Chính trị - Xã hội

Di dời các hộ kinh doanh vỉa hè đường Lê Duẩn

07:29, 29/10/2015 (GMT+7)

Giống như phố chuyên doanh thời trang đường Lê Duẩn - đoạn từ đường Trần Phú đến Ông Ích Khiêm (thuộc quận Hải Châu), tại đoạn từ đường Ông Ích Khiêm đến ngã ba Cai Lang (quận Thanh Khê), UBND thành phố chỉ đạo chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời đến địa điểm khác để kinh doanh đối với các hộ buôn bán trên vỉa hè.

Các hộ kinh doanh ram cuốn cải trên vỉa hè đường Lê Duẩn di dời về kinh doanh trên vỉa hè đường Hải Phòng.
Các hộ kinh doanh ram cuốn cải trên vỉa hè đường Lê Duẩn di dời về kinh doanh trên vỉa hè đường Hải Phòng.

Trong số 67 hộ nghèo, cận nghèo kinh doanh trên vỉa hè đường Lê Duẩn, đoạn từ đường Ông Ích Khiêm đến Điện Biên Phủ thì có đến 49 hộ ở địa bàn phường Tân Chính, chủ yếu kinh doanh ẩm thực như: ram cuốn cải, ốc hút, sinh tố, giải khát... Khi các đơn vị thi công triển khai tháo dỡ vỉa hè để thi công công trình Tổ chức khu phố chuyên doanh thời trang, các hộ này tự di dời đến nhiều tuyến đường khác để kinh doanh, tập trung tại các đoạn vỉa hè trống giáp tường rào trụ sở các cơ quan Nhà nước trên đường Hải Phòng.

Theo ông Hồ Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Tân Chính, tất cả hộ kinh doanh trên vỉa hè đường Lê Duẩn thuộc địa bàn phường đều có kinh tế khó khăn, nhiều hộ đã kinh doanh hơn 10 năm nay. Phường cũng đã tính phương án bố trí các hộ này vào chợ kinh doanh, nhưng với ngành nghề kinh doanh như vậy thì vào chợ kinh doanh không được.

Mặt khác, việc chuyển đổi ngành nghề đối với các hộ này rất khó khăn, nhiều hộ không thể chuyển đổi sang nghề khác nên phương án trước mắt chỉ buộc những hộ kinh doanh rất nhỏ trên vỉa hè như: tủ thuốc lá, xăng lẻ... phải chuyển đổi ngành nghề, còn lại phải bố trí địa điểm khác để họ dời đến đó kinh doanh. Phường cũng đã lập phương án trình quận để quận đề xuất thành phố hỗ trợ các hộ kinh doanh vỉa hè di dời địa điểm.

“Trước việc nhiều hộ kinh doanh trên vỉa hè đường Lê Duẩn di dời đến kinh doanh trên vỉa hè đường Hải Phòng, nhất là các vị trí giáp với tường rào trụ sở nhiều cơ quan Nhà nước, phường chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, sắp xếp, bảo đảm trật tự vỉa hè và lối đi dành cho người đi bộ. Mặt khác, phường đang đề xuất quận cho phép sắp xếp, xây dựng điểm buôn bán văn minh kiểu mẫu trên vỉa hè đường Hải Phòng với tổng chiều dài 350m, bố trí xen kẻ 1 lô buôn bán - 1 lô để xe cho khách nhằm tạo sự đồng bộ, bảo đảm mỹ quan đô thị”, ông Hồ Văn Dũng nói.

Trong khi đó, theo UBND quận Thanh Khê, qua khảo sát của Phòng Kinh tế quận trước khi triển khai thi công công trình Tổ chức khu phố chuyên doanh đường Lê Duẩn, đoạn từ đường Ông Ích Khiêm đến Điện Biên Phủ, có tổng cộng 255 cơ sở kinh doanh, trong đó có 86 hộ kinh doanh áo quần các loại, dây thắt lưng, mũ, nón, phụ kiện thời trang (chiếm 33,7%); 22 hộ kinh doanh túi xách, giày, dép, may da, nệm (8,6%); 7 hộ kinh doanh sơn tường, bột tít (2,7%); 24 trụ sở cơ quan (9,4%); 12 nhà cho thuê mặt bằng (4,7%) và 104 hộ kinh doanh các ngành dịch vụ khác như: sắt thép, phụ kiện điện thoại, mua bán điện thoại, tạp hóa nhỏ, cắt tóc, sửa chữa xe máy, kinh doanh ăn uống (chiếm 40,9%).

Đối với các hộ kinh doanh sắt thép, sửa chữa xe máy, may da, ăn uống… đã hoạt động lâu năm nên việc chuyển đổi ngành nghề rất khó khăn. Để giải quyết các vấn đề này, lãnh đạo quận đã giao UBND các phường Tân Chính, Chính Gián và Thạc Gián tiến hành khảo sát, phân vùng, tạo thuận lợi tối đa và sắp xếp cho người dân buôn bán, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.

UBND quận cũng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với UBND các phường nghiên cứu đề xuất phương án sắp xếp các hộ kinh doanh trên vỉa hè đường Lê Duẩn vào kinh doanh ổn định tại các chợ hiện có trên địa bàn. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã giao UBND quận Thanh Khê báo cáo đề xuất thành phố phương án hỗ trợ di dời, bố trí vị trí kinh doanh mới đối với 67 hộ nghèo, cận nghèo kinh doanh trên vỉa hè đường Lê Duẩn.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.