Nhà trưng bày Hoàng Sa (gọi tắt là NTB) dự kiến được đặt tại con đường Hoàng Sa (Đà Nẵng) là nơi trưng bày, lưu giữ hàng trăm tư liệu, hiện vật quý khẳng định chủ quyền huyện đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phối cảnh nhà trưng bày Hoàng Sa. |
Đây là công trình có quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa tinh thần lớn lao. Hiện chính quyền, nhân dân thành phố Đà Nẵng, UBND huyện đảo Hoàng Sa đang dốc sức cho công tác chuẩn bị tất cả các công đoạn, chi tiết trước ngày chính thức khởi công NTB.
Những “bằng chứng” không thể chối cãi
Với vốn tư liệu hiện có, NTB Hoàng Sa sẽ là nơi trưng bày, lưu giữ hàng trăm tư liệu, ảnh, hiện vật về quần đảo Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước và trong triều Nguyễn; những hoạt động tại Hoàng Sa trong giai đoạn 1858-1945; những bằng chứng về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, giai đoạn 1945-1974 và những hình ảnh về hoạt động thực tiễn của UBND huyện đảo Hoàng Sa tại Đà Nẵng từ 1974 đến nay.
Gần 200 bản đồ, tư liệu lịch sử của nước ngoài, trong đó có bản đồ của chính người Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, như: Dư địa đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản (Trung Quốc), Thiên hạ thống nhất chi đồ đời Minh trong Đại Minh thống nhất chí (1462), Hoàng Minh Đại thống nhất Tổng Đồ đời Minh (1635), các bản đồ đời Thanh cho đến những bản đồ, tài liệu của nước này đầu thế kỷ XX đều vẽ điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Những tư liệu từ trước công nguyên cùng hơn trăm bản đồ của các nước phương Tây từ thế kỷ 15-16 cho đến những năm sau 1975 là những bằng chứng thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đặc biệt, những hoạt động thiết thực của UBND huyện Hoàng Sa như đặt tên đường Hoàng Sa cho tuyến đường ven biển Sơn Trà; tiếp nhận sách, hiện vật, gặp mặt những nhân chứng từng sống và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa trước năm 1975; tổ chức thường xuyên các cuộc triển lãm, hội thảo khoa học về Hoàng Sa, nhiều hội thi chủ đề biển, đảo quê hương, thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, kể cả du khách nước ngoài, cùng nhiều hình thức tuyên truyền tích cực khác… sẽ được ghi dấu lại tại NTB, sau khi công trình được hoàn thành, đi vào hoạt động.
Công trình mang ý nghĩa tinh thần lớn lao
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, không có nơi nào trên đất nước này phù hợp hơn thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng NTB Hoàng Sa. Bởi đây là địa phương đang được Tổ quốc giao nhiệm vụ quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa liên tục hơn nửa thế kỷ nay. Khó có thể hình dung một Đà Nẵng đang từng ngày phát triển mà không có một nơi để trưng bày và quảng bá rộng rãi những bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ.
Điều rất có ý nghĩa là NTB này tọa lạc ngay trên con đường mang tên Hoàng Sa nằm ven bờ biển Đông. Đặc biệt, bản thân NTB Hoàng Sa sắp xây dựng do nhóm tác giả Fuminori Minakami, Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang thiết kế có hình “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” hết sức ấn tượng”, ông Tiếng nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An khẳng định, Hoàng Sa là huyện đảo trực thuộc Đà Nẵng. Vì vậy, chính quyền và người dân Đà Nẵng phải có hiểu biết đầy đủ về lịch sử, địa lý, mọi phương diện liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Từ trước đến nay, các hoạt động sưu tầm, gìn giữ, trưng bày triển lãm tư liệu, tuyên truyền về Hoàng Sa luôn được quan tâm, tuy nhiên, các hoạt động còn mang tính riêng lẻ. Đã đến lúc đưa tất cả vào hệ thống, tập trung hơn.
Vì vậy, chủ trương xây dựng NTB là rất đúng đắn và cần thiết, đây sẽ là nơi giáo dục lòng yêu nước, thắp lên ý chí đấu tranh giành chủ quyền trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Chúng ta càng phải hiểu biết sâu sắc hơn khi huyện đảo đang bị ngoại bang cưỡng chiếm trái phép”, ông Nguyễn Đình An nói.
Tại nhiều cuộc họp bàn phương án thiết kế, thi công NTB, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng luôn tâm niệm, phải làm sao biến NTB trở thành “nhân chứng sống” khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Theo nhiều ý kiến, muốn vậy thì cần phải làm nhiều việc. Trước hết, cần đảm bảo các yêu cầu bắt buộc về kỹ thuật và mỹ thuật, độ bền vững, an toàn của công trình và tư liệu, hiện vật trong điều kiện ven biển, tính độc đáo.
Sau đó, cần tính toán phương án trưng bày, lưu trữ, kể cả phục dựng các tư liệu (vật chất và tinh thần), hiện vật sao cho phù hợp, khoa học. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để NTB có sức thu hút người xem, trước hết là giới nghiên cứu trong thành phố, trong nước cho đến du khách nước ngoài, kể cả người Trung Quốc.
“Ngoài sức hấp dẫn từ bản thân tư liệu, hiện vật, thì chất lượng phục vụ là điều cần hết sức lưu ý. Về lâu dài, cũng nên tính đến các hoạt động học thuật liên quan đến Hoàng Sa như tọa đàm, hội thảo… bên cạnh trưng bày cố định để tăng sức hấp dẫn và hiệu quả thực tiễn của NTB”, ông Nguyễn Đình An đề xuất.
Được biết, nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ được xây dựng trên khu đất rộng hơn 1.200m2, vị trí hướng ra biển ở nút giao Hoàng Sa - Phan Bá Phiến (quận Sơn Trà), với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. |
“Hơn 40 năm qua, với người Đà Nẵng ngày nào cũng là ngày 19-1-1974, tức là ngày Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thân yêu. NTB Hoàng Sa sẽ làm cho tâm thức ấy càng sâu sắc hơn, khắc khoải hơn, củng cố thêm niềm tin sẽ có ngày huyện đảo thân yêu này thoát được sự chiếm đóng của ngoại bang để trở về đoàn tụ trên thực tế với các quận huyện khác trong đất liền của thành phố Đà Nẵng”. (Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng) |
THANH TÂN