.

Chuyển biến từ những khu dân cư văn hóa

.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Mặt trận quận Liên Chiểu triển khai nhiều mô hình khu dân cư văn hóa, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nếp sống văn hóa văn minh đô thị, góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TU của Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Các hoạt động văn hóa ở khu dân cư giúp gắn kết mối quan hệ tình làng nghĩa xóm.  Trong ảnh: Người dân phường Hòa Minh tham gia lễ thả bồ câu cầu quốc thái dân an ở đình làng Trung Nghĩa.
Các hoạt động văn hóa ở khu dân cư giúp gắn kết mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Trong ảnh: Người dân phường Hòa Minh tham gia lễ thả bồ câu cầu quốc thái dân an ở đình làng Trung Nghĩa.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu Hoàng Thị Hải Yến cho biết, hưởng ứng chủ trương của thành phố về đẩy mạnh thực hiện chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, nhiều mô hình khu dân cư văn hóa trên địa bàn quận thường xuyên được củng cố và nâng cao chất lượng, góp phần làm thay đổi nếp sống văn hóa văn minh đô thị”.

Điển hình là các mô hình “Gia tộc không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tổ dân phố như một họ tộc” ở phường Hòa Minh; mô hình “Câu lạc bộ nữ công nhân và sinh viên nhà trọ” ở phường Hòa Khánh Nam; mô hình “Quản lý giáo dục trẻ em, người chưa thành niên làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư”, “Tổ xung kích tự quản” ở phường Hòa Hiệp Nam; mô hình “Khu dân cư văn hóa biển” ở phường Hòa Hiệp Bắc… Qua 5 năm triển khai, mô hình “Khu dân cư văn hóa biển” ở phường Hòa Hiệp Bắc đã xóa bỏ được một số hủ tục. Các phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa tốt đẹp được kế thừa, bảo tồn và phát huy.

Tình làng nghĩa xóm trong dân cư ngày càng gắn bó, tình cảm con người được thắt chặt. Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn phường tổ chức tốt, được nhân dân đồng tình hưởng ứng; diện mạo của các địa bàn khu dân cư và bộ mặt đô thị dần dần được thay đổi và khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Trong khi đó, mô hình “Tổ dân phố như một gia tộc” được Hội đồng gia tộc làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh xây dựng vào năm 1996 để giúp người dân hòa nhập cộng đồng, tránh phân biệt người cũ và mới. Đến nay, mô hình này được triển khai rộng khắp trên toàn phường với 276/276 tổ dân phố và được người dân tham gia tích cực.

Nhờ đó, đã góp phần thiết thực vào việc tổ chức xây dựng tổ dân phố, ổn định an ninh trật tự trong cộng đồng khu dân cư. Mọi gia đình thực hiện mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ nhau với tinh thần “bà con xa không bằng láng giềng gần”.

Đề cập về hiệu quả của mô hình “Mỗi sinh viên, công nhân tạm trú như một công dân thường trú tại khu dân cư”, ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Mặt trận phường Hòa Khánh Bắc cho biết: “Đây là một mô hình mới do Mặt trận phường sáng tạo, tổ chức thực hiện để phù hợp với đặc thù của địa phương. Khi triển khai thực hiện mô hình này đã được lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận, nhân dân và nhất là sinh viên, công nhân tạm trú ủng hộ nhiệt tình.

Qua gần 5 năm thực hiện, mô hình này đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong cộng đồng, nhất là lực lượng sinh viên, công nhân và người lao động tạm trú, góp phần làm cho tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và các tệ nạn xã hội khác được đảm bảo.

“Các khu nhà trọ không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, từng nhà trọ thực hiện sọt chứa rác bảo đảm vệ sinh, tình hình trộm cắp vặt ở các khu nhà trọ cũng được hạn chế. Bên cạnh đó còn xây dựng được tinh thần đoàn kết cộng đồng và trách nhiệm giữa ban công tác Mặt trận, ban điều hành tổ dân phố, ban tự quản sinh viên, công nhân, chủ nhà trọ và nhân dân”, ông Nguyễn Văn Trung khẳng định.

Bài và ảnh: Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.