Chính trị - Xã hội

Thu hồi tài sản tham nhũng, bắt buộc thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn

07:48, 29/10/2015 (GMT+7)

Ngày 28-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Báo Đà Nẵng trích đăng phát biểu của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa về vấn đề này.

1- Về công tác phòng chống tội phạm

Năm qua, tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy số vụ án, bị can đều giảm so với năm 2014, nhưng hành vi phạm tội vô cùng nguy hiểm với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, manh động. Một số vụ trọng án giết nhiều người trong cùng gia đình gây hoang mang, bức xúc dư luận. Mặc dù ngành Công an đã tập trung lực lượng phá án nhanh, truy bắt kịp thời tội phạm nhưng vẫn gây tâm lý bất an trong xã hội.

Riêng về phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng tình hình, chưa đáp ứng đòi hỏi của dư luận xã hội. Công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội này thường kéo dài. Đây là điều rất đáng quan tâm. Theo báo cáo, ngành Công an khởi tố mới 178 vụ với 317 bị can, Viện Kiểm sát truy tố 310 vụ với 697 bị can, ngành Tòa án xét xử sơ thẩm 260 vụ với 577 bị cáo. Thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 950 tỷ đồng và gần 10.000m2 đất; nhưng thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 55,8% về tiền và 29,2% về đất. Như vậy, tài sản tham nhũng thu hồi rất thấp. Đó là vấn đề cử tri quan tâm, cho rằng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Tôi đề nghị Quốc hội xem xét, ra nghị quyết, quy định đối với tội phạm tham nhũng, tài sản thu hồi là căn cứ để Tòa án xem xét khi lượng hình. Không cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ khi tài sản tham nhũng thu hồi chưa đạt 100%. Tỷ lệ tài sản thu hồi càng ít thì xử mức án càng cao. Chỉ như vậy mới có tác dụng răn đe, buộc tội phạm tham nhũng phải nộp lại tài sản đã chiếm đoạt cho Nhà nước nhằm được hưởng mức án nhẹ. Đồng thời, cần quy định tội phạm tham nhũng chỉ được xét đặc xá, tha tù trước thời hạn khi nộp lại ít nhất 80% thiệt hại về tài sản đã gây ra cho Nhà nước.

2- Về các trường hợp oan sai

Trong năm, ngành Tòa án tuyên 24 bị cáo không phạm tội. Đây là cố gắng rất lớn, thể hiện bản lĩnh chính trị, trình độ pháp luật của Thẩm phán trong việc bảo vệ cán cân công lý. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, sau đó Tòa án cấp phúc thẩm lại tuyên không có tội. Vấn đề này, đề nghị ngành Tòa án cần phân tích, xác định rõ trách nhiệm của Thẩm phán để có hướng xử lý nghiêm khắc. Ngành Kiểm sát đã thực hiện tốt công tác kiểm sát điều tra tội phạm. Tuy vậy, vẫn còn đình chỉ điều tra trên 2.000 vụ với 2.100 bị can; trong đó có 33 bị can không phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, miễn trách nhiệm hình sự 295 bị can.

Báo cáo của Chính phủ không đề cập đến số bị can ngành Công an đình chỉ điều tra do oan sai, mà chỉ nêu đã xử lý 26 điều tra viên, trong đó truy tố 2 điều tra viên để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình. Vậy số liệu ngành Công an làm oan sai là bao nhiêu? Đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung nội dung rất quan trọng này cho Quốc hội biết, để giám sát. Như vậy, chỉ tính hai ngành Tòa án, Kiểm sát, mặc dù có nhiều cố gắng, đề ra nhiều biện pháp chống oan sai nhưng vẫn còn làm oan 76 người.

Nhưng các báo cáo đều không đề cập việc xử lý trách nhiệm kiểm sát viên và thẩm phán đã gây ra oan sai. Đề nghị lãnh đạo hai ngành báo cáo vấn đề này cho Quốc hội và nhân dân biết. Có như vậy mới thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì trong xã hội.

3- Về vấn đề bồi thường, bồi hoàn do oan sai

Đây là vấn đề cử tri rất bức xúc. Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2009, trong đó dành hẳn Chương 7 quy định trách nhiệm hoàn trả do oan sai gây ra tại Khoản 1 Điều 56: Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại phải hoàn trả ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Nhưng 6 năm qua chưa thấy cơ quan nào gây ra oan sai tổ chức thi hành nghiêm túc quy định này, mặc dù rất nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội có ý kiến. Báo cáo của Chính phủ chỉ đề cập năm nay, các Bộ, ngành, địa phương thụ lý, giải quyết xong 42/94 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường gần 16,5 tỷ đồng; hoàn toàn không nói gì đến trách nhiệm bồi hoàn của người thi hành công vụ.

Đây là tình trạng không chấp hành nghiêm pháp luật, diễn ra trong thời gian dài của các cơ quan Nhà nước, mà không ai khác chính là người trực tiếp và người đứng đầu các cơ quan Nhà nước đã gây ra oan sai cho nhân dân, đã được quy định rất rõ tại Khoản 1 Điều 59 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước: “Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thẩm quyền ra quyết định hoàn trả”. Như vậy, luật quy định rất cụ thể, nhưng thực tế vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần đưa vào nghị quyết để triển khai thực hiện nghiêm túc quy định này.

4- Về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm

Năm qua, ngành Tòa án giải quyết đạt tỷ lệ 51% trong số gần 10.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó, kháng nghị 742 vụ, đạt tỷ lệ gần 15% trên số đơn đã giải quyết. Đặc biệt, chất lượng kháng nghị được bảo đảm, 100% kháng nghị của Chánh án Tòa án tối cao được chấp nhận. Qua số liệu trên cho thấy, tuy ngành Tòa án đã có nhiều nỗ lực, tích cực giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng vẫn còn tình trạng tồn đọng đơn từ nhiều năm nay.

Số đơn năm 2014 chuyển sang gần bằng số đơn ngành Tòa án giải quyết trong một năm là quá nhiều. Tôi đề nghị ngành Tòa án cần có giải pháp đột phá sớm xử lý số đơn trên, không để kéo dài, gây tâm lý nặng nề cho đương sự.

.