Chính trị - Xã hội

Phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho hai cá nhân

07:28, 25/11/2015 (GMT+7)

* Đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân với khu căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước

Ngày 24-11, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ công bố các quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân của Chủ tịch nước cho hai cá nhân là đồng chí Nguyễn Thanh Thủy và đồng chí Lê Trung Nuôi. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng tới dự.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho hai đồng chí: Nguyễn Thanh Thủy (trái) và Lê Trung Nuôi. 									                     ảnh: ĐẮC MẠNH
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho hai đồng chí: Nguyễn Thanh Thủy (trái) và Lê Trung Nuôi. ảnh: ĐẮC MẠNH

Đồng chí Nguyễn Thanh Thủy (SN 1930, quê xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), nguyên Chính trị viên Đại đội Đặc công H29, Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng nên từ nhỏ, đồng chí  đã sớm giác ngộ cách mạng và tình nguyện tham gia vào quân đội khi mới tròn 15 tuổi.

Là chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 96 Liên khu 5, từ năm 1946 đến 1953, đồng chí đã tham gia nhiều trận đánh, lập nhiều thành tích như: trận đánh cứ điểm Trường Giảng (tháng 2-1953), trận đánh tiêu diệt địch ở chân đèo Hải Vân (tháng 5-1953) và cùng với đồng đội phá hủy 2 lô cốt, tiêu diệt 24 tên địch. Tháng 7-1953, cùng với đơn vị, đồng chí Thủy được điều động sang Lào phối hợp cùng bộ đội Pathet Lào tổ chức nhiều trận đánh, tiêu diệt hàng trăm tên địch và cũng tại đây, đồng chí bị thương hư một con mắt. Sau đó đồng chí tập kết ra Bắc và công tác tại Tiểu đoàn 323 đặc công, Quân khu 4.

Từ năm 1959-1975, đồng chí được điều vào chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng tiếp tục chiến đấu và lập nhiều thành tích xuất sắc. Đặc biệt, trong trận đánh tiêu diệt ấp chiến lược Hòa Ninh (Hòa Vang), địch có 1 đại đội bảo an và 2 trung đội dân vệ.

Trên cương vị Chính trị viên trực tiếp phụ trách một mũi, đồng chí cùng đồng đội đã tiêu diệt 25 tên địch, bắt sống 30 tên, thu toàn bộ vũ khí, đồng thời vận động nhân dân phá ấp chiến lược trở về quê hương. Năm 1967, đồng chí được điều về công tác tại Thành đội Đà Nẵng, sau đó về làm trợ lý cán bộ Bộ Tư lệnh đặc công.

Qua hơn 30 năm chiến đấu, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Chiến thắng hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, 6 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy, diệt xe cơ giới…

Đồng chí Lê Trung Nuôi (SN 1950, quê xã Hòa Hưng, nay là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), nguyên Trung đội trưởng Đặc công, Đại đội 84, Huyện đội Hòa Vang. Khi cũng vừa tròn 15 tuổi, đồng chí tự nguyện tham gia hoạt động du kích địa phương bám địch, giao liên… Tháng 8-1967, đồng chí nhập ngũ vào đơn vị C2, Khu 2 Hòa Vang. Trải qua nhiều đơn vị, nhiều cương vị công tác, đồng chí trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều thành tích xuất sắc.

Đơn cử như: trận đánh vào thị trấn Túy Loan (tháng 12-1967), đồng chí dùng bộc phá điểm hỏa quét toang 5 lớp hàng rào dây thép gai, diệt lô cốt đầu cầu để toàn đơn vị tiến lên tiêu diệt gọn 1 trung đội Mỹ và đánh thiệt hại nặng 1 đại đội ngụy. Trận đánh vào khu thông tin liên lạc của Mỹ ở Phước Tường (tháng 1-1968), đồng chí đã nổ súng cùng đồng đội tiêu diệt toàn bộ hệ thống Rada của quân Mỹ tại căn cứ này, diệt 120 lính Mỹ và nhân viên kỹ thuật. Đặc biệt trong trận đánh này, đồng chí được giao nhiệm vụ cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh núi Phước Tường…

Thời gian sau đó, đồng chí được đưa đi đào tạo và làm giáo viên các trường: Sĩ quan Lục quân I, II, III, Học viện Quân sự Đà Lạt. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe và vết thương tái phát nên đồng chí được chuyển về Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, sau đó là Công ty Xuất nhập khẩu rau quả II (thuộc Tổng Công ty Rau quả Việt Nam).

40 năm chiến đấu cũng là 40 năm tuổi Đảng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì; Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; 4 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

ĐẮC MẠNH

* Tại hội thảo “Căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước” do UBND quận Liên Chiểu tổ chức vào sáng 24-11, các đại biểu đã thống nhất đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân đối với khu căn cứ cách mạng này.

Căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước được xây dựng vào cuối năm 1960 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn khó khăn, quyết liệt. Căn cứ B1 - Hồng Phước có 64 hộ dân là cơ sở cách mạng, hoạt động hợp pháp giữa vùng địch tạm chiếm, đã xây dựng được 46 hầm bí mật để đưa đón, nuôi giấu, bảo vệ nhiều cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Đặc khu ủy Quảng Đà, thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang hoạt động và chiến đấu. Đây là cơ sở cách mạng quan trọng, là chỗ dựa vững chắc để Huyện ủy Hòa Vang và Quận ủy quận Nhì, Đà Nẵng đưa lực lượng, vũ khí trang bị, công văn, tài liệu vào thành phố xây dựng các cơ sở mật, hoạt động và chiến đấu trong nội thành Đà Nẵng.

Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng nhằm quyết định nhiều trận đánh vào các mục tiêu quân sự của Mỹ-ngụy, là bàn đạp để các đơn vị LLVT tổ chức trinh sát nắm tình hình, triển khai nhiều trận chiến đấu; đồng thời là nơi cung cấp sức người, sức của cho cách mạng.    

Tại hội thảo, các nhân chứng sống như ông Phan Văn Tải (trú tổ 56A, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), ông Trương Văn Trung (trú K227/7 Trần Cao Vân), ông Lê Bá Lai (trú 112 Nguyễn Xí)… đã bổ sung nhiều chi tiết để làm rõ hơn các trận đánh, các hoạt động cách mạng của cán bộ, nhân dân và LLVT trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Được biết, UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương xây dựng Nhà bia và nhà truyền thống tại căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước, với vốn ngân sách Nhà nước 4,7 tỷ đồng trong năm 2016.

HỒNG NGHĨA

.