Mới đó mà anh Nguyễn Bá Thanh vĩnh biệt chúng ta tròn một năm. Mỗi lần ngồi với anh em bạn bè, nhất là những người đi xa mới về, khi nói đến diện mạo của Đà Nẵng bây giờ, không ai không nhắc đến Nguyễn Bá Thanh với lòng tiếc thương, trân trọng. Đã đành rằng, bất cứ thành quả nào của cách mạng đều là kết tinh của trí tuệ, công sức của tập thể, của nhân dân, nhưng xét trong lịch sử nghiệm ra thời hiện tại, thì vai trò cá nhân, nhất là cá nhân chủ chốt thường giữ vai trò quyết định.
Trong hơn 15 năm trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thực hiện cuộc chỉnh trang đô thị một cách ngoạn mục dưới sự lãnh đạo tài tình của đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Hơn 100.000 hộ dân thành phố thực hiện chủ trương di dời, giải tỏa, tái định cư để triển khai xây dựng hạ tầng, tạo diện mạo mới cho Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh từng tuyên bố, bà con nhân dân về nơi tái định cư mới sẽ có cuộc sống cao hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Hiện thực cuộc sống Đà Nẵng hiện nay là minh chứng hùng hồn cho tuyên bố đó. Ảnh: Nguyễn Thành |
Đã là một con người thì bất cứ ai cũng đều có ưu có khuyết, có đúng có sai, có hay có dở, nhưng văn hóa Việt Nam ta có truyền thống cực kỳ nhân văn là khi viếng người đã mất, người ta thường ghi trên vòng hoa mấy chữ “Kính viếng hương hồn”, vì nhớ người đã mất là nhớ cái tốt, cái hay, cái tài, cái đức của người ấy, bởi nghĩa tử là nghĩa tận.
Nhân kỷ niệm một năm ngày mất của anh Nguyễn Bá Thanh, tôi xin ghi lại những điều đáng nhớ về người lãnh đạo tài năng mà bạc mệnh theo tinh thần ấy.
Nguyễn Bá Thanh - người không bàn lui
Cuối năm 1994, khi chuẩn bị nhân sự cán bộ chủ chốt cho thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ, Tỉnh ủy đã quyết định điều anh Thanh về Đà Nẵng, lúc này anh đang là Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh, đại biểu Quốc hội. Trong khi chờ đợi để được bầu vào chức danh Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, anh giữ cương vị Phó Bí thư Thành ủy.
Anh đã dành trọn thời gian này để đi cơ sở tìm hiểu tình hình. Khi ấy thành phố Đà Nẵng đang mở đường Đông - Tây, nay là đường Nguyễn Văn Linh, đây là một dự án lớn phải di dời hàng nghìn hộ dân mà chính sách giải tỏa đền bù chưa rõ nên sự đồng thuận của nhân dân chưa cao vì vậy vô cùng phức tạp, triển khai hơn 2 năm mà chưa tiến triển được mấy.
Trong một cuộc họp Thường vụ Thành ủy bàn về vấn đề này, có ý kiến nên nhờ tỉnh giúp hoặc đề nghị tỉnh làm chủ công trình. Trong khi mọi người đang phân vân thì anh Thanh đề nghị nên giao cho anh trực tiếp chỉ huy công trình với điều kiện toàn quyền quyết định, không ai được bàn lui, nếu làm không được anh hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Bằng lý lẽ của mình, anh đã thuyết phục mọi người chấp nhận ý kiến của anh, bởi vì đây là chủ trương hợp lòng dân, chưa triển khai được là do cách làm của chúng ta chưa tốt mà thôi. Rồi từ khi giữ cương vị Chủ tịch UBND thành phố anh đã dành nhiều thời gian, công sức và đầy tâm huyết để sau đó một năm, thành phố chúng ta có con đường Nguyễn Văn Linh như bây giờ.
Nguyễn Bá Thanh - đã thấy đúng, phải làm cho kỳ được
Sau khi chia tách tỉnh, thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang cũ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, anh Thanh lại được phân công làm Chủ tịch UBND thành phố mới.
Mặc dù trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương nhưng thành phố mới còn nghèo lắm, ở cương vị của mình anh luôn đau đáu một điều là phải làm cho Đà Nẵng phát triển nhanh và anh đưa ra quan điểm đường sá hoàn chỉnh đến đâu thì thành phố phát triển đến đó.
Thế rồi cùng với biết bao công việc bận rộn hằng ngày của Chủ tịch UBND thành phố mới thành lập, anh đề nghị Thường vụ cho chỉnh trang đường Trần Cao Vân và Nguyễn Tri Phương, anh xin trực tiếp phụ trách.
Đây là hai tuyến đường chính vào trung tâm thành phố, lưu lượng người, xe hằng ngày rất đông nhưng còn hẹp, quanh năm nắng bụi, mưa bùn, tai nạn giao thông và ùn tắc xảy ra hằng ngày. Rút kinh nghiệm từ khi làm đường Nguyễn Văn Linh, anh đề nghị chỉnh trang hai tuyến đường này bằng phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đây là cách làm có lẽ Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước.
Khỏi phải nói sự vất vả gian truân cực nhọc và cả xót xa nữa của quá trình chỉnh trang hai tuyến đường này. Lúc ấy tôi là Bí thư quận ủy Thanh Khê, mà hai tuyến đường này lại nằm trọn trên địa bàn quận nên có dịp chia sẻ với anh những gian nan vất vả ấy. Trước mỗi sự cố xảy ra làm khó khăn trở ngại cho công việc, anh thường động viên chúng tôi bằng câu: “Đã thấy đúng rồi phải làm cho kỳ được, khó mấy cũng phải làm”.
