.

Thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch

.

* Chú trọng công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ

Ngày 15-10, phiên thảo luận tại Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng diễn ra rất sôi nổi với 9 ý kiến tập trung vào lĩnh vực phát triển ngành du lịch, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính quyền, công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Các đại biểu trao đổi bên lề đại hội.  						             Ảnh: ĐẶNG NỞ
Các đại biểu trao đổi bên lề đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Cần lập tổ công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài

Bước vào phần thảo luận, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ gợi ý các đại biểu: Đà Nẵng được vinh danh nhiều chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, chỉ số quản trị… nhưng vẫn chưa đón được nhà đầu tư lớn, thu hút FDI thấp. Phải chăng chính sách thu hút FDI của thành phố chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài? Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng chỉ rõ sức hút FDI của thành phố trong nhiệm kỳ qua kém so với một số địa phương khác và thu ngân sách đang có dấu hiệu hụt hơi.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH VBL Việt Nam kiến nghị thành phố nên lập một tổ công tác chuyên về xúc tiến đầu tư nước ngoài, nằm dưới sự điều hành của Thường trực Thành ủy nhằm thu hút FDI mạnh hơn nữa. Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất là tính minh bạch, công khai, công bằng của chính quyền, thể hiện qua hoạt động của các cơ quan: Hải quan, Thuế, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng…

Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, vốn là xu hướng của các tập đoàn lớn trên thế giới. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực quản lý cấp cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2017, Đà Nẵng là nơi tổ chức “Tuần lễ cấp cao APEC” và sẽ đón tiếp khoảng 1.000 giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn lớn trên thế giới. Đây chính là cơ hội vàng cho Đà Nẵng tiếp cận các CEO để xúc tiến đầu tư. Thành phố cần phải chuẩn bị một nhóm công tác đặc biệt để lo việc này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Sia, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng đề xuất đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm dịch vụ logistics hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các giải pháp đầu tư phát triển hạ tầng cảng Đà Nẵng. Phát triển dịch vụ logistics là lợi thế của Đà Nẵng mà không trùng với lĩnh vực đầu tư của các cảng biển địa phương khác trong khu vực. Dịch vụ logistics phát triển sẽ đóng góp ngân sách đáng kể cho thành phố.

Đưa ra giải pháp phát triển du lịch - một trong 3 đột phá kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020, đại biểu Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố cho biết để đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó 2 triệu du khách quốc tế, ngành du lịch thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng thông qua việc tập trung hình thành các sản phẩm du lịch chủ lực, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách và có sức cạnh tranh cao.

Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển cụm du lịch ven biển, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, xem đây là sản phẩm chủ lực, khả năng cạnh tranh cao. Tiếp tục kêu gọi đầu tư khu du lịch Làng Vân để hình thành khu giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp. Mở rộng không gian và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ khách tại quần thể khu du lịch sinh thái Bà Nà-Suối Mơ; xây dựng sân golf Bà Nà, khu tắm suối nước khoáng tại Hòa Phú, Hòa Vang.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai dự án Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn; mở rộng không gian đô thị khai thác du lịch sông Cổ Cò; xây dựng các bảo tàng và công viên chuyên đề; tận dụng tối đa thế mạnh về hạ tầng, cơ sở vật chất, điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch công vụ, sự kiện. Đặc biệt, sự kiện APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng sẽ thu hút và quảng bá rất hiệu quả cho du khách quốc tế.

Theo ông Ngô Quang Vinh, tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách phải được cải thiện và nâng cao hơn; đặc biệt là đơn giản thủ tục và xây dựng đội ngũ phục vụ thông thạo nhiều ngoại ngữ. Song song đó, công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực du lịch cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nhằm hạn chế, không để xảy ra những hình ảnh phản cảm về môi trường du lịch của Đà Nẵng.

Phải có cán bộ nữ tham gia lãnh đạo

“Nếu có tại chỗ thì đề bạt, chưa có thì tìm chỗ khác về, không được bố trí cán bộ nam giới thay vào chỗ đó”, Bí thư Thành ủy Trần Thọ gợi ý các đại biểu thảo luận, tìm giải pháp cho công tác cán bộ nữ. Bí thư Thành ủy Trần Thọ nêu một thực tế khi quy hoạch tỉ lệ nữ đều đạt nhưng khi bỏ phiếu bầu thì không đủ tỉ lệ. Cán bộ nữ là câu chuyện được đề cập từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đến tận đại hội này.

