Chính trị - Xã hội

Bất cập thiết chế văn hóa xã, phường

Bài cuối: Phát triển theo hướng xã hội hóa

08:00, 05/11/2015 (GMT+7)

Xã hội hóa (XHH) vừa được coi là cứu cánh, vừa là giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh phí, nguồn lực: từ quản lý, bảo quản thiết chế, tổ chức hoạt động cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Nhà văn hóa phường Nại Hiên Đông là đơn vị được đánh giá thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa gần 2 năm nay.
Nhà văn hóa phường Nại Hiên Đông là đơn vị được đánh giá thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa gần 2 năm nay.

Tuy nhiên, việc bảo đảm hài hòa quyền thụ hưởng chính đáng của người dân và lợi ích của nhà đầu tư khi chưa có hướng dẫn cụ thể là chuyện không dễ.

Huy động các nguồn lực đầu tư còn yếu

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng không phủ nhận thực tế vấn đề kinh phí luôn “nóng” tại các diễn đàn về giải pháp liên quan đến việc gìn giữ, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa đã và đang được đầu tư trong thời gian qua. Ý kiến của số đông thường dừng lại ở giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, chứ không thể chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao huy động tối đa các nguồn lực này trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay (?!).

Ngay đối với các trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT) quận, huyện, kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, phân bổ theo số dân, chỉ đủ chi lương và các hoạt động sự nghiệp cơ bản, hoạt động khó khăn. Tình thế bắt buộc phải XHH nhưng việc huy động nguồn các nguồn lực đầu tư hiện rất yếu.

Trong khi đó, kinh phí hoạt động cho nhà văn hóa phường, trung tâm VHTT xã chưa được phân bổ riêng, chỉ được giao chung trong dự toán của phường, xã. Mới đây, theo tinh thần Công văn số 10147/UBND-KHTH ngày 10-11-2014 về việc bổ sung kinh phí hoạt động các thiết chế VHTT cơ sở, thành phố đồng ý cấp 25 triệu đồng/năm/trung tâm VHTT xã, phường. Nhưng mỗi trung tâm VHTT xã, phường hiện quản lý nhiều hạng mục tại địa phương như: nhà văn hóa, sân thể thao, khu vui chơi giải trí (KVCGT), công viên, vườn dạo... và thực hiện nhiều nhiệm vụ như: tuyên truyền, hội thi - hội diễn, thi đấu thể thao, phục vụ phòng đọc sách..., nên mức kinh phí vừa bổ sung trên không đủ để chi cho các hoạt động và phụ cấp cho con người. Vì vậy, theo ý kiến của những người quản lý văn hóa cơ sở thì không thể không xã hội hóa.

Yêu cầu thực tế đặt ra là vậy, nhưng đối với cấp xã, phường, trên địa bàn Đà Nẵng, hiện chỉ có thể “điểm danh” một số địa phương đang làm khá tốt công tác XHH như: xã Hòa Phước với sân bóng đá mini; các phường An Hải Đông, Thuận Phước với nhà đa năng (trong nhà); phường Thanh Bình với KVCGT.

Bà Nguyễn Thị Biên, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Đông - đơn vị được đánh giá thực hiện khá tốt việc XHH nhà đa năng thuộc nhà văn hóa phường gần 2 năm nay cho biết, thực tế, nhà văn hóa chỉ tận dụng cho một đơn vị thuê lại phòng đa năng (tầng 1) không mấy khi dùng đến để đơn vị này mở phòng tập thể dục thẩm mỹ. Nguồn thu mỗi năm từ mặt bằng cho thuê chỉ khoảng trên dưới 30 triệu đồng. “30 triệu đồng này chủ yếu dùng để duy tu, bảo dưỡng nhà văn hóa hằng năm. Còn phần chi cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của phường rất hạn chế, duy trì, chứ đừng nói việc nâng cao chất lượng. Chưa kể đến chế độ cho các cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm khi trung tâm VHTT phường đi vào hoạt động”, bà Biên than thở.

