Chính trị - Xã hội
Cẩn trọng với thông tin mạng xã hội
Sau khi vụ bán cơm xào hải sản với giá cao trong ngày Tết Bính Thân được đưa lên facebook và gây sốt cộng đồng mạng, nhiều người tiếp tục đưa lên mạng xã hội những tờ hóa đơn thanh toán thức uống ở một số quán cà-phê và thông tin này tiếp tục lan truyền một cách chóng mặt.
Đáng nói là những chia sẻ, phản ánh này mang tính cá nhân, thậm chí chủ quan nhưng gây hiểu nhầm cho nhiều người, ảnh hưởng đến văn minh thương mại và môi trường du lịch của thành phố.
Sáng 15-2, khi một tài khoản facebook có tên L.B.V chia sẻ hình ảnh hóa đơn có tổng tiền thanh toán gần 4 triệu đồng trên diễn đàn Quản lý đô thị Đà Nẵng làm nổ ra cuộc tranh luận bởi trà gừng, nước chanh có giá 90.000 đồng/ly, cà-phê sữa Sài Gòn có giá 80.000 đồng/ly, nước cam có giá 110.000 đồng/ly, bia Heineken 90.000 đồng/chai...
Thông tin từ tờ hóa đơn cho thấy, hóa đơn này do quán cà-phê SG (đường Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu) xuất ngày 11-2, tức là ngày mồng 4 tháng Giêng. Nhiều ý kiến cho rằng quán cà-phê SG đã tranh thủ ngày Tết để “chặt chém” khách.
Tuy nhiên, ông Trịnh Quốc Định, chủ quán SG, xác nhận hóa đơn trên xuất cho khách đến uống cà-phê, nghe ca nhạc trong phòng trà và giá đó là hoàn toàn phù hợp. “Nhiều người nhìn vào hóa đơn mà không hiểu được sự việc. Quán chúng tôi bán cà-phê vào ban ngày và buổi tối là phòng trà ca nhạc. Giá bán ở hai thời điểm là khác nhau.
Ngày thường, chúng tôi bán trà gừng, nước chanh, vào buổi tối cao gấp đôi so với ban ngày. Vào buổi tối, mỗi ly trà gừng, nước chanh có giá 45.000 đồng. Tuy nhiên, ngày Tết, giá nhân công của nhân viên, thù lao ca sĩ đều tăng gấp 3 nên chúng tôi có tăng giá bán lên gấp đôi.
Hơn nữa, chúng tôi có 3 loại thực đơn khác nhau: Một thực đơn ở phía ngoài sân, một ở trong nhà (phòng trà ca nhạc hằng đêm) và một thực đơn phục vụ Tết và tất cả đều được niêm yết giá rất rõ ràng. Tờ hóa đơn trên là do quán xuất cho một đoàn khách quen của quán và khách không những vui vẻ trả tiền mà còn lì xì thêm cho nhân viên của quán”, anh Định nói.
Ông Lữ Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Đà Nẵng cho rằng, với một phòng trà ca nhạc thì giá cả đó là hợp lý, không có gì quá đáng. Nói hợp lý vì đã được người tiêu dùng chấp nhận, tức người sử dụng dịch vụ đồng ý.
Đứng ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng, khi nào người tiêu dùng khiếu kiện, khiếu nại thì mới có thể nói doanh nghiệp xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng; còn ở đây, người tiêu dùng đã đồng ý, chấp nhận sử dụng và thanh toán dịch vụ thì không thể nói doanh nghiệp “chặt chém” người tiêu dùng. Việc đưa các thông tin lên các trang thông tin cá nhân là thiếu khách quan và có thể là cạnh tranh không lành mạnh giữa một số nhà hàng.
Trong khi đó, theo luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng luật sư Đỗ Pháp, đây là những chia sẻ mang tính chủ quan của cá nhân nhưng gây hiểu nhầm cho nhiều người. Điều quan trọng là cần xem xét, quan tâm bản chất thật sự của sản phẩm, dịch vụ chứ đừng nhìn mỗi hiển thị bên ngoài để tránh hiểu lầm.
Một hộp cơm xào hải sản có giá 50.000 đồng, 100.000 đồng và 200.000 đồng tất nhiên là có khác nhau về mặt bản chất. Ở đây, doanh nghiệp có quyền khởi kiện người đưa những thông tin gây thiệt hại về mặt vật chất hoặc tinh thần cho mình.
Vì thế, người đưa thông tin mang tính lan truyền trong cộng đồng cần suy nghĩ kỹ càng, tránh gây thiệt hại cho bản thân, người khác và xã hội, nhất là những suy nghĩ mang tính chủ quan của bản thân.
“Mặc dù Nhà nước chưa có những quy định về xử lý thông tin trên mạng nhưng những người dùng mạng cũng nên suy nghĩ kỹ càng khi bắt gặp chia sẻ cá nhân mang tính chủ quan của người khác, nhất là cần có cái tâm để tránh gây hiểu nhầm và thiệt hại, hệ lụy cho bản thân mình và xã hội. Đặc biệt, cần hợp tác để làm rõ bản chất của thông tin, vụ việc và phản hồi để tránh hiểu nhầm, gây hệ quả xấu đối với người khác và xã hội”, luật sư Đỗ Pháp nói.
THU HÀ - HOÀNG HIỆP