Chính trị - Xã hội

Chung tay phòng, chống HIV

08:16, 26/11/2015 (GMT+7)

Từ những tiết mục sân khấu hóa hấp dẫn hay những buổi tuyên truyền, những câu chuyện của các đồng đẳng viên, người dân Đà Nẵng đã hiểu hơn về tác hại của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Công tác phòng, chống HIV/AIDS từ lâu đã không còn là hoạt động, nhiệm vụ của riêng ngành nào.

Một tiểu phẩm tại hội thi Tuyên truyền viên giỏi trong phòng, chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng.
Một tiểu phẩm tại hội thi Tuyên truyền viên giỏi trong phòng, chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng.

Cả hội trường rộn ràng bởi những tràng pháo tay, những tiếng cười sôi nổi dành cho người trả lời đúng câu hỏi tại Hội nghị giao lưu chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tiếp cận cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS do Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng tổ chức vừa qua.

Những kiến thức về HIV; kinh nghiệm tiếp cận và vận động khách hàng MSM, phụ nữ bán dâm thay đổi hành vi; thực hiện “tình dục an toàn” cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong vận động người nhiễm HIV/AIDS sử dụng bảo hiểm y tế, tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà và tại cộng đồng… được các đồng đẳng viên trao đổi, thảo luận sôi nổi.

Những thuận lợi, khó khăn cũng như các giải pháp tiếp cận đối tượng, vận động đối tượng chuyển đổi hành vi an toàn cũng như tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được chị em chia sẻ tự nhiên, hiệu quả. Các trò chơi có nội dung phòng, chống HIV/AIDS như: thảo luận nhóm, giải ô chữ và xử lý tình huống… đã thu hút đông đảo các chị em tham gia.

“Qua hoạt động này, anh, chị em nhân viên tiếp cận cộng đồng có dịp giao lưu, gặp gỡ và trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm tiếp cận cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS. Từ đó, chúng tôi có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tiếp cận, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS”, chị Trương Thị Xê, nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm dịch vụ vui chơi giải trí chia sẻ.

Chị Xê cho biết, những kiến thức đó rất bổ ích để hướng dẫn những người có hành vi nguy cơ tiếp cận các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV, sử dụng bơm kim tiêm sạch trong tiêm chích ma túy, sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm HIV/AIDS.

Với khoảng hơn 600 nhóm đồng đẳng viên, Đà Nẵng hướng tới việc vận động thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, nhằm đạt mục tiêu 3 không: không người nhiễm mới, không người chết và không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Là một trong những địa phương điểm của cả nước phấn đấu đạt “3 không”, Đà Nẵng đã uyển chuyển phối hợp tổ chức tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

“Hiện hầu hết người dân đều hiểu biết về HIV/AIDS, nhưng làm thế nào để họ nhận thức đúng và thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm cần nhiều đến nỗ lực của các đồng đẳng viên qua việc tuyên truyền trong cộng đồng dân cư. Họ chính là cánh tay nối dài giúp việc truyên truyền đạt hiệu quả thiết thực”, bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho biết.

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, trong 9 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng phát hiện 96 trường hợp nhiễm HIV mới. Liên Chiểu vẫn là quận có số ca nhiễm mới cao nhất với 12 ca; trong đó, người ngoại tỉnh chiếm 44% và lây nhiễm qua đường tình dục chiếm 96,2%. Như vậy, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 1.800 người nhiễm HIV, trong đó có hơn 800 bệnh nhân chuyển sang AIDS và 450 trường hợp đã tử vong do AIDS.

Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cùng các ngành hữu quan và các địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như: cấp gần 36.000 sách nhỏ, tờ rơi... cho các địa phương cơ sở; đồng thời cấp hơn 26.800 bao cao su, 4.000 bơm kim tiêm cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao thông qua các nhóm đồng đẳng viên và cấp 46.500 bơm kim tiêm và 99.384 bao cao su cho 7 đội y tế dự phòng quận, huyện để cấp phát miễn phí cho các đối tượng thực hiện dự phòng lây nhiễm HIV.

Ngoài ra, Trung tâm còn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện truyền thông trực tiếp cho gần 10.000 lượt người thông qua các đêm văn nghệ truyền thông lưu động, Hội thi tuyên truyền viên giỏi phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS, người nghiện  ma túy, đại diện các cơ sở dịch vụ lưu trú, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn...

Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho biết, thời gian đến sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư; chú trọng tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone và người dân cần đi xét nghiệm HIV tự nguyện nhằm phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm HIV để được hỗ trợ chăm sóc, điều trị sớm.

Bài và ảnh: THỦY NGÀ

.