.

Công nhân sắm Tết

.

Mặc cho cái lạnh đến buốt da, công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng vẫn tranh thủ đi sắm Tết vào buổi tối với mong muốn chọn được hàng rẻ, bền, đẹp.

Công nhân sắm đồ Tết tại chợ đêm Hòa Khánh.
Công nhân sắm đồ Tết tại chợ đêm Hòa Khánh.

Chắt chiu từng đồng lẻ

17 giờ 30 tan ca, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Nam (40 tuổi, quê Quảng Ngãi) tất tả về cơm nước thật nhanh để không bỏ lỡ cơ hội sắm quần áo giá rẻ cho hai đứa con ở quê. Năm nay là năm thứ 5 hai vợ chồng làm công nhân ở Đà Nẵng.

Số tiền thưởng Tết cả hai vợ chồng nhận được chưa bao giờ vượt quá 10 triệu đồng nên mỗi ngày vợ chồng anh lại bỏ ống 5.000 đồng để cái Tết đỡ thiếu trước hụt sau. Ống heo cũng chỉ là lon sữa bột mà chị Trần Thị Thu (36 tuổi), vợ anh Nam xin của hàng xóm.

“Năm nay “mổ” heo được hơn 2 triệu đồng. Như vậy là mừng lắm rồi, có năm chưa được 1,5 triệu đồng...”, cầm trên tay xấp tiền lẻ, chị Thu nói như reo. Sau gần 2 tiếng đồng hồ đặt lên bỏ xuống, kì kèo, vợ chồng anh Nam mua được 4 cái áo, 2 cái quần cho hai đứa con với giá 250.000 đồng, cộng thêm 2 chiếc áo ấm 450.000 đồng.

20 giờ ngày 25-1, chợ đêm Hòa Khánh ken đặc người dù nhiệt độ ngoài trời lúc này là 15 độ C. Các quầy hàng trong chợ bình thường tầm chiều tối đã lục đục dọn hàng thì hôm nay vẫn sáng đèn để phục vụ các “thượng đế”, nhất là những công nhân phải tăng ca cuối năm. Các cửa hàng di động mọc lên nhan nhản.

Nổi tiếng là “thiên đường” mua sắm của giới công nhân, sinh viên nên hàng hóa ở đây có giá khá rẻ, từ 35.000-200.000 đồng, với đủ loại chào mời đầy: “35 quẹo lựa, quẹo lựa... Chưa tới 100.000 đồng là có bộ đồ “ngon” mặc Tết rồi bà con ơi”. Thậm chí, có chỗ còn “Bao đổi, bao rẻ” để hút khách.

Cởi chiếc găng tay len đã xù lông lởm chởm, chị Hoa (25 tuổi, quê Quảng Nam, công nhân một công ty sản xuất linh kiện điện tử) tỉ mẩn xem từng chiếc áo, chiếc quần với ánh mắt đầy hào hứng. Dắt lưng hơn 300.000 đồng nên chị chẳng dám xum xoe vì sợ “thèm”, lựa chỗ nào treo biển mấy chục ngàn đồng thì ghé vào.

“Đến bây giờ chưa nghe thông tin thưởng Tết chi hết, mà cũng đừng hy vọng làm chi. Mua được cho má bộ đồ, cái áo ấm với khăn choàng là mừng rồi. Cứ tới cận Tết là má chờ, đếm từng ngày...”, cô gái trẻ chùng giọng, mắt đỏ hoe khi nhắc đến người mẹ già nơi miền quê Tiên Phước.

Ước chi mai là Tết!

Ở một góc khác của chợ đêm Hòa Khánh, bé Ben (3 tuổi) được ba mẹ cho thử đồ ngay tại quầy. “Kệ, con nít mà”, chị Nguyệt (38 tuổi, quê Quảng Nam) phân trần. Khuôn mặt cậu bé hớn hở khi được mẹ mua cho quần jean và chiếc áo sơ mi khá bụi bặm. Hỏi bé ưng không, cu cậu bẽn lẽn dụi đầu vào mẹ, cười không đáp.

