Lần đầu tiên, tại Việt Nam nói chung, TP. Đà Nẵng nói riêng, một bản Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm được ký kết, đánh dấu bước tiến quan trọng của tổ chức Công đoàn trong nỗ lực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp, mang lại lợi ích kép cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Lễ ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp du lịch và dịch vụ tại TP. Đà Nẵng. |
Thành quả sau 2 năm miệt mài
Ngày 16-1-2016, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng đã ký kết bản TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp du lịch và dịch vụ. Đây là bản thỏa ước nhóm doanh nghiệp du lịch và dịch vụ đầu tiên tại Việt Nam và Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong nhóm 5 địa phương thí điểm về thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo (gồm Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương).
Hoạt động này được triển khai từ năm 2014. Sau khi nhận được chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện và chọn ngành du lịch, dịch vụ - một ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng để triển khai thực hiện.
Theo ông Hoàng Hữu Nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố kiêm trưởng nhóm thí điểm Đà Nẵng, việc xây dựng nội dung bản thỏa ước đi đến ký kết là vô cùng kỳ công.
“Xác định việc thương lượng tập thể nhóm là việc làm chưa có trong tiền lệ, cơ sở pháp luật quy định chưa rõ ràng nên LĐLĐ thành phố quan tâm đặc biệt, nghiên cứu 7 bước để tổ chức quá trình thương lượng, gồm đánh giá và nghiên cứu chuyên sâu chất lượng 4 bản TƯLĐTT của doanh nghiệp; dự thảo 1 bản TƯLĐTT chung của 4 doanh nghiệp; tổ chức các buổi làm việc với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở của 4 doanh nghiệp; tổ chức lấy ý kiến người lao động về dự thảo bản TƯLĐTT; tổ chức buổi làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch thành phố và người sử dụng lao động của 4 doanh nghiệp; tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp; tổ chức phiên họp thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp”, ông Nghị cho biết.
Lợi ích kép cho cả 2 phía
“Doanh nghiệp sẽ được gì khi tham gia bản thỏa ước nhóm, đó là câu hỏi mà các chủ sử dụng lao động đề cập khi LĐLĐ thành phố đặt vấn đề xây dựng và ký kết bản thỏa ước.
Và điều mà chúng tôi luôn khẳng định với doanh nghiệp, đó là, bản thỏa ước sẽ đem lại lợi ích kép cho cả 2 phía”, ông Hoàng Hữu Nghị chia sẻ. Trên cơ sở những nội dung bản thỏa ước, có thể nhìn nhận ở hai góc độ.
Về phía người lao động, bản thỏa ước đã đáp ứng rất nhiều vấn đề, từ đảm bảo việc làm đến tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khó khăn, lễ, Tết... So với những quy định của luật thì những nội dung trong bản thỏa ước có nhiều điều khoản có lợi hơn rất nhiều cho người lao động, một số điều khoản cao hơn hẳn so với bản thỏa ước đang áp dụng tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, đối với tiền lương, mức lương tối thiểu trả cho người lao động (chưa qua đào tạo) cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm ít nhất 3,3%; mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự đào tạo nghề) cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định của bản thỏa ước nhóm ít nhất là 7%; người lao động trong thời gian thử việc được hưởng ít nhất bằng 90% tiền lương của công việc đó.
Chế độ phụ cấp bữa ăn ca hỗ trợ hằng tháng cho người lao động cũng đặc biệt được quan tâm khi quy định mức tối thiểu từ 20.000 đồng/bữa. “Người lao động làm việc tại Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours, Công ty CP Khách sạn Sài Gòn Tourane, Công ty TNHH Du lịch - thương mại Phú An Thịnh, Công ty CP Du lịch Phương Đông Việt cảm thấy rất vui mừng và tin tưởng rằng, trong thời gian đến, hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp sẽ ngày càng khởi sắc, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp và tập đoàn kinh doanh du lịch trong nước và khu vực”, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Khách sạn Sài Gòn Tourane, bà Nguyễn Thị Viễn Hương đã bày tỏ sự vui mừng khi bản thỏa ước được ký kết.
Điều này có nghĩa, với những lợi ích được thụ hưởng từ bản thỏa ước, người lao động thực sự yên tâm công tác và cống hiến cho doanh nghiệp. Không còn tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” để rồi so đo, tính toán, nhảy việc trong lực lượng lao động, các ông chủ cũng không phải lo lắng mất lao động tay nghề cao bởi sự cạnh tranh của đối thủ cùng ngành nghề.
Tham gia bản thỏa ước, chủ sử dụng lao động có được sự yên tâm về lực lượng lao động để tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là những lợi ích vô cùng to lớn mà cả người lao động và người sử dụng lao động được thụ hưởng từ bản thỏa ước nhóm.
“Mục tiêu chúng tôi đặt ra là sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia bản TƯLĐTT nhóm, để quyền, lợi ích người lao động và người sử dụng lao động được đảm bảo, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ ngày càng ổn định, tăng trưởng, qua đó, quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố, góp phần đưa ngành du lịch thành phố ngày càng phát triển”, ông Hoàng Hữu Nghị bày tỏ tin tưởng.
PHAN HÀ