Chính trị - Xã hội

NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Quy hoạch phải đi liền với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư

14:16, 05/01/2016 (GMT+7)

Chiều 4-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của ngành giao thông vận tải.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của ngành giao thông vận tải với nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông thiết yếu trên tất cả các lĩnh vực.

Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo diện mạo mới cho đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong chặng đường 5 năm qua, ngành đã huy động được một nguồn lực lớn ngoài ngân sách để tạo bước phát triển nhảy vọt. Nhiều công trình giao thông đồng bộ, hiện đại đã được đưa vào khai thác, sử dụng; cũng trong 5 năm này, từ 100 km đường cao tốc, đến nay đất nước đã phát triển được 704 km đường cao tốc, vượt 104 km so với mục tiêu đề ra.

Các công trình giao thông không chỉ ở đô thị mà còn phát triển mạnh ở khu vực nông thôn. Hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong ngành được triển khai quyết liệt, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông đạt nhiều tiến bộ…

Thủ tướng mong muốn ngành giao thông vận tải với chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức chung lòng, quyết liệt hành động, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém để tiếp tục phát triển, vươn lên và đạt được những kết quả to lớn hơn nữa.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, ngành giao thông vận tải phải tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành bởi đây là yếu tố quyết định, trong đó trước hết tập trung vào khâu trọng yếu là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, luật pháp để lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải thị trường hơn, hội nhập khu vực và quốc tế tốt hơn, hiệu quả hơn, để huy động được nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển ngành giao thông và vận tải.

Cùng với đó là tiếp tục cập nhập, rà soát để hoàn thiện chiến lược, quy hoạch về giao thông vận tải theo hướng chiến lược, quy hoạch phải đi liền với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Đảm bảo tốt công tác quản lý Nhà nước đối với ngành, đặc biệt phải coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các công trình.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tập trung đổi mới công tác cán bộ, chế độ công vụ, công chức trên mọi lĩnh vực của ngành. Cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngoài xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải ở từng dự án, công trình cụ thể, bảo đảm sự đồng bộ, chất lượng, an toàn và hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu phát triển.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động vận tải, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải; nâng cao hiệu quả, năng lực vận tải đa phương thức và kiểm soát tải trọng phương tiện gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý, nâng cao năng lực, hiệu quả của các phương thức vận tải; đảm bảo giảm giá thành, hạ chi phí vận tải.

Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quyết tâm giảm tối đa tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Xử lý nghiêm các vi phạm về vận tải và an toàn giao thông.

Theo Chinhphu.vn

.