Vợ chồng chị Nguyệt đều làm công nhân ở một công ty chế biến hải sản, thu nhập chưa tới 9 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, trừ tiền phòng trọ hết 1,3 triệu đồng, gửi trẻ hết 1,8 triệu đồng, cộng thêm tiền ăn của cả nhà và tiền sữa cho con nên chẳng dư dả mấy. Chưa kể cu Ben hay ốm vặt nên càng túng thiếu. “Hai vợ chồng thích có đứa con gái nữa mà thu nhập thấp quá. Tết năm ni không biết răng...”, chị nén tiếng thở dài.

Tại một góc nhỏ trên đường Ngô Quyền (gần salon gỗ Ngô Văn Đeo), vài cửa hàng di động mọc lên chỉ với một tấm bạt, có khi là chiếc áo mưa tiện lợi và sợi dây nilon treo từ cây này qua cây kia để trưng đồ. Quần jean nam ở đây được báo giá 150.000 đồng/quần, giày dép nữ tầm 50.000 đồng/đôi, quần áo trẻ em khoảng 40.0000 đồng. “70.000 đồng hai chiếc quần này được không”, chị Phan Thị Thu (28 tuổi, quê Quảng Trị), làm công nhân tại Âu thuyền Thọ Quang, trả giá.

Nét mặt chị hiện rõ sự thất vọng khi nhận được câu trả lời “79 vẫn còn tiền...”. Lương công nhân gần 4 triệu đồng/tháng nên chị Thu chẳng dám nghĩ đến chuyện lập gia đình vì “chạy ăn từng bữa, còn phải lo cho đứa em trai đang tuổi ăn tuổi lớn”. Chưa đến tuổi “băm” nhưng trông chị già dặn, khuôn mặt hằn lên vẻ âu lo, khắc khổ. Chỉ vào đôi tay nhăn nheo, da bong tróc vì ngâm nước nhiều, chị Thu than thở: Ai cầm tay chị chắc hoảng vì xấu quá. Ước chi mai là Tết để đỡ phải lo nhiều như ri!.

Đứng bên chị Thu, gia đình nhỏ của anh Nguyễn Ngọc Tuấn (40 tuổi) và chị Trần Hiền (38 tuổi, cùng quê Nghệ An) cùng hai con đang hào hứng chọn đồ. Thấy anh hai được mẹ mua cho chiếc áo thun in hình siêu nhân, Kin (4 tuổi) cũng đòi chiếc áo có hình người nhện. Hai cu cậu cười đùa, chỉ hết quần này, áo kia khiến ai cũng bật cười vì nét hồn nhiên của con trẻ.

Năm nay, vợ chồng anh Tuấn không về ăn Tết như mọi năm vì tiền vé xe cả đi lẫn về của cả nhà hơn 2 triệu đồng. Thay vào đó, vợ chồng anh sẽ gửi ít tiền về biếu ba mẹ tiêu Tết. Vợ anh cũng lên kế hoạch làm một hủ dưa kiệu, mua vài ký thịt heo về làm mắm để không khí Tết hiện hữu trong căn phòng trọ nhỏ. “Cứ nghĩ đến Tết là buồn, cả năm đi làm chỉ mong được về nhà thăm gia đình...”, chị Hiền rầu rĩ. Bây giờ, mong ước lớn nhất của hai vợ chồng là được... tăng ca để có thêm đồng nào hay đồng ấy.

Không có kiểu nói thách giá trên trời, cả người bán lẫn người mua đều dung dị, thân thương vì hiểu được nỗi lòng của những người đồng cảnh ngộ. Mỗi chiếc áo, chiếc quần được mua là cả bài toán chi li, cân đo đong đếm. Mua được quần áo mới, thay vì vui, người công nhân thường buồn và tiếc bởi miếng ăn hằng ngày đã ít, nay lại bị cắt xén thêm. Nhưng biết sao được, Tết mà, ai mà không muốn một cái Tết ấm no...

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.