Thời sự và bàn luận
Gian nan thu hồi tài sản tham nhũng
Việc phong tỏa tài sản sau khi xét xử án tham nhũng còn bộc lộ hạn chế, tài sản thu hồi thấp so với tài sản bị chiếm đoạt từ hành vi tham nhũng… Đây là vướng mắc lớn được nêu lên tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố, diễn ra ngày 9-1.
Điển hình là vụ việc tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Procimex. Tòa án sơ thẩm đã tuyên tịch thu toàn bộ tài sản tham nhũng theo như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm tuyên hủy bỏ phần dân sự, tài sản kê biên trong vụ án không bị thu hồi.
Đây chỉ là một trong số nhiều vụ án tham nhũng mà tài sản bị chiếm đoạt rất khó thu hồi, không đạt mục tiêu đề ra. Trước thực trạng này, đòi hỏi yêu cầu cao hơn, đó là ngay từ khi điều tra vụ án, các cơ quan tố tụng cần chú ý tới việc xác minh, phong tỏa tài sản làm cơ sở thi hành án khi bản án có hiệu lực.
Thước đo về hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đó là thu hồi và tịch thu tài sản do tham nhũng mà có. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nước ta trong nhiều năm qua, tài sản thu hồi từ các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án nghiêm trọng, thiệt hại từ vài trăm tỷ đồng đến hàng ngàn tỷ đồng thường có tỷ lệ rất nhỏ so với tổng tài sản bị chiếm đoạt.
Từ năm 2010 đến nay, tài sản thu hồi chỉ chiếm trung bình từ 10% đến hơn 30% tài sản tham nhũng. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là thiếu quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo quy định, tài sản bị tịch thu phải là tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong khi đó, tài sản do tham nhũng mà có thường được các đối tượng phạm tội cất giấu, che đậy, chuyển hình thức sở hữu… dẫn đến công tác điều tra, chứng minh tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn.
Hành vi tham nhũng và tội phạm tham nhũng hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều phương thức, thủ đoạn và địa bàn. Khả năng dễ xảy ra nhiều trên các lĩnh vực như: ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư công, dự án có vốn ngân sách Nhà nước, vốn kinh doanh của đơn vị Nhà nước, dịch vụ công…
Khó khăn hiện nay là đối tượng phạm tội tham nhũng đa số là những người có chức, có quyền, trình độ chuyên môn cao, quan hệ xã hội rộng, có điều kiện kinh tế để thực hiện hành vi tội phạm và che giấu tội phạm; đồng thời, cũng tìm cách tác động đến việc điều tra, truy tố, xét xử. Bất cập nữa là các quy định của Luật Giám định tư pháp liên quan đến việc giám định tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai… chưa cụ thể và rõ ràng.
Trong khi đó, chế tài xử lý khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám định từ chối, né tránh trách nhiệm dẫn đến việc giám định trên lĩnh vực này bị chậm trễ. Nhiều trường hợp không xác định được thiệt hại, tạo điều kiện cho các đối tượng tẩu tán tài sản, gây cản trở thu hồi tài sản tham nhũng.
Đó là chưa nói đến cá biệt có một số vụ án tham nhũng kéo dài thời gian do có quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ chưa thống nhất và chặt chẽ, dẫn đến không thu hồi do tài sản bị tẩu tán từ trước.
Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh rất cam go và lâu dài; trong đó, thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát là thách thức lớn, đòi hỏi phải nỗ lực tìm ra giải pháp hữu hiệu hơn. Trước mắt, cần khắc phục những bất cập trong hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng nhằm nhanh chóng xác định chính xác thiệt hại do tham nhũng gây ra.
Đi liền đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật để ngăn chặn các hành vi đối phó, che giấu tài sản và kiểm soát chặt chẽ tài sản ngay từ đầu của đối tượng tham nhũng thông qua minh bạch, công khai về tài sản cá nhân của người có chức, có quyền. Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng khối tài sản của Nhà nước cũng như tăng trách nhiệm đối với cơ quan thi hành án trong việc thu hồi tài sản công.
Diệu Minh