Chính trị - Xã hội
Số hóa truyền hình Đà Nẵng: Trước giờ G
Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn Đà Nẵng chuyển đổi hoàn toàn từ công nghệ truyền hình mặt đất tương tự (analog) sang truyền hình số chuẩn DVB-T2.
Khi chuyển sang truyền hình số thì người dân có thể xem các chương trình truyền hình với nội dung phong phú hơn, chất lượng cao hơn. Ảnh: HOÀNG HÂN |
Người dân sử dụng tivi với những dàn ăng-ten theo công nghệ cũ sẽ không thể xem được các kênh truyền hình quảng bá miễn phí nữa. Vậy công tác triển khai số hóa truyền hình trên địa bàn thành phố, việc hỗ trợ thiết bị đầu thu DVB-T2 cho người dân nghèo, chất lượng vùng phủ sóng, việc chọn doanh nghiệp để thực hiện truyền dẫn phát sóng… diễn ra như thế nào?
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo số hóa truyền hình thành phố Đà Nẵng cho biết:
- Theo quyết định của Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình quốc gia, đến ngày 30-9, Đà Nẵng sẽ ngừng phát sóng các kênh truyền hình tương tự mặt đất bao gồm: VTV1, VTV2, VTV3, VTC1, VTC9, DRT2 và QRT. Trước đó, ngày 1-7, Đà Nẵng đã ngắt sóng analog 3 kênh VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, Đà Nẵng đã xin lùi thời hạn ngắt sóng truyền hình tương tự để bảo đảm chất lượng thu xem truyền hình của người dân.
Tại phiên họp lần thứ 9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đồng ý cho lùi thời hạn ngắt toàn bộ sóng truyền hình tương tự ở Đà Nẵng đến ngày 1-11. Đến nay, công tác triển khai số hóa truyền hình tại Đà Nẵng cơ bản đã được thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.
Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách truyền thanh; in và phát tờ rơi đến các thôn, tổ dân phố; phát thông tin tuyên truyền trên đài truyền thanh địa phương; mở kênh hướng dẫn, giải đáp qua số điện thoại 19009496 và tổng đài 1022; tuyên truyền trên sóng truyền hình...
Ban chỉ đạo số hóa truyền hình thành phố cũng đã tổ chức kiểm tra thực tế chất lượng vùng phủ sóng và đề nghị Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng - VTV thực hiện lắp trạm phát lại sóng truyền hình số mặt đất tại các vùng bị lõm sóng hoặc bị khuất núi.
* Việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo trên địa bàn thành phố đã triển khai đến đâu? Chất lượng thu xem truyền hình của người dân có bảo đảm không, thưa ông?
- Là địa phương được chọn làm thí điểm triển khai truyền hình số mặt đất, Đà Nẵng đã làm rất tốt công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho các hộ nghèo và cận nghèo để họ có điều kiện xem truyền hình như mọi người dân khác. Đây là chủ trương nhân đạo, kịp thời, thể hiện quyết sách đúng đắn của chính quyền thành phố trong việc tạo thuận lợi cho người dân được xem truyền hình số với chất lượng bảo đảm, hình ảnh rõ nét hơn công nghệ cũ.
Từ danh sách hơn 15.000 hộ dân nằm trong diện nghèo và cận nghèo trên địa bàn thành phố, Sở LĐ-TB&XH cũng như các quận, huyện đã rà soát danh sách, khảo sát, loại ra những hộ nghèo có khả năng mua được đầu thu truyền hình số để chốt danh sách 5.788 hộ được hỗ trợ đầu thu. Trong đó có 5.043 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Đà Nẵng được hỗ trợ đầu thu số TC-377 theo gói thầu do Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Đà Nẵng đấu thầu mua sắm. Còn 745 hộ cận nghèo chuẩn Trung ương được nhận hỗ trợ đầu thu iGate do Quỹ dịch vụ viễn thông công ích tổ chức đấu thầu mua sắm.
Đến thời điểm này, công tác lắp đặt đầu thu số cho các hộ dân cơ bản đã hoàn thành, gần 5.100 hộ được nhà thầu lắp đặt xong với chất lượng xem truyền hình bảo đảm, thu được 30-40 kênh truyền hình Trung ương và địa phương với thời hạn bảo hành trong vòng 1 năm. Riêng hơn 300 hộ dân tại các xã Hòa Bắc và Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) vẫn chưa thu được sóng truyền hình số do trạm bù sóng tại 2 nơi này không bảo đảm.
