Chính trị - Xã hội

Hãy bước về phía trước

14:28, 27/10/2015 (GMT+7)

“Hãy bước về phía trước” là điều mà chị Nguyễn Thị Thu Thủy (39 tuổi, ở tổ 80, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) luôn tâm niệm mỗi khi gặp khó khăn hay sắp gục ngã trên đường mưu sinh. Nhờ vậy, chị có thêm niềm tin và động lực để một mình nuôi các con ăn học nên người.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy chỉ mong sửa sang căn nhà để khỏi lo mỗi khi mưa bão về.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy chỉ mong sửa sang căn nhà để khỏi lo mỗi khi mưa bão về.

Nước da trắng, ăn nói khá duyên, nhưng cuộc đời của người phụ nữ có nhan sắc mặn mà này lại khá gian truân. Ngày trước, dù gia đình hai bên phản đối nhưng anh chị vẫn quyết tâm đến với nhau và có 2 đứa con xinh xắn. Sau một thời gian, vợ chồng chị dọn về ở trong căn nhà cấp 4 của người em chồng. Gọi là “nhà” chứ thực ra là một căn phòng đã xuống cấp và một phòng dưới được che tạm bằng mấy tấm tôn. Tiền kiếm được từ những cuốc xe ôm của anh và đồng lương công nhân ít ỏi của chị cũng tạm chi phí cho gia đình nhỏ đủ sống qua ngày. Bữa cơm đạm bạc nhưng trong nhà luôn tràn ngập tiếng cười đùa. Rồi bất hạnh ập đến khi căn bệnh ung thư dạ dày đã mang anh đi khỏi căn nhà nhỏ và mãi mãi không bao giờ trở về, để lại chị với nỗi đau không gì bù đắp cùng hai con thơ.

Nhà vắng đàn ông, một mình chị vừa làm mẹ, vừa làm cha. Nhà dột, chị trèo lên mái nhà dùng ni-lông che tạm. Bóng đèn, quạt hư, chị cặm cụi mày mò sửa… Mua được cái máy may đã cũ, vốn khéo tay, chị chuyển sang sửa đồ cũ cho cả xóm. Thương chị vất vả, ai có đồ cũ hay đồ mới bị sứt chỉ cũng mang đến nhờ chị sửa giúp. Ai gọi làm việc gì chị cũng nhận, từ rửa chén bát đến dọn nhà… Chị và một người hàng xóm khuyết tật còn căng bạt trên đường Nguyễn Tất Thành để giữ xe trước một nhà hàng mỗi khi có đám cưới…

Rồi từ lúc nào không biết, người ta gọi chị là cô Thủy “xe ôm”. Người già thuê chị chở đi công việc vì con cái bận hay ở xa, khách nơi khác đến Đà Nẵng muốn dạo vòng quanh thành phố cũng gọi chị. Chị trở thành nữ xe ôm hiếm hoi ở đây. “Nhiều lúc cũng sợ khi chở khách lúc chạng vạng tối. Nhưng nghĩ đến hai đứa bé bụng đói đang chờ ở nhà, tự dưng quên cả nỗi sợ…”, chị Thủy thổ lộ.

Có nhiều khách đi Bà Nà hay vào Hội An, chị cũng nhận chở đi. Mỗi khi có tiền, chị đều mua thức ăn “cải thiện” cho ba mẹ con, khi thì lạng thịt, lúc thì khúc cá tươi, còn bình thường thức ăn chủ yếu vẫn là trứng luộc và đậu khuôn. Có nhiều lần, khi đang chở khách giữa đường thì chiếc xe máy cà tàng của chị “giở chứng” tắt máy. Vậy là đành dắt vào lề đường tự sửa hoặc dắt đến tiệm sửa xe gần đó. Những lần như vậy, tiền công chở thuê không bù được với tiền sửa xe, coi như lỗ vốn chuyến đi.

Chị bảo, tụi nhỏ thương mẹ nên ít ốm đau và rất ngoan, chăm học. Một đứa lớp 8, một đứa học lớp 7 ngoài giờ học còn phụ mẹ nhặt rau, nấu cơm. Gần đây, chị bị đau dạ dày nặng. Bác sĩ bắt nhập viện nhưng chị lắc đầu vì chỉ cần nghỉ làm một ngày thì tiền đâu nuôi sống cả ba mẹ con. Bởi vậy, chị cố gắng uống thuốc, nén những cơn đau để đi làm. Mong mỏi của chị là sửa chữa căn nhà đã xuống cấp và mua chiếc xe máy mới để chở khách. Căn nhà ba mẹ con đang ở được xây dựng cách đây nhiều năm nên dột nát. “Mỗi khi mưa, phải kê đồ đạc lên cao vì đây là nhà thấp nhất xóm”, chị Thủy cho biết. Mái tôn đã quá cũ và dù được chị “gia cố” bằng mấy tấm ni-lông nhưng vẫn không ngăn được nước nhỏ xuống nền nhà mỗi khi mưa gió.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Mai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tam Thuận cho biết, địa phương đang tìm cách giúp mẹ con chị Thủy vì căn nhà mấy mẹ con đang ở do người em chồng đứng tên nên chưa thể được hỗ trợ sửa chữa.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.