.

Truyền nghề, giúp nhau làm kinh tế

.

Chưa một ngày được đào tạo nghề nhưng chị em phụ nữ phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) đã giúp nhau có nghề, có việc làm ổn định.

Phụ nữ học kết cườm tại Đà Nẵng.
Phụ nữ học kết cườm tại Đà Nẵng.

Kiếm tiền… tại gia

Tư tưởng chị em phụ nữ có con nhỏ vừa phải chăm sóc con, vừa lo cơm nước thì không thể kiếm tiền đã qua, bởi đối với các chị em phụ nữ ở phường Hòa Phát, hiện nay, họ làm ra tiền không thua các đấng lang quân.

“Lúc đầu cũng tính chuyện đi làm kiếm tiền nhưng con còn nhỏ nên phải ở nhà chăm sóc con và lo cơm nước. Nói vậy chứ lúc rảnh cũng buồn lắm”, chị Ngô Thị Thương (37 tuổi) thổ lộ. Đó là chuyện trước đây, còn bây giờ, ở nhà, với công việc cắt gia công bánh tráng theo khuôn mẫu để làm bánh tráng cuốn, chị Thương có thể đủng đỉnh kiếm được hơn 3 triệu đồng/tháng mà vẫn lo chuyện nội trợ. “Họ mang bánh đến, mình chỉ việc cắt cho đúng rồi bỏ vào bao.

Công việc này có thường xuyên. Khi trời mưa gió vẫn không bị ảnh hưởng gì”, chị Thương cho biết. Chồng chị Thương làm nghề thợ nề, việc lúc có lúc không nên khi rảnh cũng tranh thủ phụ vợ cắt bánh tráng để tăng thu nhập. Nhờ vậy, gia đình chị Thương thoát khỏi khó khăn, không còn những lời than trách, lo lắng mà thay vào đó là tiếng cười đùa, tiếng bi bô của trẻ thơ râm ran khắp căn nhà nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Phương (50 tuổi), người đã “truyền nghề” cắt bánh tráng cho chị Thương và hơn chục phụ nữ khó khăn khác cho biết: “Chị em mình ở nhà trông con, lo nội trợ, sống phụ thuộc vào chồng nên cuộc sống rất bí bách, mâu thuẫn dễ xảy ra. Nhiều chị muốn đi làm mà không đi được vì phải lo việc gia đình. Bởi vậy, sẵn mình có nghề làm bánh tráng nên tạo việc làm cho chị em, giúp họ có thu nhập ổn định”.

Chị Phương cho biết, phải mất từ 1-2 tuần chị em mới thành thạo việc cắt bánh tráng, xếp cho đúng để bỏ vào bao. Xếp bánh nếu chưa thạo sẽ dễ bể, nhìn không đẹp mắt. Sau khi xếp, bánh tráng được đưa đi phân phối cho những “mối” quen của chị Phương tại nhiều chợ trên địa bàn Đà Nẵng. Hàng tiêu thụ đều nên chị em có việc thường xuyên, thu nhập ổn định trung bình 2,5 triệu đồng/tháng.

Cùng giúp nhau

Chị Nguyễn Thanh Kiều Trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Phát, cho biết trong những năm qua, nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững, Hội LHPN phường đã tổ chức nhiều mô hình chị em giúp nhau phát triển kinh tế thông qua việc tự dạy nghề.

“Lúc đầu đăng ký mở lớp dạy nghề cho chị em nhưng số lượng chị em đăng ký học nghề không đủ để mở lớp; hơn nữa, điều kiện chị em phần lớn khó khăn, lại phải lo trông con, lo chuyện nội trợ nên khó theo học. Vì vậy, thông qua hình thức giúp nhau bằng cách truyền nghề, chị em có công việc kiếm được thu nhập ổn định mà lại chủ động về thời gian”, chị Trang nói.

Đến nay, Hội LHPN phường Hòa Phát đã tổ chức được 12 dịch vụ chị em giúp nhau như: nấu ăn, may ví đựng tiền, thu mua phế liệu, nấu đồ chay, làm đá trang trí, gia công quần áo học sinh, đính hạt nhựa trên áo quần, gia công giày, làm hoa nhựa pha lê, thêu tranh, cắt bánh tráng… Ước tính thu nhập mỗi tháng khoảng từ 2-3 triệu đồng. Ngoài ra, Hội LHPN phường Hòa Phát giới thiệu từ 15-20 chị làm dịch vụ vệ sinh ở các công ty, xí nghiệp với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.

“Trong lúc nhiều mô hình đang lúng túng bởi không có đầu ra, hàng không bán được, nhiều nghề phải bỏ thì cách mà chị em phụ nữ phường Hòa Phát giúp nhau truyền nghề, có việc làm ổn định thực sự đáng biểu dương và nhân rộng”, ông Phan Văn Phong, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Cẩm Lệ cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.