Cùng với cử tri cả nước, cử tri thành phố theo dõi kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII và bày tỏ nguyện vọng trước những vấn đề nóng sẽ được đưa ra thảo luận tại nghị trường như: xây dựng các dự án luật; các vấn đề xã hội; tình hình phức tạp trên Biển Đông; phòng, chống tham nhũng; chất vấn các thành viên Chính phủ về thực hiện lời hứa tại các kỳ họp trước... Bên cạnh đó, nhân sự Tổng Thư ký Quốc hội (QH) cũng được cử tri rất quan tâm.
Phấn khởi vì kinh tế khởi sắc hơn
Theo dõi phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII vào ngày 20-10, cử tri thành phố bày tỏ tin tưởng và phấn khởi khi kinh tế cả nước có những chuyển biến tích cực. Cử tri Phạm Đăng Ngọc (quận Hải Châu) cho rằng, năm 2015 tình hình nước ta có sự tác động từ cả bên ngoài và những vấn đề nội tại của nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm 2015 cao nhất trong 5 năm qua, góp phần tạo tiền đề tiếp tục phấn đấu xây dựng đất nước phát triển vững chắc hơn. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế sau khi tham gia ký kết các hiệp định thương mại ở tầm khu vực và thế giới.
Cử tri Lê Văn Minh (quận Liên Chiểu) đánh giá, trong các nội dung do Chính phủ báo cáo cho thấy những chuyến biến tích cực, đồng thời cũng nêu ra được những hạn chế, yếu kém cản trở sự phát triển trong thời gian đến. Có được kết quả này, ngoài sự điều hành quyết liệt, nhạy bén, linh hoạt, kịp thời, có tính nguyên tắc cao của Chính phủ là sự đồng thuận lớn của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Một số cử tri cho rằng, các giải pháp do Chính phủ đưa ra khá đồng bộ, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện cần có sự linh hoạt và quyết liệt hơn nữa nhằm mang lại hiệu quả rõ nét trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Luật phải có tính phòng ngừa, giáo dục, răn đe
Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu QH thành phố trước kỳ họp, cử tri Đặng Vân (quận Hải Châu) đề nghị QH nên xem xét kỹ phương án giảm án tử hình đối với 7 loại tội phạm khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, vì nếu pháp luật không có sự răn đe nghiêm túc thì tội phạm sẽ diễn biến phức tạp hơn. Rất nhiều cử tri bày tỏ lo lắng trước tình hình tội phạm gia tăng mạnh trong thời gian qua, nhất là nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, giết người hàng loạt gây rúng động dư luận. Nếu sửa đổi Bộ luật Hình sự mà bỏ lọt các loại tội phạm thì sẽ rất nguy hiểm.
Một số cử tri kiến nghị cần giữ lại chế tài tử hình đối với tội tham nhũng để có tính răn đe cao; đồng thời, làm thế nào để luật ban hành phải nhanh chóng đi vào cuộc sống. Trên lĩnh vực kinh tế, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố kiến nghị Trung ương cần có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập các hiệp định thương mại quốc tế.
Ngăn chặn nạn tham nhũng, lợi ích nhóm
Cử tri Huỳnh Danh Ngãi (quận Cẩm Lệ) và nhiều cử tri khác bức xúc khi tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn, trong đó xuất hiện tham nhũng lợi ích nhóm dẫn đến nguy cơ làm xói mòn lòng tin của nhân dân.
Cử tri đề nghị QH phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Để chống tham nhũng có hiệu quả cao cần phải tổ chức một lực lượng chuyên trách mạnh và có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho những cán bộ làm công tác này. Nhiều ý kiến cử tri bức xúc với các doanh nghiệp Nhà nước độc quyền kinh doanh điện và xăng dầu có biểu hiện lợi ích nhóm, nhất là ngành điện; vì vậy cần xóa bỏ cơ chế độc quyền, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Liên quan đến vấn nạn tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, cử tri thành phố cho rằng các quy định về an toàn giao thông hiện nay quá nhiều, người dân rất khó nhớ và áp dụng; vì vậy cần tập trung tuyên truyền thiết thực hơn nữa. Cử tri cũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, tình trạng sinh viên ra trường chưa có việc làm gia tăng; đề nghị QH nên thảo luận và đi đến thống nhất chủ trương tinh giảm mạnh số lượng trường đại học, tăng trường dạy nghề để bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân.
Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp: Hạn chế tối đa án tử hình về tội phạm kinh tế Theo tôi, sửa đổi Bộ luật Hình sự phải căn cứ trên tình hình thực tiễn đất nước, đặc biệt là tình hình diễn biến tội phạm, tình hình xét xử, nhất là bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Ở một số nước, án tử hình vẫn còn giữ, riêng ý kiến cá nhân tôi, án tử hình nên dành cho tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại lớn và làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của công dân. Đối với những tội phạm về kinh tế, nên hạn chế tối đa án tử hình vì phạm vi liên quan và phạm vi điều chỉnh rất rộng; các quy định hiện nay vẫn còn những bất cập cần sửa đổi để phù hợp hơn. Hơn nữa, tinh thần xây dựng luật ở nước ta là thể hiện tính nhân văn trong mọi quan hệ, nhưng dù sao phải bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật. Mọi hành vi của công dân đều được điều chỉnh bởi pháp luật. Tôi tin tưởng, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề cần được điều chỉnh trong sửa đổi Bộ luật Hình sự để tạo hành lang pháp lý thống nhất và có tính bền vững trong triển khai tổ chức thực hiện. Cử tri Phan Tá Sinh, quận Ngũ Hành Sơn: Cần thực hiện đúng lời hứa trả lời chất vấn Theo dõi những kỳ họp trước, tôi thấy khi lên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, một số bộ trưởng có sự chuẩn bị tốt và rất hiểu lĩnh vực mình phụ trách nên trả lời sát với nội dung chất vấn, làm rõ vấn đề và nội dung chất vấn; đưa ra giải pháp giải quyết. Những câu hỏi khó cũng có thể giải đáp được một phần khiến cử tri có sự hài lòng và thỏa mãn. Tuy vậy, vẫn còn những bộ trưởng chưa trả lời vào trọng tâm nội dung câu hỏi mà vòng vo, nêu vấn đề khá chung chung. Vấn đề mà tôi quan tâm là khi chất vấn, các bộ trưởng hứa sẽ tạo chuyển biến ở kỳ họp tới. Tuy nhiên, tôi thấy tình hình vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực ở một số lĩnh vực sau kỳ họp. Tôi mong lần này, các bộ trưởng hãy thể hiện phong cách nói và làm, dám hứa thì phải nỗ lực thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội cũng như cử tri cả nước. D.MINH ghi |
VIỆT DŨNG tổng hợp