Chính trị - Xã hội
Thẩm phán chịu trách nhiệm cá nhân khi công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án
Ngày 26-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Trưởng Đoàn đại biểu QH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tham gia phát biểu ý kiến. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu bài phát biểu này.
1. Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (các Điều 4, 43, 44, 45)
Khoản 2 Điều 4 quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Tôi tán thành quy định này, vì đây là nội dung rất mới, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay, bảo đảm công dân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ lẽ phải và các lợi ích chính đáng của mình.
Đó cũng là căn cứ để Tòa án nhận đơn, thụ lý vụ việc, tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa thể dự liệu, không để người dân tự xử lý, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Đồng thời, Tòa án vận dụng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, phong tục tập quán, nguyên tắc công bằng, thông lệ quốc tế… để phán quyết, chấm dứt tranh chấp.
Mặt khác, trong điều kiện các quan hệ xã hội biến đổi liên tục thì quy định này sẽ góp phần mở đường cho việc hình thành án lệ, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014. Hơn nữa, quy định này sẽ khuyến khích các Thẩm phán nâng cao khả năng vận dụng sáng tạo pháp luật, bám sát yêu cầu của xã hội, không máy móc, rập khuôn, để tránh vụ việc tranh chấp kéo dài trong nội bộ nhân dân.
Tuy nhiên, nhằm đề phòng xu hướng đương sự lạm dụng quy định này để khởi kiện ra Tòa án, tôi đề nghị luật cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh, nhất là phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình thì Tòa án mới xem xét thụ lý. Đồng thời, luật cần xây dựng chế tài vật chất kèm theo để buộc đương sự phải chịu án phí trong trường hợp Tòa bác đơn kiện.
2. Về vai trò của Viện Kiểm sát trong tố tụng dân sự (Điều 262)
Hiến pháp và pháp luật từ trước đến nay luôn xác định Viện Kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Điều 107 Hiến pháp và Điều 2 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát khẳng định: Viện Kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Để thực hiện nhiệm vụ này, Viện Kiểm sát có trách nhiệm phát hiện, nêu rõ mọi vi phạm pháp luật của các chủ thể trong việc giải quyết vụ án.
Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm về việc xử lý các vi phạm đó. Điều 27 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát quy định quyền kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Như vậy, pháp luật không giới hạn phạm vi kiểm sát, phạm vi phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát về nội dung giải quyết vụ án và việc chấp hành pháp luật tố tụng. Theo Điều 4 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát, thì chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp không chỉ nhằm mục đích phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật xảy ra mà còn phòng ngừa vi phạm.
Thực tiễn công tác kiểm sát xét xử vụ việc dân sự cho thấy, để tham gia phiên tòa; Kiểm sát viên phải nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ quá trình thụ lý xây dựng hồ sơ nên nắm được nội dung vụ án. Do đó, tôi đề nghị luật cần quy định Kiểm sát viên có thẩm quyền đề nghị Hội đồng xét xử về hướng giải quyết vụ án, giúp Hội đồng xét xử có thêm cơ sở để tham khảo, đánh giá vụ án khách quan, đầy đủ, toàn diện; tuyên án đúng pháp luật, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị không cần thiết.
3. Về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án (các Điều 415 đến 418)
Thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án hết sức quan trọng và cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay và thông lệ quốc tế, nhằm khắc phục tình trạng sau khi các bên đã hòa giải theo quy định pháp luật nhưng không có cơ quan nào tổ chức thi hành kết quả hòa giải đó. Vì vậy, việc quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án làm cho thỏa thuận của các bên có giá trị pháp lý bắt buộc và được bảo đảm thực thi bằng thủ tục thi hành án.
Tôi đề nghị luật cần quy định theo hướng, trước khi công nhận kết quả hòa giải, Tòa án phải xem xét, thẩm định lại toàn bộ nội dung hòa giải đó, đối chiếu với quy định pháp luật, lẽ công bằng, đạo đức xã hội; đồng thời ràng buộc trách nhiệm pháp lý của Thẩm phán khi ký quyết định.
4. Về tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ (các Điều 208 đến 211)
Trong vụ án dân sự, chứng cứ là điều vô cùng quan trọng, có giá trị quyết định hướng giải quyết vụ án của Tòa án. Do đó, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp mới, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thì việc công khai giao nộp, tiếp cận chứng cứ tại phiên hòa giải là hết sức cần thiết. Qua đó, giúp đương sự biết đầy đủ, chính xác chứng cứ của bên kia, có điều kiện để kiểm tra tính xác thực của chứng cứ, chuẩn bị căn cứ phản bác lại.
Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành và dự thảo mới cho phép đương sự được quyền cung cấp chứng cứ ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào là chưa hợp lý. Vì trong thực tế, có trường hợp đến khi mở phiên tòa, đương sự mới đưa ra chứng cứ, làm cho Tòa án lúng túng trong việc nhận định, đánh giá chứng cứ, dẫn đến vụ án bị hủy nhiều lần, qua nhiều cấp xét xử, mất thời gian, tiền bạc của Nhà nước và đương sự. Để khắc phục tình trạng trên, tôi đề nghị luật cần quy định theo hướng, buộc đương sự phải cung cấp chứng cứ trong một thời hạn nhất định, tốt nhất là trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, trừ trường hợp chứng minh đó là chứng cứ mới thu thập được.
Hữu Hoa