.

"Khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản"

.

Không nhận được nhiều chất vấn, song sáng 17-11 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đã được mời trả lời trực tiếp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Chất vấn Bộ trưởng Dũng, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng hiện nay thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều dự án bất động sản đã tái khởi động trở lại. Đây là dấu hiệu đáng mừng, nhưng hiện đang có hiện tượng một số chủ dự án lớn găm hàng, tăng giá và họ coi đây là nghệ thuật kinh doanh.

"Xin hỏi Bộ trưởng có hiện tượng này không? Trong điều kiện nhà ở còn cao, điều kiện của người dân còn khó khăn thì đây có phải là nghệ thuật kinh doanh lành mạnh không? Có phải là tác nhân kích thích hiện tượng bong bóng bất động sản quay trở lại như trước đây không? Nếu đúng như vậy quý bộ có giải pháp gì để chấn chỉnh ngăn ngừa?", đại biểu Dương hỏi.

Trả lời đại biểu Đương, Bộ trưởng Dũng nói, khi thị trường bất động sản đóng băng vào đầu năm 2011 làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Do đó, theo yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo nguyên tắc khắc phục lệch pha cung cầu và thực hiện quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn liền với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia.

Với nhiều giải pháp được thực hiện, từ cuối năm 2013 đến nay thị trường bất động sản đã dần từng bước được cải thiện và phục hồi rất tích cực, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho người dân, trong đó có những người dân nghèo, không đủ khả năng mua nhà ở theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản ấm lên như hiện nay thì đã xuất hiện đầu cơ ở một số dự án khi giá mua nhà đã cao hơn nhiều so với mức giá mà chủ đầu tư đưa ra.

Bên cạnh đó, một số dự án có vị trí tốt, hạ tầng dịch vụ đầy đủ, tiến độ thi công nhanh, giá cao lên và chủ đầu tư cũng chủ động tăng giá. Hiện nay có xu hướng nhiều dự án bất động sản được khởi công, từ đó dẫn đến lo ngại bong bóng bất động sản có thể diễn ra trong thời gian tới, Bộ trưởng trình bày.

Dẫn kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cũng như kinh nghiệm của những nước đã trải qua thời kỳ bong bong bất động sản, Bộ trưởng nhấn mạnh bong bóng bất động sản chỉ xảy ra khi hội đủ các yếu tố: thứ nhất, nền kinh tế phát triển không ổn định, phát triển nóng. Thứ hai các thị trường khác hoạt động không ổn định, nên người ta sẽ dồn tiền vào thị trường bất động sản.

Thứ ba là nguồn cung bất động sản thiếu hoặc lệch pha cung cầu. Thứ tư chính sách tài chính tín dụng bất động sản lỏng lẻo, chứng khoán hóa bất động sản, hạ chuẩn tín dụng bất động sản một cách dễ dàng.

Thứ năm là thiếu sự kiểm soát và can thiệp kịp thời của nhà nước trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng đặc biệt là quản lý phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản.

“Các yếu tố trên, đối chiếu với tình hình hiện nay thì khó có thể xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản”, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì diễn biến của thị trường bất động sản là rất phức tạp nên không thể chủ quan, cần phải chủ động để thị trường bất động sản phát triển bền vững. Nếu thị trường bất động sản phát triển bền vững thì sẽ làm cho những thị trường có liên quan như thị trường tài chính, thị trường xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng và các thị trường khác phát triển.

Các giải pháp được Bộ trưởng Dũng đề cập là tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, các pháp luật liên quan đến phát triển kinh doanh bất động sản và nhà ở.

Đồng thời, phải tập trung kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch, nhưng đặc biệt là theo kế hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư chỉ theo quy hoạch mà không có kế hoạch, tức là không căn cứ vào khả năng nguồn lực, khả năng thanh toán của nền kinh tế, đầu tư quá nhiều dự án, đến lúc bỏ hoang. Hoặc là đầu tư nhưng lại không đủ tiền để đầu tư các dự án quá dài về thời gian.

Bộ trưởng cũng “hứa” sẽ kiên trì thực hiện các giải pháp về kiểm soát phát triển thị trường bất động sản gắn với chiến lược nhà ở trong đó tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản, tái cơ cấu các sản phẩm bất động sản để đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản.

Thay vì trước đây thị trường đóng băng, thì các sản phẩm chỉ phục vụ cho một nhóm những người có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Còn thiếu rất nhiều các sản phẩm cho những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, trong khi đó những người này đang rất cần hoặc nếu thiếu thì được hỗ trợ để mua nhà ở xã hội. Chúng ta cần đa đạng hóa sản phẩm bất động sản để mọi người dân đều được cải thiện về nhà ở theo khả năng thanh toán và có thể có sự hỗ trợ của Nhà nước, Bộ trưởng trình bày trước Quốc hội.

Kiểm soát thị trường tài chính tín dụng trong đó phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng đầu vào thị trường bất động sản, tập trung tái cấu trúc các doanh nghiệp bất động sản… cũng là các giải pháp được Bộ trưởng đề cập.

Người đứng đầu ngành xây dựng cam kết, với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ trong đầu tư quản lý xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở và kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương để thực hiện quyết liệt các giải pháp trên.

Theo VnEconomy

;
.
.
.
.
.