Chính trị - Xã hội
Huy động mọi nguồn lực phát triển thành phố giàu mạnh, an bình
Trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng trước thềm xuân mới Bính Thân 2016, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định năm 2016, thành phố sẽ tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, huy động mọi nguồn lực để xây dựng Đà Nẵng ngày càng văn minh, giàu mạnh, an bình, xứng tầm là đô thị đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên, nâng tầm vị thế của Đà Nẵng so với các địa phương khác trong nước và trên thế giới.
Thành phố chọn lựa những giải pháp để quản lý, quy hoạch đô thị hiệu quả hơn. Ảnh: NGUYỄN HỒNG NAM |
* Tại kỳ họp lần thứ 15 HĐND thành phố khóa VIII diễn ra cuối năm 2015, Chủ tịch cho biết thành phố phấn đấu năm 2016 sẽ thu hút khoảng 350 triệu USD vốn đầu tư. Con số này có khả thi? Và thành phố sẽ thực hiện giải pháp gì để tăng nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?
- Năm 2015, dù kinh tế thành phố tăng trưởng khá với GRDP đạt mức cao nhất so với các năm gần đây (9,8%) nhưng xét đến lĩnh vực thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, chúng ta chưa đạt được con số khả quan, thậm chí giai đoạn 2011-2015 còn sụt giảm gần 1 nửa so với 5 năm trước đó.
Điều này đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền thành phố khi đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm nay sẽ thu hút 350 triệu USD vốn đầu tư.
Tuy vậy, tôi tin là chúng ta sẽ đạt được con số này với điều kiện phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quan trọng.
Năm nay, chúng ta sẽ ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đồng thời, sẽ đổi mới công tác xúc tiến đầu tư với sự tham gia chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của lãnh đạo thành phố, trong đó tập trung củng cố tổ chức bộ máy và cơ chế phối hợp, phương pháp xúc tiến đầu tư; ưu tiên tập trung các khu vực, quốc gia và các tập đoàn, công ty có nhiều tiềm năng đầu tư tại Việt nam; khai thác tốt các lợi thế so sánh của Đà Nẵng; quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới.
Đà Nẵng kiên quyết từ chối các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, giảm tính cạnh tranh, làm chậm tốc độ phát triển của thành phố.
Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa. Các nhà đầu tư luôn xem trọng việc công khai, minh bạch cơ chế chính sách cùng môi trường đầu tư thông thoáng và một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, tinh gọn, dễ tiếp cận.
Hơn nữa, những người làm công tác lãnh đạo, quản lý cũng phải đổi mới cách nghĩ, cách làm trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Không nên tự bằng lòng với những lợi thế hiện có hay bảo thủ theo đuổi những giải pháp thực hiện trong thời gian dài nhưng không tạo đột phá.
Thu hút nhiều dự án đầu tư có chất lượng tốt là nền tảng và động lực chủ yếu quyết định thực hiện thành công nhiệm vụ tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố theo định hướng Nghị quyết Đại hội XXI của Đảng bộ thành phố.
* Vậy theo Chủ tịch, dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung và một số dự án ven biển, khu vực trung tâm thành phố còn kéo dài, chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường đầu tư năm 2016 và làm sao khắc phục hạn chế này?
- Có thể thấy, các dự án còn kéo dài, chậm tiến độ là một trong những hạn chế của Đà Nẵng thời gian qua, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư. Dự án treo lâu năm đã gây ra sự lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, người dân không có đất sản xuất, ngân sách không thu được tiền thuê đất, tiền sử dụng đất…
Các nhà đầu tư có nhu cầu lại không có đất để thực hiện, trong khi đó, đất dự án lại bị bỏ hoang lâu năm… Tuy nhiên, hầu hết các dự án được cho thuê đất và chuyển quyền đất ở lâu dài nằm xen kẽ nhau, khó tách được phần đất thuê để thu hồi riêng biệt, đất chuyển quyền lâu dài thu hồi phải bồi thường.
Chính vì thế, giải quyết vấn đề này không phải ngày một ngày hai mà cần dựa trên tình hình thực tế của thành phố, doanh nghiệp cùng những quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với các dự án trên, chúng tôi đưa ra 3 hướng xử lý: tiếp tục triển khai, điều chỉnh quy hoạch hoặc hủy dự án. Trong đó, việc hủy dự án là điều “chẳng đặng đừng” nhưng nếu cần thiết thì vẫn phải mạnh tay xử lý nhưng phải bảo đảm đúng qui định của pháp luật, tránh sai sót dẫn đến tranh chấp.
Có như vậy, thành phố mới cải thiện được môi trường đầu tư, tạo sự công bằng cho những doanh nghiệp khác muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Đà Nẵng. Ngoài ra, việc xử lý các dự án chậm triển khai có nhiều biện pháp chứ không phải chỉ có thu hồi.
Một trong các biện pháp sắp tới là thành phố sẽ thu tiền thuê đất trong thời gian dự án chậm triển khai, tính tiền thuê đất theo sát giá thị trường, việc này sẽ có tác động tới các chủ sử dụng đất.
