Chính trị - Xã hội

70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ (31-12)

Góp phần tạo sức bật mới cho Đà Nẵng

13:59, 25/12/2015 (GMT+7)

Tạo nền tảng vững chắc cho phát triển

Cách đây 70 năm, ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78/SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến quốc - tổ chức tiền thân của ngành Kế hoạch và Đầu tư ngày nay có đoạn viết: “Xét rằng ngay khi lo việc kháng chiến, Chính phủ đã bắt đầu công việc kiến quốc, nhưng sự kiến quốc cần phải có một chương trình cụ thể được nghiên cứu một cách kỹ càng…”.

Tính tất yếu của sắc lệnh đã khẳng định việc kiến quốc vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính chỉ đạo thực tiễn và nội dung đó được xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của ngành kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT); mãi mãi in sâu trong tình cảm, ý chí và trách nhiệm của mỗi thế hệ cán bộ, đảng viên của ngành.

Những người làm công tác KH&ĐT hôm nay luôn tự hào về những gì thế hệ cha anh đã cống hiến, không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp đó để luôn xứng đáng với tư cách là người cán bộ, công chức làm công tác nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tham mưu tổng hợp về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các cân đối lớn phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và thành phố.

Từ đó đến nay, gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của Tổ quốc qua những chặng đường lịch sử, ngành KH&ĐT tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (QN-ĐN) trước đây và thành phố Đà Nẵng hiện nay đã có nhiều đóng góp vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng đã đề ra trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng nói riêng và của đất nước nói chung, ngành KH&ĐT thành phố Đà Nẵng đều đã có những đóng góp to lớn, trực tiếp và thiết thực.

Sau ngày 30-4-1975, chính quyền cách mạng tiếp quản tỉnh QN-ĐN với những cơ sở sản xuất cũ kỹ lỗi thời, kinh tế phụ thuộc vào viện trợ là chính. Vai trò của Ủy ban Khoa học Nhà nước (UBKHNN) tỉnh lúc bấy giờ với nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu cho Ủy ban Quân quản hoạch định kế hoạch củng cố và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh QN-ĐN thời kỳ sau chiến tranh; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế của địa phương; tổng hợp nắm tình hình cơ sở vật chất kinh tế xã hội, hệ thống hóa năng lực sản xuất hiện có, xây dựng bộ khung hình thành các ngành cơ bản.

Bước sang thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến trước khi thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1986-1996), UBKHNN tỉnh QN-ĐN bắt tay vào nghiên cứu kế hoạch tái thiết, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và từng năm của Trung ương và địa phương; không ngừng đổi mới tư duy, phân bổ kế hoạch đúng và sát với thực tế; tập trung đầu tư phát triển các ngành mũi nhọn, doanh nghiệp Nhà nước phát triển mạnh và giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân, cá thể tăng trưởng khá, đảm bảo giải quyết việc làm và cải thiện đời sống nhân dân thành phố.

Góp phần xây dựng diện mạo mới của Đà Nẵng

Ngày 1-11-1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX quyết nghị tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, ngày 3-01-1997 UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 15/QĐ-UB thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng (KH&ĐT).

Từ đó đến nay, Sở KH&ĐT không ngừng đổi mới, kiện toàn về tổ chức và nhân lực với 9 phòng, ban chuyên trách, 2 đơn vị trực thuộc và 108 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Sở KH&ĐT là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trên địa bàn; cân đối đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đầu tư trong và ngoài nước…

Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Sở KH&ĐT thành phố Đà Nẵng tiếp tục quán triệt và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo; tìm cách khai thác tiềm năng nội ngoại lực, khơi dậy nguồn lực trong dân, tham mưu cho Thành ủy, HĐND và UBND thành phố tập trung đầu tư những công trình trọng điểm nhằm thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển. 

Trong sự phát triển của Đà Nẵng, có phần đóng góp tích cực và quan trọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trong sự phát triển của Đà Nẵng, có phần đóng góp tích cực và quan trọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Quan trọng nhất phải kể đến trước tiên đó là công tác tham mưu cân đối vốn đầu tư XDCB trong xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tạo động lực để Đà Nẵng phát triển toàn diện về mọi mặt kinh tế, xã hội, đưa Đà Nẵng trở thành mảnh đất lành thu hút đầu tư.

Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được tập trung đầu tư xây dựng phát triển mạnh và khá đồng bộ; đã đầu tư và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước, điện chiếu sáng, hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải; đầu tư phát triển cây xanh công cộng...

Việc phát triển các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch được tiến hành đồng thời với việc chỉnh trang đô thị; nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, hiện đại đã được khởi công xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ tích cực phát triển kinh tế - xã hội, cải tạo môi trường, cải thiện chất lượng sống của nhân dân, tạo diện mạo mới cho thành phố theo hướng phát triển của một đô thị văn minh, hiện đại. 

Dấu ấn quan trọng thứ hai là công tác tổng hợp, tham mưu xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010 và 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có định hướng quan trọng là chuyển dịch cơ cấu kinh tế Đà Nẵng từ “Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp” sang hướng “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” và kèm theo đó là cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực cho các ngành dịch vụ phát triển.

Nhờ vậy, tiềm năng du lịch đã được đánh thức. Đà Nẵng từng bước hình thành thương hiệu thành phố văn hóa - du lịch, thành phố sự kiện của cả nước và khu vực.

Nhìn lại chặng đường đã qua, sau gần 30 năm đổi mới, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, cùng các Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố, ngành KH&ĐT thành phố đã nghiên cứu tiếp thu và vận dụng một cách khoa học, linh hoạt, sáng tạo, góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao; giải quyết hiệu quả các vấn đề văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh. Bên cạnh đó, các nguồn lực tư nhân cũng đã được huy động và nhiều dự án lớn được đưa vào khai thác, tạo sứt bật mới cho sự phát triển của thành phố…

Suốt chặng đường qua, trong quá trình công tác, mặc dù toàn thể CBCC Sở KH&ĐT thành phố Đà Nẵng đã phấn đấu, nỗ lực trong nhiệm vụ công tác của mình, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn với kết quả đạt được.

Vẫn còn đó những trăn trở như: công tác tham mưu, xây dựng và phân bổ kế hoạch một số thời điểm còn chưa phù hợp; một số lĩnh vực phát triển chưa tương xứng tiềm năng; cơ cấu các ngành dịch vụ chuyển dịch chưa rõ rệt theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Tiếp tục sự nghiệp cách mạng, phát huy truyền thống 70 năm qua, đặc biệt trong bối cảnh thành phố gặp khó khăn về nguồn thu ngân sách, nguồn lực đầu tư, thách thức về quy mô dân số, ngành nghề mũi nhọn, tốc độ đô thị hóa…, trong các thời kỳ tiếp theo, thế hệ CBCCVC ngành KH&ĐT thành phố Đà Nẵng nguyện kế thừa những truyền thống của các bậc cha anh đi trước; tham mưu tốt hơn việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 như Nghị quyết số 33-NQ/TW và Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị đã xác định.

Với định hướng của Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, toàn thể CBCCVC ngành KH&ĐT Đà Nẵng nguyện phát huy truyền thống 70 năm qua; không ngừng phấn đấu, trao dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trách nhiệm và năng lực chuyên môn; tiếp tục đổi mới công tác kế hoạch, phương pháp và tư duy nghiên cứu, phát huy tính năng động sáng tạo, huy động các nguồn lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững, giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hằng năm. Qua 18 năm xây dựng, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực: GRDP (giá SS 2010) liên tục đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2015 ước đạt 56,8 triệu đồng/người, gấp 11,9 lần so với năm 1997.

Giai đoạn 1997 - 2015, giá trị sản xuất công nghiệp (giá SS 2010) tăng 11,6%/năm; doanh thu du lịch tăng 22%; kim ngạch xuất khẩu tăng 12,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,5%; tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 13,5%; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 18,6%; Đến ngày 30-10-2015, thành phố có 372 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư 3,487 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 1,98 tỷ USD, bằng 56,7% vốn đăng ký. Thành phố có 16.938 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 84.399 tỷ đồng.

Trần Văn Sơn
Thành ủy viên, Ủy viên UBND thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng
 

.