Nói về vấn đề cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đại biểu Ngô Xuân Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy khẳng định Ban Thường vụ Thành ủy đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Kết quả là chính sách tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ đạt được cả về số lượng và chất lượng ở cơ sở và cấp thành phố.

Cơ cấu nữ, cơ cấu trẻ trong cấp ủy cơ sở đảm bảo theo quy định. Số cán bộ nữ, cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở phường, xã, cấp phòng của quận, huyện chiếm tỉ lệ khá cao. Tuy nhiên công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ còn một số hạn chế: Tỉ lệ cán bộ trẻ trong cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở còn thấp; tỉ lệ cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp, thiếu tính kế thừa.

Nguyên nhân là một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa chỉ đạo thường xuyên, kiên quyết. Công tác quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ của một số cấp ủy còn khép kín trong địa phương, đơn vị mình và mới chú ý đến tỉ lệ cần đạt. Cán bộ trẻ cấp trưởng phòng còn ít, mặt khác là việc chưa mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ.

Đại biểu Ngô Xuân Thắng đề xuất cần tạo chuyển biến thật sự về nhận thức trong các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ; cần tiếp tục mở rộng quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp; ưu tiên bổ sung cán bộ nữ, cán bộ trẻ vào ban chấp hành, ban thường vụ trong nhiệm kỳ. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng thêm lãnh đạo cấp ủy kết hợp với luân chuyển, đào tạo cán bộ nữ, cán bộ trẻ, phải có ít nhất 50% phường, xã, quận, huyện có phó bí thư tăng thêm, tăng tỉ lệ nữ, trẻ trong HĐND các cấp.

Ngoài ra, các địa phương chưa đảm bảo cơ cấu trẻ, cơ cấu nữ và cơ cấu 3 độ tuổi thì phải có phương án bổ sung; nếu nguồn tại chỗ không đảm bảo cần điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến hoặc để trống cho đến khi tìm được cán bộ đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, cần mở rộng thi tuyển lãnh đạo, quản lý, qua đó phát hiện, mạnh dạn đề bạt cán bộ nữ, cán bộ trẻ; tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển và tạo nguồn cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020”.

Đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về nội dung “5 xây”,“3 chống”, đại biểu Vũ Ngọc Liên, Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố đề nghị biện pháp đầu tiên là giữ vững và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng Đảng tại các cơ quan, đơn vị. Trong đó, đặc biệt quan tâm nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ; quản lý tốt đảng viên, kể cả đảng viên lãnh đạo.

Theo đại biểu Vũ Ngọc Liên, lãnh đạo đơn vị tôn trọng và thực hiện đúng quy định của Đảng, nhất là quy định về trách nhiệm và nêu gương của lãnh đạo thì nơi đó giữ được sự đoàn kết, thống nhất, ổn định và có sự phát triển. Bên cạnh đó, phải trọng dụng cán bộ tài năng. Đi liền đó là luôn giáo dục truyền thống cách mạng, làm sao để thế hệ hôm nay và mai sau có quyền tự hào với truyền thống vẻ vang của nhân dân và của thành phố, từ đó phấn đấu vì tương lai giàu đẹp hơn.

Phải thống nhất nhận thức về vai trò của Mặt trận

Nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức thành viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu nhiều giải pháp. Trước hết, phải thống nhất về mặt nhận thức, nhất là trong cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của giám sát và phản biện xã hội, về vai trò, vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị.

Thành phố cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có năng lực chuyên môn sâu nhiều lĩnh vực, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, dũng khí và phải được đào tạo, sử dụng, đãi ngộ công bằng như mọi cán bộ trong hệ thống chính trị. Cần đưa giám sát và phản biện xã hội thành nếp sinh hoạt thường xuyên ở mọi cơ quan, đơn vị; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hỗ trợ cho Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt việc giám sát và phản biện xã hội. Ngoài việc Mặt trận chủ động lựa chọn vấn đề để giám sát và phản biện xã hội, chính quyền cũng cần “đặt hàng” giám sát và phản biện xã hội.

Hội nghị còn nghe các tham luận của Bí thư Quận ủy Hải Châu Võ Văn Thương về phát huy vai trò của quận trung tâm trong việc quản lý trật tự xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; tham luận của Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường về xây dựng nông thôn mới; tham luận của Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đỗ Thị Kim Lĩnh về phòng, chống bạo lực gia đình…

HOÀNG ANH - DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.