Chính trị - Xã hội
Cần những giải pháp đồng bộ
Giảm nghèo đô thị còn gặp lúng túng, nhiều hộ nghèo thoát nghèo chưa bền vững và còn tâm lý trông chờ, ỷ lại; việc dạy nghề và tạo việc làm cho người nghèo còn gặp nhiều khó khăn...
Đó là những vấn đề làm “nóng” Hội nghị triển khai Đề án giảm nghèo trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020, do UBND thành phố tổ chức vào ngày 7-1. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì hội nghị.
Tặng bánh trưng cho người nghèo dịp Tết tại Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Hỗ trợ chồng chéo, chưa hiệu quả
Theo bà Lê Thị Thái Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, việc hỗ trợ người nghèo vẫn còn chồng chéo, chưa mang lại hiệu quả cao.
“Nhiều đơn vị cùng tham gia chương trình giảm nghèo nên công tác vận động còn nhiều bất cập, chồng chéo, ảnh hưởng đến việc xây dựng quỹ Vì người nghèo ở cơ sở, gây khó khăn cho các đơn vị tham gia ủng hộ. Điều đó cũng sẽ dẫn đến việc hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ nên chưa có ý chí vươn lên làm ăn”, bà Dương nói.
Đồng quan điểm với bà Dương, ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) cho biết, hiện nay, một hộ nghèo có thể được hưởng quá nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ của địa phương; hỗ trợ của các tổ chức Hội, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân... Vì vậy, có hộ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo lại hậm hực vì... không được nghèo!
Việc giảm nghèo ở đô thị cũng đang là vấn đề quan tâm của nhiều địa phương. Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, người nghèo đô thị gặp nhiều khó khăn và rất dễ tái nghèo. “Chỉ cần một trận ốm nặng hoặc một tai nạn nào đó, người nghèo đô thị rất dễ tái nghèo. Người nghèo đô thị cần có những chính sách an sinh xã hội để họ có thể tiếp cận được với các dịch vụ xã hội”, ông Sơn nêu ý kiến.
Cũng theo ông Sơn, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ về hiệu quả sau khi hỗ trợ giảm nghèo. “Có hộ nghèo cầm cố luôn phương tiện sinh kế sau khi vừa được hỗ trợ. Bởi vậy, việc kiểm tra, giám sát để hỗ trợ, giúp đỡ phải được triển khai thường xuyên, liên tục, kịp thời”, ông Sơn nói.
Thống nhất ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nêu thực tế hiện nay có lúc có nơi, công tác giảm nghèo không liên tục. “Khi kiểm tra thì triển khai mạnh, khi không kiểm tra thì lơ là, phong trào đi xuống là thực tế đã diễn ra.
Đồng thời, việc rà soát, xác định hộ nghèo và thực thi các chính sách giảm nghèo phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Phải có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp nể nang, ngại va chạm, dẫn đến làm sai lệch kết quả xác định hộ nghèo hằng năm, gây bất bình trong nhân dân”, ông Đặng Việt Dũng nói.
Thay đổi nhận thức, ý thức
Dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo là một trong những biện pháp quan trọng giúp người nghèo có được “cần câu cơm” để thoát nghèo.
“Hầu hết người nghèo có trình độ thấp, chưa có tay nghề… Bởi vậy, tốt nhất là dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm tại chỗ cho lao động, nhất là lao động nông thôn, đặc biệt là phải giúp họ làm ra sản phẩm và tìm đầu ra. Chứ nếu học nghề xong rồi… để đó, không phát huy tác dụng thì đã nghèo lại càng khó khăn hơn”, ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nêu ý kiến.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, phần lớn hộ nghèo thiếu kiến thức, lúng túng trong việc phát triển kinh tế gia đình. “Cần có chủ trương chỉ đạo, phân công đảng viên, cán bộ hội, đoàn viên nhận giúp đỡ hộ nghèo; từ đó giúp họ có kế hoạch phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp và tạo điều kiện để họ tiếp cận các chính sách trợ giúp của xã hội để vươn lên thoát nghèo”, bà Hưng nói.
Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho rằng, điều cốt yếu nhất là thay đổi nhận thức, ý thức cho các hộ nghèo. “Nếu cả hệ thống chính trị, xã hội cùng vào cuộc mà người nghèo không muốn vươn lên thì mọi sự giúp đỡ đều bằng không. Như vậy mới thấy công tác tuyên truyền của chúng ta chưa tốt, mới ở bề nổi mà chưa ở bề sâu”, ông Đặng Việt Dũng nói.
Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng phê bình một số địa phương chưa có sự tham gia dự họp của lãnh đạo quận ủy. “Chúng ta về đích giảm nghèo trước 2 năm nhưng không được chủ quan, thỏa mãn bởi giảm nghèo nhanh nhưng đã thực sự bền vững chưa? Các cấp ủy Đảng phải ý thức trách nhiệm của mình và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh. Cũng theo ông, vai trò của các địa phương là rất lớn, mỗi địa phương phải xác định tiềm lực và thế mạnh của mình; đồng thời, cần huy động mạnh mẽ sự đóng góp của doanh nghiệp trong công tác giảm nghèo, nhất là tạo việc làm.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, bình quân hằng năm thành phố giảm hơn 7.300 hộ nghèo theo chuẩn thành phố, đạt 166,6% kế hoạch, trong đó giảm được 667 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, đạt 133% kế hoạch. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