Chính trị - Xã hội
Xóm "cụt đọt" trở mình
Từ những mảnh đời phiêu dạt khắp tứ phương, họ được “dồn” về ở trong khu nhà liền kề từ năm 2008 tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. 144 mảnh đời là 144 số phận về những người phụ nữ đơn thân không chồng mà có con.
Sau cơn bão lớn năm 2009, khu nhà liền kề bị xóa sổ, thành phố đã “nâng cấp” nhà ở cho họ bằng 4 block chung cư 5 tầng khang trang, sạch đẹp. Cuộc sống sang trang không chỉ dừng lại từ việc “có nhà ở” đối với họ.
Từ những “đàn chị” vang bóng một thời, nay họ đã vượt lên số phận, không chỉ xóa bỏ mặc cảm mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, giúp ích cho xã hội, kể cả những việc chỉ tưởng dành riêng cho đàn ông.
Chị Hà tổ trưởng, chị Thảo, chị Thanh (từ phải sang trái) tham gia tổ bảo vệ dân phố. Bộ trang phục các chị mang không chỉ phản ánh sự đổi thay ở khu chung cư văn hóa Hòa Phú 5A, mà còn thể hiện sự trở mình ở xóm “cụt đọt”. |
Bóng quá khứ
Tôi trở lại xóm “cụt đọt”, cái tên dân gian vẫn thường ví đối với những người đàn bà không chồng. Khó ai có thể hình dung về cơ ngơi của dãy 12 block chung cư cao 5 tầng này trước đây nhếch nhác, kém hấp dẫn với khách lạ.
Ông Phạm Trung Khảm, Bí thư chi bộ Hòa Phú 5A, phường Hòa Minh, người dày công vun đắp đời sống tinh thần cho khu dân cư này từ hàng chục năm nay, khái quát sơ bộ về sự trở mình của 144 hộ là chị em phụ nữ đơn thân từ ngày về ở nhà liền kề cho đến khi “lên” ở khu chung cư.
“Đây là cái nhân văn chỉ có duy nhất ở Đà Nẵng, chưa nơi nào làm được trong cả nước. Công lao, sự ưu ái đó cần phải nhớ đến tấm lòng vì dân cao cả của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Mấy cô ấy, giờ đây tiến bộ về nhận thức, đời sống kinh tế đi lên, cuộc sống đều ổn định, con cái học hành đàng hoàng. Chắc ngày trước sa chân lầm lỡ, họ cũng chẳng mong có được ngày “trở về” hạnh phúc như hôm nay”, ông Khảm nói.
144 chị không chồng mà có con vốn trình độ văn hóa thấp dẫn tới nhận thức hạn chế. Công việc mưu sinh với đủ thứ nghề “thợ đụng” như nhặt ve chai, bán vé số, buôn bán nhỏ, phụ việc… với mức thu nhập bấp bênh. Đời sống tinh thần cũng phức tạp không kém. Vốn đa phần là những phụ nữ có con theo hình thức “tự túc” nên trong các mối quan hệ của họ cũng chẳng mấy lúc yên ả ở lứa tuổi 25 đến 45.
Từ đó, những mâu thuẫn thường xảy ra, xung đột có khi lên đỉnh điểm dẫn tới gây hấn, đánh lộn “giữa các bên liên quan” như cách nói của ông Khảm (nhiều người đàn ông cùng quen một chị). Rồi con cái thất học, sa chân vào các tệ nạn xã hội dẫn tới tù tội không thiếu ở khu dân cư này.
Những tưởng cuộc sống đấy, hoàn cảnh đấy cứ na ná nhau, 144 cuộc đời kia kéo theo bao mảnh đời là con cái họ sẽ chẳng tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng khi được thành phố quan tâm, giang tay cứu vớt cuộc đời, đưa lên thoát khỏi bóng tối quá khứ, họ đã dần yên bề gia thất, an cư lập nghiệp.
Tháng 12-2011, 144 hộ được bàn giao về ở trong các căn hộ chung cư rộng 50m2 tại 4 block nhà A,B,C,D Khu chung cư Thanh Lộc Đán – Hòa Minh mở rộng. Từ những bàn tay trắng, họ được ngân hàng chính sách ưu đãi cho vay vốn (đến nay gần 3 tỷ đồng) để làm ăn.
Có tiền cùng với sự phấn đấu, tu chí vươn lên, bươn chải làm ăn, đến nay cuộc sống đã đi vào ổn định. “Hồi trước, khi mới về ở trong khu chung cư, đa phần họ đều nghèo như nhau. Nhưng đến năm 2013, chỉ còn 32 hộ nghèo. Nhà nào cũng có ti-vi, tủ lạnh, xe gắn máy.
Nhiều nhà còn sắm được điều hòa. Quan trọng nhất, con cái học hành đàng hoàng, không có học sinh hư, học sinh bỏ học giữa chừng. Đến nay đã có 21 cháu theo học từ bậc trung cấp, cao đẳng, đại học, trong đó có 4 em học đại học ra trường, có công ăn việc làm ổn định. Toàn khu chung cư chị em có 50 em học sinh từ cấp 1 đến cấp 3. Sự trở mình ngoài mong đợi không chỉ của chúng tôi, của chính quyền địa phương mà nhất là ở bản thân các chị”, ông Khảm chia sẻ.
Tổ bảo vệ dân phố nữ duy nhất
Trong số 144 chị em ở xóm “cụt đọt”, đã có nhiều người tham gia công tác chính quyền từ làm tổ trưởng tổ dân phố, chi hội phụ nữ… Ông Phạm Trung Khảm khoe, ở khu dân cư do chi bộ ông quản lý, có tổ bảo vệ dân phố nữ duy nhất của thành phố, thậm chí duy nhất nước Việt Nam này.
