Bà Trương Kim Hà, quận Ngũ Hành Sơn: Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương
Theo tôi, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội lần thứ XII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, hợp lý; nội dung diễn đạt ngắn gọn, khoa học, xác định rõ mục tiêu, định hướng, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Tôi hoàn toàn thống nhất với chủ đề đại hội, theo tôi các nội dung chủ đề đã bao quát, đầy đủ những vấn đề cốt lõi nhất của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra cho đất nước trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, ở phần phương châm chỉ đạo Đại hội XII, tôi đề nghị chọn phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, vì vấn đề cốt lõi trong Đảng là đoàn kết để tạo nên sức mạnh, dân chủ phải đi đôi với kỷ cương thực hiện đường lối đổi mới để xây dựng đất nước.
Tại trang 6, dòng 6 từ trên xuống, sau đoạn “… kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc…”, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ: “công tác quản lý chưa chặt chẽ, để thất thoát hàng ngàn tỷ đồng từ các tập đoàn kinh tế”.
Ông Trần Quốc Việt, quận Cẩm Lệ: Hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo còn thấp
Tôi thống nhất cao về đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 30 năm đổi mới với những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, cũng như một số kinh nghiệm được rút ra là hợp lý, sát thực và đúng với tình hình đất nước ta trong thời gian qua.
Tôi thấy, Trung ương đã nhìn thẳng vào sự thật, nêu rõ những ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm, hạn chế cần tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, tôi đề nghị nên bổ sung đánh giá về ưu điểm của nhiệm kỳ 5 năm qua là: Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Trung ương đã kịp thời đánh giá, dự báo tình hình thế giới và trong nước để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ “tăng trưởng kinh tế nhanh” sang “tăng trưởng hợp lý”, nhờ đó bảo đảm được mục tiêu “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô” và “phát triển bền vững”.
Về phần hạn chế, khuyết điểm, tôi cho rằng cần bổ sung thêm đánh giá sau: Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo tuy được quan tâm đầu tư, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng hiệu quả đạt được còn thấp và chưa bền vững.
Ông Phạm Ngọc, quận Thanh Khê: Đưa ra mục mục tiêu phải có thời gian cụ thể thực hiện
Tôi đề nghị bổ sung thêm bài học: “Phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới” ở phần Một số bài học được rút ra (tại trang 10). Đối với bài học thứ ba, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung: “Đổi mới kinh tế phải gắn liền với đổi mới hệ thống chính trị và xã hội để tạo ra động lực phát triển kinh tế-xã hội”. Về mục tiêu tổng quát 5 năm tới, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI đề ra mục tiêu là: “phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…”.
Tuy nhiên, mục tiêu đại hội lần này là: “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, theo tôi cần phải đưa ra mốc thời gian cụ thể, vì đặt ra mục tiêu mà không xác định thời gian cụ thể thì sẽ không có quyết tâm cao để phấn đấu thực hiện. Cũng như ở phần nhiệm vụ tổng quát trong 5 năm tới, tôi đề nghị cần đặc biệt quan tâm công tác cán bộ của Đảng, nhất là cán bộ chủ chốt của Trung ương.
ĐẶNG NỞ ghi