Chính trị - Xã hội

Bao rác nghĩa tình

08:02, 12/01/2016 (GMT+7)

Rác thải được bỏ vào bao đặt trước nhà, cuối mỗi tháng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thu gom, đem bán để ủng hộ người nghèo. Đó là mô hình “3S - 2T” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang thực hiện trong thời gian qua.

Từ nguồn thu gom rác thải, Hội LHPN xã Hòa Ninh giúp đỡ nhiều trường hợp  khó khăn.
Từ nguồn thu gom rác thải, Hội LHPN xã Hòa Ninh giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn.

Mô hình hay

Chị Võ Thị Mười, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Ninh cho biết, thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, Hội Phụ nữ xã thực hiện mô hình “3S - 2T” (sạch bếp, sạch nhà, sạch cổng; tận dụng, tiết kiệm” nhằm phân loại, thu gom rác thải tại hộ gia đình.

Mô hình ban đầu chỉ thí điểm tại thôn Sơn Phước. Hằng ngày, các hội viên phụ nữ thôn ngoài việc làm cho nhà cửa, vườn tược sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường còn tận dụng rác thải. Công việc phân loại rác thải trở thành việc phải làm thường xuyên của mỗi hộ gia đình.

Đối với rác hữu cơ, có thể đem chôn lấp hoặc làm phân hữu cơ cho cây trồng. Các loại rác vô cơ có thể tận dụng như: chai nhựa, giấy báo, bao bì xi-măng, lon bia, nước ngọt… thì gom lại. Đến ngày cuối của tháng, các gia đình đem để trước cổng.

Hội Phụ nữ xã cử người đi thu gom tại từng gia đình, sau đó đem bán để ủng hộ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Với hình thức này, những người nội trợ tại thôn Sơn Phước tham gia tích cực.

Đến thôn Sơn Phước, hầu như gia đình nào cũng có một bao đựng rác tái sử dụng, như người dân gọi đây là “bao rác nghĩa tình”. Bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Mỗi ngày dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, tôi đều phân loại rác kỹ. Các loại rác có thể tái chế thì sửa lại. Những ngày có việc giỗ kỵ, các loại lon bia, nước ngọt đều gom vào bao, cuối tháng có người của xã đến thu gom”.

Theo bà Hạnh, trước đây, khi phụ nữ xã chưa triển khai mô hình này, rác vô cơ có thể tái chế người dân vứt bừa bãi, thậm chí đem chôn. Từ khi thực hiện mô hình “3S - 2T”, mỗi gia đình đều có ý thức bảo vệ môi trường. Nguồn rác có thể tái chế đã giúp ích cho những người khó khăn hơn…

Ý nghĩa lớn

Dù mới triển khai thực hiện được vài tháng, song mô hình đã có sức lan tỏa lớn, được người dân ủng hộ. Chị Võ Thị Mười cho biết, mỗi tháng, rác thải được thu gom và đem bán một lần. Đến nay, Hội Phụ nữ xã đã ủng hộ cho 12 trường hợp phụ nữ khó khăn, đơn thân, mỗi trường hợp từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị T. (thôn Sơn Phước) vừa được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ 500.000 đồng từ nguồn tiền này. Hoàn cảnh bà T. hết sức khó khăn, bản thân bị liệt sau một vụ tai nạn giao thông. Bà T. thật sự cảm động khi nhận số tiền hỗ trợ tuy không lớn, nhưng lại vô cùng ý nghĩa, bởi đó là tình người của cả thôn dành cho bà.

Không nhận hỗ trợ tiền trực tiếp, bà Trần Thị H. (thôn Sơn Phước) được Hội Phụ nữ ủng hộ 2 con heo giống trị giá khoảng 1.000.000 đồng. Số tiền này cũng từ việc phân loại, thu gom rác tại các gia đình.

“Hy vọng hai con heo này sẽ là vốn liếng của gia đình chúng tôi sau này, bởi bản thân hay ốm đau, công việc của chồng bấp bênh nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Gia đình tôi cảm ơn những tình cảm chia sẻ của chị em phụ nữ thôn Sơn Phước và xã Hòa Ninh”, bà H. nói.

Bà Lê Thị Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang cho biết, mô hình “3S – 2T”, nói nôm na là mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mang lại ý nghĩa rất to lớn. Ngoài việc tạo thói quen phân loại rác, đảm bảo vệ sinh môi trường sống, còn tích cực giúp đỡ cho người nghèo tại địa phương. Dù số tiền ủng hộ từ nguồn thu gom, bán rác thải không lớn, nhưng thể hiện tình người rất lớn.

Hiện tại, xã Hòa Ninh còn khoảng 125 hộ nghèo theo chuẩn mới. Chị Võ Thị Mười cho biết, Hội Phụ nữ xã đang nhân rộng mô hình ra 8 thôn trong xã. Hy vọng thời gian tới, từ nguồn tiền thu được trong việc phân loại rác sẽ giúp đỡ được nhiều phụ nữ nghèo hơn nữa.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

.