xếp vào diện khó khăn nhất, nhì xã Hòa Ninh. Địa hình đồi núi, diện tích đất nông nghiệp ít ỏi, nên năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn lên đến 50%. Trước tình cảnh ấy, UBND huyện Hòa Vang đã chọn thôn 5 để phát triển chăn nuôi nông nghiệp, dựa vào điều kiện khí hậu mát mẻ, nhiều cây cối.

Từ đó đến nay đã 15 năm. Anh Nhân cho biết, thôn hiện có 109 hộ với 450 khẩu, chia 3 tổ đoàn kết. Tỷ lệ hộ nghèo ở thời điểm này là 20%. Đây vẫn là một con số lớn, nhưng để đạt được, thôn nghèo này đã phải nỗ lực rất nhiều. Vì địa hình nhỏ hẹp nên các mô hình chăn nuôi hộ gia đình đa số đều nhỏ lẻ. Đã vậy, bà con mới chắt chiu được một chút, cất được gian nhà, nuôi được vài con heo, dăm con gà, qua một cơn bão lại trở về điểm xuất phát.

Thế nhưng, người dân nơi đây không cam phận trước cái khó. Vùng đất này đã thu hút những người miền xuôi lên sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, như trại thỏ Quốc Cường của ông Dương Văn Chính, Trung tâm Cung ứng và lai tạo thỏ giống miền Trung của ông Nguyễn Văn Cương… cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Bên cạnh đó, những hộ nghèo trong thôn đều được chính quyền địa phương tặng bò giống. Hiện thôn 5 có đàn bò 300 con, đàn trâu và dê cộng lại thì số lượng cũng xấp xỉ. Hằng quý, các hộ nghèo còn nhận thêm gà và heo, được trồng thêm chục cây chuối để tạo thêm thu nhập.

Trong 2 năm 2014 và 2015, chính quyền và bà con thôn 5 đã “tốc hành” hoàn thành các tiêu chí của chương trình “Nông thôn mới” như xây 11 công trình vệ sinh, xóa 4 nhà tạm, xây dựng 2 nhà chống bão... Phấn khởi hơn cả, tháng 8 và tháng 9 vừa qua, toàn bộ đường liên thôn đã được thảm nhựa. Lúc biết tin làm đường, người dân thôn 5 sẵn sàng tháo bỏ hàng rào, thậm chí hiến một phần diện tích ruộng để mở rộng lòng đường từ 1,2m lên 4m. Còn hơn 600m đường thôn chưa được bê-tông hóa, bà con rất mong sẽ hoàn thành trong năm để Tết Nguyên đán sắp tới được đi lại trên con đường phẳng phiu, sạch sẽ.

Đằng sau những việc thôn 5 đã làm được là bàn tay lặng lẽ của người trưởng thôn. Tôi được ông Nguyễn Văn Cương, một người dân thôn cho hay, không phải người trưởng thôn nào cũng làm được những điều như anh Nhân đã làm. Anh tự ứng tiền túi để xây đình làng cho bà con có nơi sinh hoạt. Thấy bà con đi họp khó khăn vì địa hình xa xôi, anh phân từng tổ đoàn kết tự họp riêng cho thuận tiện, chỉ những vấn đề chung hay đột xuất mới phải họp toàn dân trong thôn.

Anh Nhân chia sẻ, nếu nói về tinh thần sinh hoạt cộng đồng, thì thôn 5 có lẽ phải đứng nhất, nhì toàn xã. Dù người dân thôn này nhiều khi đi làm xa nhà, giờ giấc không ổn định, nhưng cuộc họp nào cũng hơn 80% số hộ tham dự. Thậm chí, trong những buổi họp quan trọng, có những gia đình cả vợ chồng, con cái cùng đi họp, vừa để nắm thông tin, vừa để giao lưu với bà con hàng xóm.

Dẫu làm được nhiều việc cho thôn nhưng anh Nhân không khi nào nói về mình. Anh chỉ trăn trở rằng, thôn mình vẫn chưa có sân thể thao, nơi vui chơi cho thanh - thiếu niên, để rồi “tụi nó toàn phải đá banh dưới ruộng, cũng tội!”

Thôn nghèo ngày nào đang từng bước vươn lên, dẫu nhọc nhằn. Ở một nơi có những người trẻ quyết tâm làm giàu bằng sức lực, trí óc, bằng những gì thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này, có những người trưởng thôn luôn nghĩ cho bà con hàng xóm, thì có lẽ rồi thôn miền núi ấy cũng sẽ thoát nghèo.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.