.
Đối thoại đầu tuần

Khi "nam châm" thu hút chưa mạnh, vẫn cần đào tạo nhân tài

.

Thu hút nhân tài vẫn rẻ hơn là bỏ tiền ra đào tạo. Tuy nhiên, trong khi “nam châm” đãi ngộ nhân tài chưa đủ lực hút cạnh tranh thì đào tạo nhân tài vẫn là giải pháp chủ động cần thiết. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ khẳng định: Thành phố vẫn cần tiếp tục thực hiện cả hai việc thu hút và đào tạo nhân tài nhưng cần sửa đổi chính sách cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng tặng hoa chúc mừng các học viên Đề án 922 kết thúc khóa học.                        Ảnh: MAI TRANG
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng tặng hoa chúc mừng các học viên Đề án 922 kết thúc khóa học. Ảnh: MAI TRANG

* Ông đánh giá như thế nào về chính sách thu hút và đào tạo nhân tài của Đà Nẵng trong thời gian qua, thưa ông?

- Đà Nẵng là một trong những địa phương có chính sách thu hút và đào tạo nhân tài rất sớm thực hiện một cách bài bản, liên tục. Do đó, thành phố đã kịp thời bổ sung một nguồn nhân lực có chất lượng cao sau khi Đà Nẵng chia tách đơn vị hành chính khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Chính đội ngũ này đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và tạo nên “thương hiệu” Đà Nẵng trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó, Đà Nẵng có tiếng là nơi “trải thảm” trọng dụng người tài từ các nơi tụ về. Đặc biệt, chính sách đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước thông qua tuyển chọn con em của nhân dân thành phố là một chính sách đầu tư về chiều sâu. Chính sách này đã góp phần tạo nên một đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng cao, một lực lượng đầu tàu góp phần quan trọng trong hoạch định chính sách phát triển của thành phố.

* Ông có bình luận gì về việc phân công công tác cho các học viên Đề án 922 trái với ngành nghề được đào tạo?

- Đây là vấn đề bố trí sử dụng nhân tài. Người sử dụng thì cần sự cống hiến, kết quả làm việc của họ, còn người tài cần môi trường. Môi trường của mình hiện nay là có, tương đối tốt. Đó là môi trường e-kip làm việc toàn những người thuộc diện thu hút và đào tạo có tính cạnh tranh. Nhưng môi trường công tác còn những vấn đề hạn chế.

Thành phố đã bố trí đúng theo lĩnh vực được đào tạo cũng như nguyện vọng của nhân tài nhưng ở đây có sự khác biệt giữa đào tạo với công việc họ được bố trí. Chẳng hạn, học viên được đào tạo chuyên ngành về thương mại ở nước ngoài là học về phát triển kinh doanh thương mại, phát triển thị trường chứ không phải học về quản lý thương mại.

Khi tốt nghiệp, về nước, họ được bố trí sang cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại. Ở đây, chúng ta mới đạt mức cao trong bố trí sử dụng chứ chưa phải trọng dụng đúng nghĩa. Trọng dụng là bố trí họ đúng môi trường tốt để họ có thể thăng hoa được những kiến thức được đào tạo. Vì vậy, cần phải điều chỉnh ở chỗ này.

Nhưng như ban đầu tôi đã nói, chính sách thu hút và đào tạo nhân tài mình đã tạo được nền tảng ban đầu rồi tiến dần từng bước đạt về số lượng, đạt về chất lượng, đạt được uy tín, lòng tin đối với nhân tài. Người sử dụng lao động cần kết quả tốt nhất, người được sử dụng cần môi trường làm việc để họ có thể thăng hoa và đạt kết quả tốt nhất. Đây là điểm nút cuối cùng của thu hút, đào tạo và sử dụng nhân tài. Ở đây có những điểm hai bên đã gặp nhau, có điểm gần gặp nhau nhưng có những điểm chưa gặp nhau.

* Ông nghĩ gì về việc 64 lượt học viên Đề án 922 bội ước với thành phố làm dư luận đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của đề án này?

- Những học viên được tuyển chọn tham gia đề án này đều có đủ năng lực hành vi dân sự, được gia đình đồng ý nên mới ký kết hợp đồng với thành phố trong đó có cam kết sau khi tốt nghiệp phải làm việc cho thành phố ít nhất 7 năm. Khi họ vi phạm hợp đồng, tức là vi phạm pháp luật về dân sự, phải bồi hoàn chi phí theo cam kết đã ký. Việc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khởi kiện để buộc những người này bồi hoàn chi phí đào tạo là đúng pháp luật.