* Thưa ông, khi chuyển sang số hóa truyền hình, các đài truyền hình địa phương được phép chọn đơn vị nào để truyền dẫn phát sóng? Những khó khăn của doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng tại thành phố Đà Nẵng?
- Mục tiêu của Nhà nước là hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng cạnh tranh để phát triển dịch vụ truyền dẫn không chỉ trên phạm vi toàn quốc mà thậm chí phát chương trình ra cả thế giới. Vì vậy, các đài truyền hình địa phương khi thực hiện số hóa truyền hình được quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn để phát sóng quảng bá các kênh truyền hình thiết yếu. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 3 đơn vị được phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất là VTV, VTC và AVG.
Các đài địa phương chưa thể thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng của VTC vì đơn vị này vẫn chưa thiết lập mạng đơn tần để phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2. Còn nếu thuê AVG thì đài truyền hình địa phương và AVG phải tự đàm phán với nhau vì đây là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Việc thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng của VTV hiện nay cũng rất khó vì đơn vị này ưu tiên phát sóng các kênh do đài sản xuất nên dung lượng dùng phát dịch vụ cho đài truyền hình địa phương không còn nhiều. Trong khi đó, VTV đến nay vẫn chưa thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng để kinh doanh theo đúng Luật Viễn thông nên các đài sẽ không thuê được VTV khi chưa có giấy phép kinh doanh.
* Theo ông, khi triển khai số hóa truyền hình thì người dân trên địa bàn thành phố được hưởng lợi như thế nào và sẽ có bao nhiêu người dân bị ảnh hưởng?
- Hiện nay, tài nguyên tần số vô tuyến điện của nước ta đã gần cạn kiệt khiến một số kênh truyền hình địa phương bị trùng tần số dẫn đến khi xem chương trình tivi thường bị gián đoạn. Hơn nữa, với công nghệ ra đời hơn 60 năm trước thì chất lượng hình ảnh của truyền hình tương tự không thể sánh bằng truyền hình số, nhất là với những kênh truyền hình nước ngoài đã phát sóng FullHD.
Số hóa truyền hình mặt đất sẽ giúp truyền tải chương trình truyền hình với chất lượng cao hơn, thu được các chương trình chuẩn HD, giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng băng tần. Nếu như với truyền hình analog, một kênh tần số chỉ phát được một chương trình truyền hình thì truyền hình số DVB-T2 cho phép một kênh tần số phát được tới 20 chương trình. Vì vậy, khi chuyển sang truyền hình số, người dân có thể xem các chương trình truyền hình với nội dung phong phú hơn, chất lượng cao hơn.
Theo số liệu thống kê, vào đầu tháng 7 đã có khoảng 25% hộ dân trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi việc Đà Nẵng triển khai ngắt sóng analog 3 kênh VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1. Tuy nhiên, đến nay, với việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo và cận nghèo của thành phố cũng như việc người dân mua sắm dần trang thiết bị thì đến ngày 1-11, khi Đà Nẵng ngắt toàn bộ sóng tương tự analog thì chỉ còn khoảng 5% hộ dân bị ảnh hưởng, chủ yếu tập trung ở các xã vùng núi do chất lượng trạm bù sóng chưa bảo đảm.
* Khi thời hạn ngắt toàn bộ sóng tương tự analog trên địa bàn thành phố đã đến gần thì theo ông, vẫn còn những bất cập gì trong công tác triển khai số hóa truyền hình ở Đà Nẵng?
- Đến nay, hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn thành phố cơ bản đã bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 300 hộ dân tại các xã Hòa Bắc và Hòa Sơn không bắt được sóng truyền hình số mặt đất vì 2 trạm bù sóng khu vực này đã lắp đặt nhưng chưa hoàn thiện.
Chúng tôi rất nóng ruột và nhiều lần thúc giục Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng thuộc VTV sớm khắc phục để đưa vào khai thác 2 trạm bù sóng truyền hình số mặt đất ở xã Hòa Bắc và Hòa Sơn, đồng thời bố trí thêm các trạm bù sóng tại những khu vực sóng truyền hình số mặt đất còn yếu để kịp thời hạn ngắt sóng truyền hình tương tự trước ngày 1-11 nhưng vẫn chưa biết khi nào VTV khắc phục xong.
* Xin cảm ơn ông!
HOÀNG HÂN thực hiện