Nguyễn Bá Thanh - người làm dân vận khéo
Suốt trong quá trình chỉnh trang đô thị, thành phố Đà Nẵng như là một đại công trường, hàng chục vạn hộ dân phải di dời giải tỏa, anh luôn có mặt ở bất cứ nơi nào phức tạp, nhất là những lúc gặp nhân dân để giải thích chính sách, giải đáp thắc mắc, giải quyết khó khăn, ngày thường làm không hết việc anh hẹn bà con chủ nhật đến nhà anh giải quyết, hồi ấy mỗi tuần chỉ mới được nghỉ việc một ngày.
Tuần nào cũng vậy, nhà anh người đông như hội, anh gặp tất cả mọi người, giải quyết từng trường hợp thấu tình đạt lý, gặp anh rồi ai ra về cũng thỏa mãn, cho dù có thiệt thòi đôi chút.
Tôi nhớ khi còn làm đường Đông- Tây, một hôm anh họp với người dân đến gần 10 giờ đêm vẫn chưa xong việc, có bà cụ hỏi anh: “Chớ ông ăn uống chi mà làm dữ vậy, 6 giờ sáng đã thấy ông ở đây, chừ khuya rồi ông còn ngồi đây, cả tháng nay ngày nào cũng rứa”. Anh vui vẻ trả lời: “Cảm ơn bà cụ quan tâm tới tui, cũng xin báo cáo để bà con biết, tui con liệt sĩ, được Đảng và nhân dân nuôi dạy từ tuổi thiếu niên, nay lại được làm Chủ tịch thành phố nên tui quyết tâm làm việc vì dân, hễ làm đường ni chưa xong là ngày nào tui cũng làm như ri”.
Anh vừa dứt lời một cụ già đứng lên nói: “Thưa ông Chủ tịch, nghe ông nói tui hiểu được lòng ông rồi, thôi ông về nghỉ đi, bà con sẽ bàn thêm chút nữa rồi ta cùng làm, khi nào cần thiết xin gặp ông sau”. Thế là cuộc họp giải tán và công việc sau đó ngày càng thuận lợi.
Việc chăm lo cải thiện đời sống cho gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách còn khó khăn của anh Thanh thì không cần nhắc lại vì ai cũng biết, điều đáng trân trọng ở anh là luôn quan tâm đến tất cả người nghèo, có những việc anh làm phải nói là “xưa nay hiếm” như việc anh mời gặp trên 500 người từng là tội phạm hình sự bị tù mới được về để nói chuyện.
Là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhưng anh không nói với họ về pháp luật, về kỷ cương mà lại nói với họ về nhân tình, ân nghĩa, về đạo làm người, anh coi họ như những người bạn, người anh em, rồi cho mượn tiền (mượn chứ không cho vay) để mua sắm công cụ lao động làm ăn và làm lại cuộc đời, bây giờ hầu hết anh chị em đó đã trở thành người lương thiện, nhiều người là đội viên nòng cốt trong phong trào giữ gìn trật tự xã hội ở tổ dân phố.
Rồi anh gặp mặt những ông chồng hay đánh vợ, vừa phê phán vừa tâm tình, anh yêu cầu họ phải chấm dứt ngay thói vũ phu, giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương và các đoàn thể theo dõi, ai tiến bộ anh khen thưởng, thế là nhiều gia đình trở nên yên ấm.
Anh còn gặp các cháu thiếu niên hư, bằng tấm lòng của người cha, người chú, anh khuyên bảo các cháu phấn đấu để làm con ngoan, trò giỏi, đãi các cháu một bữa mì Quảng thỏa thuê. Nhẹ nhàng vậy thôi mà nhiều cháu đã tiến bộ không ngờ. Biết các chị phụ nữ đơn thân không nhà ở, Anh cho làm hàng trăm căn nhà liền kề, chắc chắn, đầy đủ tiện nghi cần thiết để giúp họ an cư.
Ngày Tết cổ truyền, anh quyết định tặng mỗi người đạp xích lô, xe thồ vài trăm nghìn gọi là góp thêm một chút hương hoa đón mừng năm mới. Và còn nhiều việc nữa anh đã làm cho nhiều người, đơn sơ thôi nhưng lại sâu nặng nghĩa tình.
Có lẽ vì thế mà khi còn sống, Anh được nhiều người yêu mến quý trọng, lúc ốm đau anh được nhiều người quan tâm, theo dõi, hy vọng và chờ đợi từng ngày, khi qua đời anh được nhiều người, rất nhiều người tiếc thương đau xót. Quang cảnh lúc tiễn đưa Anh về nơi an nghỉ cuối cùng gợi cho những người có trí, có tâm bao điều suy ngẫm.
Tôi mới quen biết và làm việc với anh Bá Thanh từ cuối 1994 đến 2010. Viết và nói về tài năng, tâm huyết của anh đã có nhiều người làm rồi, mới đây có cả một quyển sách khá đầy đặn. Nhưng với lòng quý mến anh, nhân ngày kỷ niệm một năm anh mất, tôi xin ghi lại những cảm nhận của mình qua từng việc anh làm cho thành phố chúng ta mà tôi biết, như một nén hương lòng tưởng nhớ anh.
Lê Tự Cường