Tôi chẳng thể xác minh có là duy nhất Việt Nam hay không, nhưng là đầu tiên và duy nhất đến nay ở Đà Nẵng thì có thể lắm. Mô hình này là sự trăn trở, thai nghén trong suốt 5 năm trời của ông Khảm với bao ưu tư, trăn trở, dằn vặt: “Hồi còn ở nhà liền kề, trong căn hộ nọ chỉ có mỗi 2 mẹ con. Quá 23 giờ, công an khu vực, dân phòng đi kiểm tra thì phát hiện bên ngoài có đôi giày nam giới. Gõ cửa vào kiểm tra, tìm khắp mà không phát hiện gì cả, nhưng khi gõ vào tủ đứng đựng quần áo thì mới “vỡ lẽ”...
Sau này, cũng vì sự “bất tiện” này, đã xảy ra câu chuyện một số chị trong khu liền kề “tố” tổ công tác tuần tra là có người vào gạ gẫm họ. Tuy chẳng có tính xác thực, nhưng cũng đặt ra vấn đề là làm sao xử lý những tình huống trên cho tế nhị mà hiệu quả.
Có chuyện chị nọ ở phòng kia, hẹn anh kìa lúc 20 giờ, và hẹn anh kỉa 21 giờ. Nhưng chị bận việc về trễ, tiếp anh 20 giờ chưa xong thì quá hẹn với anh 21 giờ. “Anh 21 giờ” phá cửa xông vào, 3 bên “giáp mặt một lời”, đã xảy ra gây lộn trong tình thế 2 người đang trong cảnh “eva và adam”. Những lúc đó, cứ đàn ông vào xử lý, chắc gì đã hiệu quả thay vì là chị em đồng cảnh ngộ, vào khuyên can thì sẽ dễ lọt tai hơn. Đó cũng là điều mà tôi trăn trở để rồi đề xuất việc thành lập đội nữ bảo vệ dân phố từ năm 2009.
Ban đầu, họ cho rằng phụ nữ liễu yếu đào tơ, làm sao “bảo vệ tổ dân phố” được. Dù muộn, nhưng đến nay cũng đã được hình thành”. Ông Khảm cho hay, sau khi thành lập, quá trình hoạt động không chỉ công an cấp phường mà ngay Giám đốc Công an thành phố cũng ghi nhận và khen ngợi mô hình này là hiệu quả và rất thiết thực, phù hợp hoàn cảnh khu dân cư.
Chiều cuối năm, khi ánh nắng đã ngả kéo bóng người chiếu dài trên nền sân khu chung cư, 3 chị trong trang phục áo quần, mũ của tổ bảo vệ dân phố gồm Phạm Thị Thu Hà – tổ trưởng, Nguyễn Thị Kim Thanh và Đàm Quý Thảo bước vội đến gặp tôi như giao hẹn giữa tôi và ông Khảm từ trước đó.
Tổ bảo vệ dân phố nữ gồm 7 người, được thành lập từ ngày 20-6-2015, trong dịp khu chung cư Thanh Lộc Đán – Hòa Minh mở rộng đăng ký áp dụng mô hình “Khu chung cư văn hóa” làm điểm của quận Liên Chiểu.
“Ban đầu tham gia còn hơi ngại, bỡ ngỡ nhưng được sự vận động của người dân, các chú trong chi bộ, ban công tác Mặt trận… nên mạnh dạn dần. Trong đội có người thuộc “biên chế nhà liền kề”, có người ở các chung cư khác, nhưng chị em đều tích cực tham gia. Ngoài bảo đảm an ninh trật tự tại khu chung cư, chúng tôi còn cùng với tổ công tác của phường đi tuần tra ban đêm trên địa bàn khắp quận”, chị Hà nói. Quá nửa năm rồi, những lần đi tuần, kiểm tra ở các nhà nghỉ, khách sạn, chính các chị chứ không phải là mấy vị “có căn bản” nghiệp vụ vào khám xét, kiểm tra với các trường hợp là nữ giới.
“Có hôm đi đến gần 2 giờ mới về nhà. Đang giữa đường thì hết xăng, mà trong người không xu dính túi, đành “đút” điện thoại vào đổ xăng rồi mai chuộc lại. Có hôm đang đi tuần thì háo hức, nhưng khi về nghỉ tại đồn, ăn khuya thì chẳng muốn nữa, lúc đó chỉ muốn về nhà càng sớm càng tốt để ngả lưng, ôm con ngủ”, chị Thảo cho biết.
Tôi hỏi, ngoài mấy tô cháo ăn khuya, các chị có được bồi dưỡng gì thêm không? Các chị cho biết từ ngày thành lập tổ đến nay, ngoài việc can thiệp nhiều vụ gây rối ở chung cư, tham gia tuần tra hằng tháng với lực lượng của phường, nhưng họ chưa hề có một đồng phụ cấp hay sự động viên nào từ các cơ quan chức năng ngoài lời động viên thường xuyên của “bác Khảm”…
Tiếng í ới, hề hà dặn nhau mặc đồng phục, nhớ mang theo mũ gắn sao, đi nhanh cho kịp giờ làm lễ của 7 chị em trong khu chung cư làm náo nhiệt một hồi. Giữa quang cảnh mấy dãy nhà sạch không cọng rác, cảm thấy bình yên đến lạ. Nghe đâu, trong 144 chị em đó, đã có 2 người tái hôn với chồng cũ…
Bài và ảnh: TRỌNG HUY