Chính trị - Xã hội

Quý câm gác chắn

12:48, 09/01/2016 (GMT+7)

“Nhiều hôm hai giờ sáng tôi chợt thức giấc, đi ra gác chắn, thấy nó ngồi co ro vì lạnh, tưởng nó ngủ nhưng khi chạm vào nó biết ngay. Tôi nghiêng đầu áp bàn tay vào má ra ký hiệu: “Về ngủ đi con.” Nó ú ớ giơ hai ngón tay lên: “Còn hai chuyến tàu nữa”. Đúng hai chuyến tàu nữa đi qua gác chắn nó mới về. Có ai qua lại đường ngang qua đường sắt giờ đó đâu, nó thích vậy đó, không ai cản được. Vậy mà nó làm việc này gần 20 năm rồi”.

Lê Ngọc Quý (phải) tăng cường gác chắn cho ca ngày.
Lê Ngọc Quý (phải) tăng cường gác chắn cho ca ngày.

Sở thích trực tàu

Gõ cụm từ “Lê Ngọc Quý câm điếc gác chắn” trên Google là ra một loạt bài viết về anh chàng câm điếc bẩm sinh tình nguyện ngày đêm gác chắn đường sắt băng qua khu vực tổ 124, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Vậy Quý đã là người nổi tiếng, ít nhất là trên báo chí. Tôi băn khoăn nếu gặp Quý mình cũng sẽ viết lại những gì các báo đã viết về con người tốt đến vô tư này. Thế nhưng, băn khoăn của tôi sớm giải tỏa ngay khi tôi đến nhà Quý.

Tiếp tôi là bà Nguyễn Thị Lê, mẹ của Quý, năm nay đã trên 80 tuổi. Bà kể: Quý sinh năm 1963, là con đầu trong số 3 đứa con của vợ chồng bà. Quý sinh ra đã bị câm điếc bẩm sinh. Thấy con không phản ứng với tiếng nói của mẹ, bà bồng con đi hết đền này, điện nọ lên đồng chữa tật cho con, cuối cùng đành bất lực quay về. Cha Quý mất lúc anh lên năm, em trai thứ nhì lên ba, em gái út chưa kịp thôi nôi. Một mình bà Lê tất tả ngược xuôi buôn bán nuôi con, song cái nghèo vẫn đeo bám cho đến tận hôm nay khi bà không còn sức lao động. Trời còn thương khi trong nhà chỉ có mình Quý bị tật câm điếc và vẹo một bên chân. Ngôn ngữ giao tiếp của anh từ bé chỉ là những ký hiệu bằng tay tự quy định mà chỉ Quý và người trong nhà mới hiểu được.

Nhà chỉ cách đường tàu 15m, nên xem những chuyến tàu qua lại đường ngang là một thú vui của Quý từ khi còn bé. Đến thời thanh niên, Quý có đi làm lao động phổ thông một thời gian ngắn nhưng vì chân vẹo làm cho vài lần ngã nên không thể làm gì được nữa. Ở nhà chẳng biết làm gì, Quý lại ra đường ngang xem tàu, xem mãi rồi thành trực tàu luôn đường ngang này khi ở đó vẫn chưa có gác chắn. Người nhà của Quý chỉ nhớ năm 2006, khi được quận, phường xây tặng cho căn nhà Đại đoàn kết, là năm Quý ra đứng canh đường ngang từ sáng sớm cho đến 22 giờ đêm. Không biết ai đã làm cái barrier bằng tre cho Quý ngăn đường mỗi khi tàu qua. Quý chẳng biết làm vậy là để đảm bảo an toàn giao thông cho người qua lại đường ngang nhưng đúng là sở thích của anh. Kể từ đó, ngày nắng cũng như ngày mưa, Quý miệt mài với sở thích đứng gác chắn, kéo barrier mỗi khi tàu qua. Ít lâu sau ai đó tặng anh bộ đồ đồng phục có cầu vai, phù hiệu, mũ kêpi của ngành đường sắt cùng đôi cờ vàng, đỏ và chiếc còi nhựa. Từ đó, Quý trở thành “nhân viên” của ngành đường sắt. Mỗi khi sắp tàu qua, anh hạ barrier, tuýt còi báo hiệu cho mọi người dừng lại và làm động tác giơ cờ rất chuyên nghiệp.

Năm qua năm, không biết từ khi nào Quý nhớ chính xác được số chuyến tàu qua lại trong ngày khiến nhiều người thán phục. Quý không nghe được nhưng cảm nhận rất nhạy độ rung của mặt đất khi tàu đến để hạ barrier, tuýt còi báo hiệu và giơ cờ. Hành động gần như vô thức của Quý lặp đi lặp lại như một cái máy. Bà Mai Thị Lan, một người dân ở gần gác chắn, kể: Nó rất nguyên tắc, ngay cả khi 2 giờ không có ai qua lại đường ngang nhưng mỗi khi có tàu qua, nó vẫn hạ barrier đập rầm rầm hai lần vào cái cọc sắt rồi tuýt hồi còi dài. Có người nói nó điên, cái giờ đó có ai đi qua mà gác chắn. Nhiều người khác lại động viên người nhà của Quý: Nó làm vậy là tốt đó (?!). Biết việc làm của Quý, thỉnh thoảng có người đến thăm tặng chút quà động viên gia đình. Mọi người cảm nhận Quý có vẻ hiểu được sự động viên của khách qua những cái vỗ vai, bắt tay và anh cũng bắt tay lại rồi đưa ngón tay cái lên ra ký hiệu “tốt” cùng những từ ú ớ.

