Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xem là biểu tượng văn hóa, là điểm đến du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng. Tuy nhiên, hình ảnh “cò khách” du lịch đang trở thành nỗi khiếp sợ của những du khách nước ngoài…
“Cò” ngay lập tức bám sát khi thấy khách Tây đi bộ trên đường Huyền Trân Công Chúa vào khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn. |
Sáng 7-11, tại khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn, lực lượng công an, quy tắc đô thị, bảo vệ ban quản lý (BQL) khu danh thắng gần 10 người, rải đều ở các cổng lên ngọn Thủy Sơn, nơi dừng, đỗ xe, cổng vào khu danh thắng… Nhờ vậy, khoảng gần 20 hộ kinh doanh buôn bán đồ lưu niệm (chủ yếu tượng, vòng đeo tay bằng đá) trong khuôn viên BQL tương đối trật tự. Tuy nhiên, chỉ cần ra khỏi cánh cổng bảo vệ, mọi thứ đã khác.
Ngang nhiên chèo kéo khách
Theo quan sát, khoảng 2-3 nhóm, mỗi nhóm 3-4 người phụ nữ chờ sẵn trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), thấy khách nước ngoài ngay lập tức áp sát. Nếu khách Tây đi bộ từ hướng biển vào, họ liền thực hiện “chiến thuật” kèm cặp, theo sát để mồi chài khách vào những địa điểm quen. Nếu thấy taxi xuất hiện thì ngay sau đó họ chạy xe máy theo, đón đầu xe và mời: “Dừng xe ở đây”. Không mời dừng xe được, họ liền tiến sát cổng vào BQL danh thắng, khách chưa kịp xuống xe đã nhanh chóng mở cửa và “chèo kéo”.
Đáng ngạc nhiên, khi lực lượng bảo vệ ở cổng đẩy đuổi, họ tỏ ra hung hãn, bất hợp tác. Mấy anh bảo vệ than phiền: “Chúng tôi ngăn cản thì bị chửi, nghe chửi mỗi ngày. Thấy họ lộng hành nhưng bất lực mà nhìn thôi”.
Anh Đ., cán bộ Đội quy tắc đô thị quận Ngũ Hành Sơn giơ cái còi lên, chua chát nói: “Quyền lực của chúng tôi là đây. Chỉ biết thổi còi cảnh báo, đẩy đuổi”. Nói rồi, anh đưa cho chúng tôi xem đoạn phim anh quay lại tuần trước, trong lúc đẩy đuổi những đối tượng chèo kéo khách, đội công tác tại BQL danh thắng bị họ chống đối, rất lộn xộn.
Cũng theo quản lý, bảo vệ tại đây, số người hành nghề “cò” khoảng 25 người và UBND phường đều nắm rõ, biết mặt!
Cơ quan chức năng chịu thua?
Theo ông Đỗ Dũng, Phó trưởng ban BQL khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn, thực hiện năm Văn hóa - văn minh đô thị, quận đã thành lập đội công tác 1, có 11 người gồm cán bộ phường, quy tắc quận, Công an quận, Công an phường, bảo vệ BQL. Nhiệm vụ là giữ gìn môi trường văn minh thương mại tại BQL danh thắng.
Bên cạnh đó, BQL khu du lịch Danh thắng Ngũ Hành Sơn lập riêng tổ 43 của đơn vị, chuyên xử lý môi trường cảnh quan, kẻ vẽ trên vách đá, chống chèo kéo khách, giữ gìn an toàn trật tự trên núi. “Chúng tôi chỉ đảm bảo được trật tự trong khu danh thắng, còn phía ngoài đường Huyền Trân Công Chúa, chúng tôi không có quyền hạn xử lý, đó là trách nhiệm của UBND phường”, ông Dũng cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, sáng 7-11, ở khu vực này có mặt lực lượng Công an quận Ngũ Hành Sơn tuần tra nhưng họ chỉ chạy lòng vòng kiểm tra. Nhưng xảy ra tình trạng chèo kéo khách thì chẳng thấy bóng dáng họ đâu!?
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn thừa nhận: “Theo tôi nắm được, “cò khách” túc trực ở đó chỉ 4-5 người, còn nếu nhiều hơn số đó thì tôi sẽ kiểm tra lại. Con số 25 người thì không chính xác, đó là con số của mấy năm trước”.
Vấn đề đặt ra là tại sao UBND phường, UBND quận nắm rõ những đối tượng “cò” nhưng không có biện pháp xử lý? Bà Nguyễn Thị Anh Thi giải thích rằng, vấn đề chèo kéo khách tại đây khá nhức nhối và đã được Thường trực Quận ủy chỉ đạo giải quyết nhiều năm nay. Trong năm văn hóa - văn minh đô thị, vấn đề này tiếp tục được UBND quận, phường thực hiện thường xuyên, tìm ra giải pháp căn cơ để giải quyết. “Nhưng cái gì cũng phải từ từ, đây là những hộ có đời sống kinh tế khó khăn, không thể triệt con đường sống của người dân. Xử phạt thì dễ nhưng làm sao để họ thấy điều đó đúng và đồng tình mới khó”, bà Thi nói.
Những người làm công tác bảo đảm trật tự tại khu danh thắng và cả người dân khá bức xúc và không hài lòng với cách giải quyết này. Theo họ, nguyên nhân tình trạng cò khách dai dẳng từ năm này qua năm khác, ngay cả năm văn hóa, văn minh đô thị vẫn không dẹp được, chính là không có biện pháp xử phạt mạnh nên các đối tượng “lờn mặt”.
“Tôi cho rằng nếu phường không làm được, quận không làm được thì lãnh đạo thành phố nên can thiệp. Lãnh đạo thử làm một chuyến vi hành, đi cùng với khách nước ngoài (khách Việt họ không chèo kéo), thậm chí vào các cơ sở kinh doanh thì sẽ thấy được tình trạng chèo kéo, bán hét giá thế nào. Cần phải giải quyết ngay, không để kéo dài nữa, chứ để hình ảnh thành phố du lịch như thế này thì không ổn”, anh Đ., cán bộ Đội quy tắc đô thị quận Ngũ Hành Sơn nêu ý kiến.
Theo thống kê của BQL khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, 10 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách tham quan đạt 764.885 lượt người (trong đó khách nước ngoài 257.837 lượt người), tổng doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch năm và tăng 34,8% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, Danh thắng Ngũ Hành Sơn đang trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Việc cải thiện môi trường du lịch, giải quyết triệt để hành vi chèo kéo khách tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là nhiệm vụ cấp bách mà cơ quan chức năng cần phải quan tâm, vì đây thuộc nhóm 3 hành vi giải quyết triệt để trong năm văn hóa - văn minh đô thị. |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