.
CHƯƠNG TRÌNH DẠY BƠI Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC

Đừng để "chết yểu"!

.

Hầu hết 11 bể bơi do Tổ chức Liên minh vì sự an toàn của trẻ em Hoa Kỳ (gọi tắt chương trình TASC) tài trợ cho 11 trường trong chương trình bơi an toàn dành cho học sinh tiểu học đến nay đã hư hỏng, xuống cấp. Trong khi đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư không mấy mặn mà đầu tư xã hội hóa bể bơi ở trường học, khiến việc dạy bơi cho học sinh đứng trước nguy cơ “chết yểu”.  

Hầu hết các bể bơi di động do chương trình TASC tài trợ ở các trường tiểu học đã bị hư hỏng, xuống cấp.  							                   Ảnh: PHƯƠNG CHI
Hầu hết các bể bơi di động do chương trình TASC tài trợ ở các trường tiểu học đã bị hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: PHƯƠNG CHI

Nhiều bể bơi xuống cấp

Theo Sở GD&ĐT, hiện nay, 11 bể bơi do chương trình TASC tài trợ ở các trường tiểu học đã bị hư hỏng, xuống cấp; nhà trường phải sửa chữa, chắp vá để sử dụng, tổ chức dạy bơi cho học sinh. Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết, việc khắc phục các bộ phận hư hỏng ở những bể bơi này chỉ mang tính tạm thời. Bởi lẽ hiện nay, những bể bơi này đã xuống cấp, thời gian sử dụng không còn bao lâu nữa.

Bên cạnh đó, sau khi hết chương trình dạy bơi miễn phí do chương trình TASC tài trợ, theo quy định của UBND thành phố Đà Nẵng, từ hè năm 2014, hoạt động dạy bơi cho các trường tổ chức có thu phí 200.000 đồng/học sinh/khóa, nên học sinh cũng ít theo học.Tình trạng này khiến nhiều trường thu không đủ bù chi.

Chẳng hạn, Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) chỉ có 77 học sinh đăng ký học bơi trong hè 2014, trong khi còn nằm trong chương trình dạy bơi miễn phí thì trường có đến 240 học sinh đăng ký tham gia. Với tổng số tiền thu được hơn 15 triệu đồng trong hè 2014, trường không đủ chi trả lương cho giáo viên, tiền điện, nước, hóa chất xử lý bể bơi…  

Ở Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê) cũng chỉ có 78 học sinh đăng ký học bơi trong dịp hè 2014. Học phí không đủ để chi trả các khoản lương cho giáo viên, tiền điện, nước, hóa chất… Tương tự, Trường tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà) chỉ có 80 học sinh đăng ký học bơi. Mức phí thu được ít ỏi từ 80 học sinh không đủ trang trải cho hoạt động dạy bơi của nhà trường trong dịp hè vừa qua.

Khó kêu gọi xã hội hóa

Sau khi thành phố có chủ trương xã hội hóa hoạt động dạy bơi ở 38 điểm trường, dù các đơn vị, trường học mời gọi nhưng doanh nghiệp vẫn dè dặt, không mạnh dạn đầu tư vì sợ thua lỗ. Đến thời điểm này, chỉ có một doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa bể bơi ở Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu).

Về công tác kêu gọi đầu tư, xã hội hóa bể bơi, bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà cho biết, quận đã có kế hoạch xây dựng 5 cụm tổ chức dạy bơi cho học sinh tiểu học và đã kêu gọi xã hội hóa nhưng không có đơn vị nào tham gia, bởi các đơn vị sợ khai thác không hiệu quả.  

Còn theo bà Hồ Thị Cẩm Bình, nhờ sự tài trợ của chương trình TASC, sau 4 năm, ngành GD&ĐT thành phố đã huấn luyện cho 21.000 học sinh tiểu học hoàn thiện kỹ năng bơi an toàn. Kết thúc mỗi khóa học bơi (gồm 20 bài học thực hiện trong 20 buổi), hầu hết các em có thể nổi được 90 giây và bơi 25m, bảo đảm an toàn khi xuống nước.

Tuy nhiên, bà Bình tỏ ra lo lắng hiện nay các bể bơi tài trợ đã xuống cấp, việc đầu tư xã hội hóa bể bơi ở trường học chưa khả quan, nên việc dạy bơi cho học sinh tiểu học gặp phải nhiều khó khăn. Trong khi đó, ở cấp tiểu học có đến hơn 82.000 học sinh và nhu cầu học bơi khá lớn.    

Cần tận dụng bể bơi sẵn có  

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều bể bơi đang hoạt động như bể bơi ở Trường THPT Phan Châu Trinh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THCS Lương Thế Vinh, bể bơi thành tích cao của CLB Bơi lặn… Tuy nhiên, việc sử dụng những bể bơi này vào việc dạy bơi cho học sinh chưa thật sự phát huy hiệu quả.   

Theo ông Nguyễn Trọng Thao, Trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở VH-TT&DL), ngoài Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê và Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Hòa Vang vừa được đầu tư xây dựng bể bơi, ngành TDTT chỉ quản lý duy nhất bể bơi thành tích cao của CLB Bơi lặn thuộc Trung tâm Huấn luyện-đào tạo vận động viên thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đông Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - đào tạo vận động viên cho biết, ngoài nhiệm vụ chính là phục vụ nhu cầu tập luyện cho đội tuyển bơi thành phố, bể bơi cũng sẵn sàng đón nhận đào tạo học sinh.

“Chúng tôi từng làm việc trực tiếp cùng một số trường, xây dựng phương án thuê xe đưa đón các em đi và về khi tham gia tập luyện tại bể bơi. Đông đảo phụ huynh đồng tình với đề xuất của trung tâm, song ngành GD&ĐT không mấy mặn mà với cách làm này”, ông Hải nói .

Có thể vấn đề học phí là một trở ngại cho các bậc phụ huynh? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đông Hải thẳng thắn: “Với nhiệm vụ phổ cập bơi cho học sinh nên chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh phí. Đối với những trường hợp đăng ký học tự do, chúng tôi chỉ thu 200.000 đồng/người/tháng và tập 3 buổi/tuần.

Riêng với học sinh, chúng tôi sẽ thu 100.000 đồng/người/tháng, tập 3 buổi/tuần hoặc 50.000 đồng/người/tháng, tập 1 buổi/tuần. Thực ra, gần như kinh phí này được sử dụng để thay nước nhằm bảo đảm tốt nhất vệ sinh cho các em, chứ không chỉ cho các vận động viên của đội tuyển”.  

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng nhìn nhận, hoạt động dạy bơi ở trường tiểu học hiện nay gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, ngành GD&ĐT nỗ lực kêu gọi đầu tư xã hội hóa bể bơi ở các trường học nhưng doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà.

Riêng về giải pháp mở cửa bể bơi ở một số trường học để dạy bơi cho học sinh tiểu học, ông Chinh cho rằng, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị, trường học có bể bơi tổ chức dạy bơi cho học sinh, nhưng số lượng học sinh theo học không nhiều bởi liên quan đến vấn đề học phí.    

BẢO AN - PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.