Năm 2013, Ban An toàn giao thông quận Liên Chiểu mới chính thức đặt trạm gác chắn đường ngang này. Họ muốn ký hợp đồng trả lương với 2 người nhận nhiệm vụ gác chắn ở đây. Mặc dù được cán bộ và bà con khu dân cư đề nghị ưu tiên cho Quý được ký hợp đồng nhưng không thể được vì Quý là người khuyết tật và hạn chế về năng lực hành vi dân sự. Ban An toàn giao thông quận đã ưu tiên ký hợp đồng với em trai của Quý là anh Lê Ngọc Quang và một người khác là anh Nguyễn Sa với mức lương 1 triệu đồng/người/tháng cho ca gác hằng ngày từ 6 giờ đến 19 giờ. Quý phản ứng kịch liệt với cả em trai và anh Sa vì bỗng dưng mất việc. Sau nhiều lần được mọi người vỗ về, ra dấu nói nghỉ làm ngày cho khỏe. Quý chấp nhận “nhường” ca ngày và tối đến với trang phục đầy đủ, anh lại ra gác chắn chờ tàu qua lại cho đến 2 giờ mới về ngủ.

Nỗi lo của mẹ

Những năm gần đây, Quý sinh tật uống rượu. Mỗi lần đòi là cầm cái chai lên gõ liên tục vào cánh cửa nhà cho đến lúc mẹ mủi lòng phải đi mua rượu cho con. Say nhưng tối đến Quý vẫn ra gác chắn. Bà Lê kể: “Nhiều hôm không nghe tiếng còi của nó thổi là tôi phải ra ngay đưa nó về. Nó say ngộ nhỡ ngã vào đường tàu thì sao. Mắt nó một con đã hỏng, một con thì ngày càng mờ nhòa đến nỗi ăn cơm phải dùng tay lần mò, tội quá. Tôi không muốn nó ra gác chắn nữa nhưng nó thích vậy, tôi và em nó cản mãi mà không được nên đành chịu vậy”.

Hai em Quý có gia đình ở riêng, hoàn cảnh đều là hộ nghèo chẳng giúp gì nhiều cho mẹ và anh. Nguồn sống của hai mẹ con Quý là khoản trợ cấp người cao tuổi và trợ cấp người khuyết tật chỉ vỏn vẹn 675.000 đồng/tháng. Cách đây 2 năm có nguồn quỹ nào đó ở quận hỗ trợ cho 2 mẹ con mỗi tháng 15kg gạo thì cuộc sống đỡ hơn một chút. Hôm nào có khách thăm tặng chút tiền, bà Lê ra chợ mua 10.000 đồng thịt gà công nghiệp về nấu cơm cho Quý ăn. Hôm đó, Quý nhiều lần giơ ngón tay cái lên với mẹ, ý là khen ngon. Đến hôm sau ăn cá vụn kho nó lại giơ ngón cái quay xuống đất chê dở. Vừa buồn cười nhưng lại mủi lòng thương con. Mình nghèo thì biết sao được. Tiền trợ cấp chủ yếu dành để mua gạo, còn thức ăn thì hai đứa em Quý thi thoảng lại tiếp tế chút ít rau ráng, cá vụn. Lâu lâu có ai thăm tặng quà mới có chút cải thiện cho con. Bà Lê chia sẻ tin vui vì được cán bộ phường cho biết, trong năm 2016 bà sẽ được hỗ trợ để thay mái tôn rách của căn nhà. Nhưng họ cho biết chỉ thay tôn nhà chính còn mái hiên và bếp hai nơi dột nhiều nhất gia đình phải tự lo. “Ăn uống hằng ngày còn thiếu, không biết lấy chi mà lo đây”, bà Lê lo lắng.

Đang nói chuyện thì Quý từ gác chắn trở về. Thấy khách trong nhà nhưng anh chẳng phản ứng gì, chỉ lặng lẽ thay bộ đồ ngành đường sắt rồi ra cửa ngồi lặng lẽ. Bà Lê giải thích mặc dù được “phân” ca đêm nhưng ban ngày ở nhà chán có lúc nó lại ra gác chắn cùng em trai. Theo chỉ dẫn của bà Lê, tôi làm ký hiệu đưa bàn tay lên trước mặt Quý chỉ ra ngoài gác chắn và xòe bàn tay lắc hai lần rồi nghiêng đầu áp tay vào má ý nói: Ở nhà ngủ, đừng ra ngoài đó. Thế nhưng Quý không có phản ứng gì. Tôi cũng không biết mắt của anh còn nhìn rõ được bàn tay của tôi. Bà Lê nói thêm: “Gần trưa nó đói bụng, về ăn rồi lại ra ngoài đó. Không ra ngoài đó nó không chịu được đâu”.

Chia tay hai mẹ con ra về tôi cứ nghĩ, không biết Quý có biết hình ảnh của mình được một số tờ báo dùng làm tấm gương cổ vũ cho việc bảo đảm an toàn giao thông hay không, nhưng tôi biết Quý không cảm nhận được nỗi lo của bà Lê. Đó là nỗi lo của người mẹ nghèo trên 80 tuổi phải chăm sóc đứa con khuyết tật qua tuổi tri thiên mệnh mà vô tư như con trẻ.

Bài và ảnh: Chu Văn

.