Trong thời bình cũng như thời chiến, niềm vui của các “Lê anh nuôi” thời nào cũng vậy, tất cả đều luôn phấn đấu nỗ lực vì bữa ăn ngon cho đồng đội thân yêu.
“Bếp Hoàng Cầm” của tiểu đội nuôi quân Tiểu đoàn 1 trong diễn tập vòng tổng hợp. |
Nếu có dịp đến với Trung đoàn 971, cùng tham gia bữa ăn của lính mới có thể cảm nhận được hết những gì mà các “Lê anh nuôi” của Trung đoàn gửi gắm vào từng món ăn cho đồng đội. Ở một đơn vị quân số thường xuyên lên đến vài trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS), việc lên thực đơn hằng ngày, hằng tuần, mua thực phẩm với hàng trăm kg mỗi ngày từ thức ăn chính đến gia vị, rau củ quả là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự đầu tư, suy nghĩ, trăn trở của cả tiểu đội nuôi quân. Người làm nhiệm vụ tiếp phẩm phải có mặt ở chợ từ sáng sớm, lựa chọn thịt, cá, rau củ tươi ngon, an toàn.
Những chiến sĩ đảm nhiệm nấu nướng, phục vụ trong bếp vất vả từ sáng sớm đến tối mịt. Khi cả đơn vị còn chìm trong giấc ngủ, 4 giờ sáng, họ phải thức dậy, lục đục với nồi niêu, xoong chảo để đúng 6 giờ dọn lên bàn bữa điểm tâm cho bộ đội. Sau đó là dọn dẹp, lau chùi nhà ăn, nhà bếp, tất bật chuẩn bị cho bữa trưa, bữa chiều. Một ngày với các anh nuôi là chuỗi hoạt động khẩn trương, tỉ mỉ, chu đáo, cẩn thận trong từng cách chế biến, nấu nướng, nêm nếm món ăn, chia khẩu phần cho từng bàn ăn sao cho vừa đồng đều, vừa ngon miệng, lại đẹp mắt.
Cả ngày chỉ quanh quẩn trong bếp với thịt, cá, rau củ, chén bát, xoong nồi đối với những chàng trai trẻ quả là sự gò bó không dễ gì quen được. Một chiến sĩ của tiểu đội nuôi quân cho biết: “Lúc ở nhà với bố mẹ, tôi chưa từng vào bếp nấu nướng hoặc phụ giúp mẹ bao giờ. Vào bộ đội, được phân công làm anh nuôi, tôi phải làm quen từ đầu với cách nhặt rau, cắt thịt, rồi học nấu ăn với những chiếc chảo, chiếc nồi to. Không chỉ nấu chín mà còn phải nấu ngon, nấu vừa miệng để đồng đội ăn no, ăn hết khẩu phần. Mọi cái ban đầu đều khó khăn, nhưng bây giờ tôi đã làm được và làm thành thạo. Mỗi ngày, nhìn mọi người sau giờ huấn luyện mệt nhọc ngoài thao trường được ăn uống đầy đủ, vui vẻ thoải mái, tôi thấy thật hạnh phúc”.
Trung úy chuyên nghiệp Phạm Thanh Tuấn, bếp trưởng nuôi quân Tiểu đoàn 1 cho biết: “Bếp núc vốn là công việc vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại, chịu khó của phụ nữ. Nhưng tiểu đội chúng tôi do đặc thù biên chế toàn là anh nuôi. Nhưng với tinh thần không có việc gì khó, chúng tôi luôn tâm niệm tất cả vì đồng đội thân yêu, mỗi ngày đều tận tụy, làm hết sức mình để có những bữa cơm ngon, canh ngọt, cho bộ đội yên tâm huấn luyện, học tập”.
Ngoài việc phục vụ, những anh nuôi của Trung đoàn còn tích cực cùng cả đơn vị tăng gia sản xuất, trồng trọt các loại rau xanh, bầu bí, củ quả theo mùa, chăn nuôi hàng trăm con heo, gà, bò tạo thực phẩm sạch để đưa vào bữa ăn cho bộ đội thêm phong phú. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với các “Lê anh nuôi” là những đợt diễn tập vòng tổng hợp hằng năm. Đoạn đường hành quân trải qua hàng trăm cây số dốc đèo, nếu như đồng đội phải đeo ba lô với quân tư trang cá nhân từ 30-40kg thì các anh nuôi ngoài số đó còn phải đeo thêm trên vai hàng chục kg xoong nồi, dụng cụ nhà bếp.
Diễn tập đúng vào những ngày thời tiết mưa gió dầm dề, việc đầu tiên sau khi đặt ba lô xuống sau mỗi chặng hành quân là dùng cuốc xẻng đào “Bếp Hoàng Cầm” sâu xuống 2-3 mét trong lòng đất để giữ bí mật trong chiến đấu. Lều bạt phải căng dựng để nấu ăn khi trời đổ mưa to. Nước nấu ăn phải đi gùi bằng can xa 4-5km. Vất vả, khó khăn là vậy nhưng các chiến sĩ nuôi quân vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm ăn chín, uống sôi cho bộ đội trong suốt thời gian diễn tập. Những năm qua, bếp ăn của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 971 luôn đạt danh hiệu bếp “nuôi quân giỏi, quản lý tốt”.
Ở các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT thành phố, nhân viên làm công tác nuôi quân có nhiều chị em. Mỗi bếp ăn có từ vài chục CBCS trở lên. Thiếu tá chuyên nghiệp Võ Thị Hồng, người có “thâm niên” nhiều năm liền phục vụ bếp cơ quan Bộ chỉ huy cho biết: “Từ việc lên thực đơn đến cách chế biến chúng tôi đều phải có kế hoạch cụ thể hằng tháng, làm sao vừa bảo đảm ăn ngon, vừa vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra bất cứ sai sót gì. Với người làm dâu trăm họ như chúng tôi, để vừa lòng tất cả mọi người là điều rất khó, nhưng chúng tôi luôn tâm niệm khi dồn tất cả tình cảm vào từng bữa ăn cho đồng đội thì sẽ mang đến niềm vui cho mọi người”.
Là phụ nữ phải gánh vác sắp xếp việc gia đình, con cái, các chị vẫn hằng ngày thức khuya, dậy sớm, đảm đang chu toàn, phục vụ đầy đủ cho bộ đội. Nhiều chị có chồng công tác xa, chồng đi học hoặc có hoàn cảnh khó khăn vẫn thu xếp ổn thỏa việc nước, việc nhà, hằng năm phấn đấu đạt danh hiệu chiến sĩ tiên tiến, chiến sĩ thi đua, được anh em bộ đội tin yêu, quý mến. Nhiều chị như Thiếu tá chuyên nghiệp Võ Thị Hồng, Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Hồng Tuấn ngoài việc nấu ăn ngon phục vụ bộ đội còn tích cực nghiên cứu học hỏi, nâng cao tay nghề, tham gia thi nấu ăn tại các hội thi do Hội phụ nữ tổ chức luôn đoạt giải cao.
Bài và ảnh: HỒNG HẠNH