Bảo đảm lợi ích của người dân

Theo bà Nguyễn Thị Biên, việc mở rộng các phương án XHH là vô cùng cần thiết. Bà Biên cho rằng, không nên chỉ giới hạn XHH ở việc cho thuê mặt bằng tại các nhà văn hóa. Chúng ta có thể vận động XHH bằng nhiều hình thức tại các KVCGT, sân thể thao… Chẳng hạn, có thể kêu gọi đầu tư khu vui chơi trong nhà hoặc kiểu có mái che (đang rất thiếu tại nhiều địa bàn dân cư hiện nay) để bảo đảm nhu cầu vui chơi cho người dân, đặc biệt là trẻ em trong những ngày thời tiết xấu, hoặc tùy theo nhu cầu thực tế. Với sự bảo đảm về an toàn, vệ sinh, mái che đầy đủ, tính hấp dẫn của trò chơi, cộng với mức phí được thu công khai vừa phải thì hẳn người dân sẽ vui vẻ bỏ tiền túi để con em được vui chơi. “Ở đây, chúng ta sẽ có phân loại, phần có thu phí và phần không thu rạch ròi, với những điều kiện tương ứng, hợp lý. Chúng ta sẽ có nguồn thu để bảo quản các thiết chế vừa được đầu tư tốt hơn”, bà Biên đề xuất.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Chiến, các thiết chế văn hóa vừa được đầu tư trong năm 2015 được đặt ngay tại các địa phương, có sự giám sát, theo dõi rất chặt chẽ của người dân, đặc biệt là các cán bộ hưu trí. Với công trình công, nếu thu tiền người dân khi họ đến vui chơi thì sẽ rất dễ gặp phản ứng. Vì vậy, “phải hết sức thận trọng và trong mọi trường hợp cần đặt quyền hưởng thụ văn hóa chính đáng của người dân lên trên hết”, ông Chiến lưu ý.

Theo nhiều địa phương, để vận động XHH đúng hướng, cần có hướng dẫn, quy chế rõ ràng. Hiện tại, vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương còn khá lúng túng trong việc triển khai kêu gọi đầu tư…

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà nêu ý kiến, trong thời điểm hiện tại chưa nên đặt nặng vấn đề XHH mà cần tuyên truyền, nâng cao thức tự bảo quản của chính quyền và người dân địa phương. Cán bộ quản lý cũng cần linh động trong các hoạt động thay vì chỉ trông chờ vào kinh phí, chế độ. Còn nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng cho rằng, không nên quan niệm XHH chỉ có huy động tiền bạc. “XHH là huy động mọi nguồn lực, kể cả tâm huyết, trí tuệ toàn xã hội để tạo nên những giá trị cộng thêm, giá trị hơn so với khi chưa XHH”, ông Tiếng nói.

Dự thảo Xã hội hóa hoạt động tại các thiết chế văn hóa - thể thao công lập xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở VH-TT&DL đã trình UBND thành phố, đang chờ phê duyệt quy định: Theo đó, giá cho thuê cơ sở hạ tầng để tổ chức hoạt động XHH được UBND quận, huyện quyết định sau khi thỏa thuận với cơ sở thực hiện xã hội hóa và theo nguyên tắc: giá thuê được xác định phù hợp với mức giá thuê phổ biến trên thị trường có tính đến yếu tố khuyến khích tại địa phương, cơ sở tại thời điểm ký hợp đồng thuê nhưng phải bảo đảm việc bảo toàn chi phí hình thành nên tài sản thuê; thời hạn cho thuê cơ sở vật chất do địa phương và cơ sở thực hiện XHH thỏa thuận, thời gian hợp đồng không quá 5 năm/lần; cho thuê không quá 60% tổng diện tích hiện có của thiết chế văn hóa xã, phường (bao gồm các hạng mục: nhà văn hóa, sân vận động, khu vui chơi giải trí...); cơ sở thực hiện XHH được tự quyết định mức thu và phải công khai mức thu trên cơ sở bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho quá trình hoạt động và có tích lũy để sửa chữa, đầu tư phát triển; 100% kinh phí cho thuê cơ sở hạ tầng được giữ lại cho các thiết chế văn hóa - thể thao của địa phương và được dùng để duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí miễn phí cho người dân.

Bài và ảnh: THANH TÂN

.