Chính trị - Xã hội
Thủ tướng trả lời chất vấn về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
9h sáng 18-11, Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn, sớm hơn một giờ so với dự kiến. Nhận được 8 phiếu chất vấn với 17 câu hỏi và 24 ý kiến chất vấn trực tiếp, người đứng đầu Chính phủ đã gom thành các nhóm vấn đề, bao gồm: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lao động trong Hiệp định TPP, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và giảm nghèo đa chiều.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn Quốc hội. |
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Trương Trọng Nghĩa, Lê Nam liên quan đến tranh chấp chủ quyền, tình hình diễn biến phức tạp trên biển Đông, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày trước Quốc hội về vấn đề này. Lập trường quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước là rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức.
"Chúng ta cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước đối với các vấn đề mà đại biểu đã chất vấn", Thủ tướng nói.
Thủ tướng xin không nhắc lại mà chỉ nhấn mạnh ba điểm. Trước hết là chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, hiến pháp, pháp luật của nhà nước, cũng như hiến chương Liên Hợp Quốc, Luật pháp quốc tế, nhất là công ước Luật biển năm 1982, các cam kết khu vực như DOC, tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông.
"Đồng thời với phát triển kinh tế xã hội phải tăng cường quốc phòng an ninh, quan hệ đối ngoại, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta; gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường cho xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vấn đề lao động trong Hiệp định TPP
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Trần Ngọc Vinh, Võ Kim Cự chất vấn về vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với cách tiếp cận người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải được hưởng thành quả của quá trình này.
Hiệp định TPP là một Hiệp định FTA (Hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới có quy định nội dung về lao động nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thể hiện trong 8 Công ước cơ bản, bao gồm các nội dung: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động ; Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.
Theo Thủ tướng, những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động thì hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ và cơ bản là phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong Hiệp định TPP. Việt Nam đang thực hiện và sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đối với những nội dung này.
Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định TPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Tổ chức này sau khi thành lập có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Hiệp định TPP cũng như quy định của ILO đều khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO. Đồng thời phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quyền đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp nơi họ làm việc thông qua các hình thức: đối thoại, thương lượng tập thể, đình công và các hành động tập thể khác trong quan hệ lao động theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích và Điều lệ hoạt động đã được đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hiệp định TPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động. Điều này cũng phù hợp với quy định của ILO.
Theo cam kết trong Hiệp định TPP, chỉ riêng đối với Việt Nam là được có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định), các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch.
Sau khi Hiệp định TPP được cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Đối với nội dung về lao động trong Hiệp định, Việt Nam sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi nội dung về lao động trong Hiệp định, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của ILO.
"Như vậy, việc thực hiện các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên. Và cũng không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam", Thủ tướng khẳng định.
Đại biểu dự phiên chất vấn. |
Giảm nghèo đa chiều
Trả lời chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng, Trần Ngọc Vinh, Trương Trọng Nghĩa về giảm nghèo đa chiều và các giải pháp mà Chính phủ sẽ triển khai thực hiện, Thủ tướng cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn dưới 4,5% năm 2015, riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn khoảng 28%. Trong 20 năm qua, khoảng 30 triệu người thoát nghèo. "Đây là một thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, được toàn xã hội và cộng đồng quốc tế đánh giá cao", Thủ tướng cho hay.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp xác định hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, trong đó quy định chuẩn nghèo bao gồm cả tiêu chí thu nhập và các tiêu chí về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin, nước sạch và vệ sinh nông thôn.
Theo tính toán bước đầu, với chuẩn nghèo đa chiều, trong đó tiêu chí thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị thì tỷ lệ hộ nghèo hiện nay khoảng 12%, tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6% và dự kiến ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo năm 2016 tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với năm 2015.
Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát, xác định số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện trong năm 2016 gắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến, Trịnh Ngọc Phương, Võ Kim Cự chất vấn đề nghị Thủ tướng nói rõ nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đây là vấn đề có phạm vi rất rộng nên "chỉ xin nhấn mạnh một số nội dung".
Trước hết, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường. Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tự do, sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Theo Thủ tướng, để thực hiện nội dung nêu trên, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thi hành Hiến pháp và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...
Chính phủ phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… theo hướng hiện đại; chú trọng các loại thị trường mới như mua bán nợ, công cụ tài chính phái sinh, cho thuê tài sản… Chủ động mở cửa thị trường phù hợp với các cam kết quốc tế gắn với nâng cao năng suất lao động và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; cơ cấu lại phù hợp thu chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ xấu...
Ngoài ra, các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quản lý tài nguyên, cải thiện môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu... cũng được chú trọng. Chính phủ cũng xây dựng nền hành chính hiện đại, trách nhiệm để phục vụ nhân dân.
Thủ tướng cũng báo cáo trước Quốc hội tình hình phát triển kinh tế, xã hội đến tháng 11/2015, việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự Phát triển bền vững. Tuy nhiên, một số vấn đề nóng các đại biểu chất vấn như tham nhũng, lãng phí, thực trạng trên bảo dưới không nghe, hàng giả, hàng nhái...chưa được người đứng đầu Chính phủ trả lời. Phần chất vấn của Thủ tướng kết thúc vào 10h15 phút. Sau khi Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tổng kết chấn vấn, Quốc hội nghỉ sớm.
Theo VnExpress