Tuy nhiên, cần xem lại quy trình để xác định gia đình học viên hay học viên, ai phải chịu trách nhiệm chính. Tôi nghĩ rằng, khi mới 18 tuổi, họ chưa biết gì về tương lai 5, 6 năm sau của mình là gì nên họ ký theo cảm tính, thậm chí ký theo ý kiến phụ huynh. Còn phụ huynh cũng coi đây như “món hời” nên đặt bút ký chứ họ chưa tính được thiệt hơn lúc đó.

Khi sang một môi trường mới, qua một thời gian sau, học viên mới nảy sinh tư tưởng khác với những gì mình đã cam kết với thành phố. Tuy nhiên, ở góc độ nhân văn, tôi thấy mình nên áp dụng chính sách của Trung ương: cho sinh viên vay để học đại học, cao đẳng; khi ra trường, có việc làm thì trả nợ dần. Vậy ta cũng nên áp dụng tương tự với những trường hợp bội ước với thành phố. Họ mới ra trường, không muốn làm việc cho thành phố thì làm gì có tiền mà đền ngay.

Cũng sẽ có trường hợp học viên chấp hành yêu cầu về làm việc nhưng làm việc với tâm thế đủ thời gian sẽ tìm đường đi nơi khác. Quan điểm của tôi là làm sao đất nước ngày càng có nhiều người tài dù họ làm việc ở bất cứ đâu. Tôi nghĩ, những người thực sự tài năng đều có lòng tự trọng, dù không làm cho thành phố nhưng vẫn sẽ thực hiện nghĩa vụ cam kết của mình, trừ những trường hợp học hành bầy hầy rồi bỏ luôn.

* Có ý kiến cho rằng thu hút nhân tài vừa rẻ hơn là đào tạo vừa tránh được rủi ro mất tiền đào tạo, theo ông nên lựa chọn hình thức nào?

- Quan điểm cá nhân tôi trong một môi trường lao động dân chủ, công khai, lành mạnh thì thu hút nhân tài vẫn tốt hơn. Thu hút nhân tài rẻ hơn nhiều so với đào tạo, đồng thời có sự lựa chọn nhiều hơn và lựa chọn được người đúng với việc mình cần bố trí sử dụng.

Trong bối cảnh hiện nay, “nam châm” thu hút của thành phố chưa đủ mạnh về chính sách đãi ngộ cũng như môi trường làm việc thực sự trọng dụng nhân tài. Thành phố vẫn cần phải tiếp tục đào tạo nhân tài.

Thu hút thì mình có ngay cho những việc cần trước mắt, còn đào tạo sẽ đáp ứng cho những mục tiêu lâu dài, đồng thời đào tạo nhân tài giúp chúng ta chủ động hơn về sử dụng nhân lực trong trường hợp thu hút không có người hoặc họ không tìm đến. Do đó, phải thực hiện song song cả thu hút và đào tạo để bố trí sử dụng nhân tài. Đồng thời, chính sách đối với thu hút, đào tạo và sử dụng nhân tài phải liên tục điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thành phố.

* Cảm ơn ông!

Thừa kiến thức nhưng thiếu chuyên gia đầu tàu

Trong một thời gian ngắn chúng ta tạo được “thương hiệu” Đà Nẵng có phần đóng góp từ chính sách thu hút, đào tạo và sử dụng nhân tài. Tuy nhiên, có thực tế hiện nay là tình trạng hơi thừa nhưng không phải là thừa số lượng.

Thừa thứ nhất là thừa kiến thức. Nghĩa là những học viên thành phố đào tạo ở nước ngoài rất rộng nhưng khi về bố trí công việc cũng thuộc lĩnh vực đó thì phạm vi công tác rất hẹp, người được bố trí công việc không phát huy hết những kiến thức được đào tạo.

Thừa thứ hai là tình trạng một số học viên được bố trí không đúng với chuyên ngành đào tạo. Vì vậy, thành phố chúng ta đang thiếu những chuyên gia hoạch định, chuyên gia đầu đàn, thiếu chuyên gia sâu về chuyên ngành, hoặc là người có trình độ cao nhưng thiếu kinh nghiệm quản lý.

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.