Chính trị - Xã hội

NÚT GIAO THÔNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - LÊ ĐỘ - NGUYỄN TRI PHƯƠNG

Nên có thêm phương án để lựa chọn

08:06, 25/12/2015 (GMT+7)

Sau khi có thông tin thành phố sẽ đầu tư xây dựng, tổ chức lại nút giao thông Điện Biên Phủ-Lê Độ-Nguyễn Tri Phương nhằm xử lý tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông tại đây, nhiều cán bộ, người dân và các nhà chuyên môn lĩnh vực cầu đường có ý kiến với mong muốn thành phố sẽ chọn lựa được phương án tối ưu nhất.

Người dân và các nhà chuyên môn mong muốn thành phố sẽ lựa chọn phương án tối ưu xây dựng nút giao thông Điện Biên Phủ - Lê Độ - Nguyễn Tri Phương. Ảnh: ĐẮC Mạnh
Người dân và các nhà chuyên môn mong muốn thành phố sẽ lựa chọn phương án tối ưu xây dựng nút giao thông Điện Biên Phủ - Lê Độ - Nguyễn Tri Phương. Ảnh: ĐẮC Mạnh

Bà Võ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Chính Gián (quận Thanh Khê):  Ủng hộ phương án làm cầu vượt

Nhà tôi ở đường Võ Văn Tần, còn cơ quan là trụ sở UBND phường Chính Gián nằm trên đường Nguyễn Tri Phương nên ngày nào cũng đôi ba lần qua nút giao thông này, vì vậy, tôi rất “thấm thía” cảnh ùn tắc và tai nạn giao thông ở đây.

Chính vì vậy, khi nghe tin thành phố có chủ trương đầu tư, tổ chức lại giao thông tại nút giao thông này, tôi rất ủng hộ. Theo tôi, nếu làm cầu vượt sẽ giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc và giảm thiểu được tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, khi đầu tư cần tính toán đến yếu tố lâu dài và bảo đảm thẩm mỹ, vì đây sẽ là công trình nằm ở trung tâm của một trong những quận trung tâm thành phố. Dĩ nhiên, nếu làm cầu vượt thì người dân và cả chính quyền địa phương sẽ vất vả hơn vì số lượng nhà dân trong diện giải tỏa sẽ nhiều hơn so với làm hầm chui. Nhưng, đầu tư cho hạ tầng giao thông thì cần phải nghĩ đến lâu dài, không vì giải tỏa đền bù sau này phải chỉnh sửa, tốn kém thêm kinh phí.

Kỹ sư Trần Thị Nam Phương, hội viên Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường thành phố: Tổ chức thi để chọn ra phương án tốt nhất

Hiện nay, tôi chưa có thông tin gì về nút giao thông này nên chưa thể đưa ra ý kiến cá nhân rằng nên chọn giải pháp nào cho nút giao thông ở đây. Tuy nhiên, theo tôi biết đây là công trình không nằm trong quy hoạch chung của thành phố, chỉ là một dự án mang tính xử lý tình huống “nóng”, tức là ùn tắc và tai nạn giao thông gia tăng tại đây.

Nhưng cho là công trình mang tính chất “xử lý tình huống” hay là công trình nằm trong quy hoạch có sẵn của thành phố, tốt nhất nên tổ chức cho nhiều nhà tư vấn thiết kế tham gia, thành phố mới có sự lựa chọn tốt nhất.

Thực tế, thời gian qua thành phố đã có những công trình đạt được một số giải thưởng quốc tế và trở thành niềm tự hào như công trình cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... Kết quả này có được chính là nhờ thành phố đã tổ chức thi thiết kế, thu hút không chỉ những đơn vị trong nước mà cả quốc tế tham gia, vì vậy, chất lượng của các thiết kế này rất tốt. Do đó, theo tôi, đối với nút giao thông này, thành phố nên tổ chức thi để huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhiều người, như vậy sẽ ưu việt hơn.

Ông Nguyễn Văn Trung, ở 64 đường Lê Độ: Nên cấm xe tải và tổ chức lại giao thông

Qua báo chí, tôi được biết thành phố có chủ trương đầu tư xây dựng lại nút giao thông Điện Biên Phủ-Lê Độ-Nguyễn Tri Phương. Theo tôi, đây là việc làm cần thiết khi giao thông tại đây không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán về ùn tắc và tai nạn giao thông, không nhất thiết phải xây cầu vượt hoặc hầm chui.

Vì cả hai phương án này đều tốn kinh phí khá lớn, hơn nữa người dân sống trên đường Điện Biên Phủ đã trải qua 3 lần sửa chữa nhà để thành phố cải tạo tuyến đường này. Nếu bây giờ làm cầu vượt hoặc hầm chui thì những hộ dân ở đường Điện Biên Phủ cũng phải tiếp tục sửa chữa nhà lần thứ tư, như vậy rất bất tiện cho người dân.

Bên cạnh đó, nếu xây cầu vượt tại đây thì trên tuyến đường Điện Biên Phủ chỉ hơn 1km lại có đến 2 cái cầu vượt khiến cho không gian đô thị ở cửa ngõ phía bắc thành phố nặng nề. Ngoài ra, xây cầu vượt tại đây sẽ “nhấn chìm” Công viên 29-3, như vậy nhìn cũng không đẹp lắm.

Theo tôi, thành phố có thể giải quyết bài toán này một cách đơn giản hơn bằng việc cấm xe tải lớn, xe đầu kéo, xe container đi vào đường này. Thay vào đó, cắm biển chỉ dẫn cho các loại xe này đi theo hướng đường Tôn Đức Thắng-cầu vượt ngã ba Huế-Trường Chinh-Cách mạng Tháng Tám thay vì theo tuyến Nguyễn Tất Thành-Lê Độ-Nguyễn Tri Phương-Cách mạng Tháng Tám như hiện nay.

Về lâu dài, thành phố nên có quy hoạch đưa các kho hàng của doanh nghiệp nằm trong nội đô ra khỏi thành phố thì cơ bản giải quyết được tình trạng xe tải lớn đi qua nút gây ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Riêng về nút giao thông hiện tại chỉ cần thu nhỏ vòng xuyến, đồng thời bố trí thêm đèn tín hiệu giao thông, cắm cọc mềm phần làn đường trước khi vào nút, như vậy sẽ ổn hơn và kinh phí cũng giảm đáng kể so với làm cầu vượt hay hầm chui.

P.V

.