Riêng đối với Khu Công nghệ thông tin tập trung, Khu Công nghệ cao, một khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách đặc thù cho hai khu công nghệ này được thông qua, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều cơ chế thông thoáng, hấp dẫn hơn để thu hút nhà đầu tư.
Năm nay, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao, phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu thu hút 2-3 dự án vào Khu Công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đạt trên 100 triệu USD.
Thành phố chọn lựa những giải pháp để quản lý, quy hoạch đô thị hiệu quả hơn.Ảnh: Quang Linh |
* Trong quản lý, quy hoạch đô thị, nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả, thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực trong năm 2016 cho những công trình, dự án nào, thưa Chủ tịch?
- Để quản lý, quy hoạch đô thị hiệu quả, chúng tôi trăn trở rất nhiều về các giải pháp và chọn lựa những hình thức, bước đi, cách thức để huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư một cách hiệu quả. Trên cơ sở Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác lập quy hoạch chi tiết, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế “quy hoạch treo” và kém chất lượng.
Năm 2016, thành phố ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, các dự án cải thiện môi trường, các công trình giải quyết những điểm nóng về ùn tắc, tiềm ẩn tai nạn giao thông như: nút Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ, nút Lê Duẩn - Trần Phú, triển khai nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư cầu/hầm chui qua sông Hàn, đường gom từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm, các trục giao thông vành đai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu công nghệ cao, sắp xếp và nâng cấp các cơ sở y tế, hoàn chỉnh nâng cấp các khu đô thị, các khu tái định cư, xây mới nhiều công trình trường học các cấp, các thiết chế văn hóa...
Trong đó, việc xây cầu hay hầm chui qua sông Hàn đều phải tính toán, xem xét kỹ lưỡng, và có thể phải 5 năm nữa mới xây dựng nhưng cần có bước chuẩn bị ngay từ bây giờ. Thành phố sẽ không phát hành trái phiếu mà tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, vốn ODA (Chính phủ vay và hỗ trợ cấp phát một phần cho thành phố), một số công trình sẽ tiến hành theo hình thức BOT (Nhà máy nước Hòa Liên) hoặc theo hình thức BT có sử dụng quỹ đất; đẩy mạnh thu hút các dự án theo hình thức xã hội hóa và đầu tư tư nhân, hạn chế thấp nhất tăng thêm số dư nợ công cho ngân sách thành phố.
Việc mở rộng, nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ góp phần thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng giao thông cho thành phố và khu vực. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
* Thưa Chủ tịch, năm 2016 là năm đầu tiên thành phố triển khai thực hiện đột phá về “Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, công nghệ thông tin”. Vậy riêng về lĩnh vực du lịch, thành phố có giải pháp gì để thu hút 5,14 triệu lượt khách đến Đà Nẵng trong năm nay cũng như phát triển thương hiệu du lịch mang đẳng cấp quốc tế?
- Việc Đà Nẵng được chọn là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao quốc tế lớn như: Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper 2015-2016, Đại hội thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5); đặc biệt là Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2017… là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh thành phố và ngành du lịch ra thế giới. Thành phố cần nắm bắt và tranh thủ tốt các cơ hội này để thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút về du lịch.
Năm 2016, thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch và Đề án phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2020. Tôi nghĩ Đà Nẵng muốn trở thành thành phố du lịch mang đẳng cấp quốc tế thì rõ ràng chúng ta không thể thiếu những điểm du lịch hấp dẫn, có nét đặc sắc riêng, có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi, mua sắm tầm cỡ và thuận tiện kết nối giao thông bằng nhiều đường bay quốc tế trực tiếp nối Đà Nẵng với các nước trên thế giới…, đồng thời, thành phố Đà Nẵng phải thật an toàn cho du khách và những hình ảnh phản cảm trong du lịch cần được loại bỏ hoàn toàn.
Vì vậy, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực, phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, quyết tâm xây dựng thành công một Đà Nẵng có môi trường du lịch, thương mại văn minh, không có nạn chặt chém, gian lận, cư xử thiếu văn hóa; an ninh trật tự bảo đảm, thành phố thanh bình, vệ sinh sạch đẹp, người dân thân thiện, mến khách…
Đồng thời, tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án ven biển và làm phong phú các dịch vụ du lịch biển Đà Nẵng; kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các dự án tại bán đảo Sơn Trà; sớm mở đường bay Đà Nẵng – Osaka, Đà Nẵng – Bangkok, Đà Nẵng – Úc…
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Công viên Châu Á, xúc tiến dự án đầu tư Khu Công viên Bách thú – Bách thảo (theo mô hình Safari) ở huyện Hòa Vang, kêu gọi đầu tư các dự án bệnh viện và trường học quốc tế; xây dựng, nâng cấp các bảo tàng…; tập trung phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch…
* Nói như vậy thì những giải pháp thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016” cũng sẽ tác động tích cực đến môi trường du lịch thành phố, thưa Chủ tịch?
- Đúng vậy. Việc chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị” sẽ góp phần giải quyết những hạn chế vốn đang tồn tại trong môi trường du lịch Đà Nẵng như: nạn chèo kéo, đeo bám du khách, lang thang ăn xin biến tướng hay du lịch “chui”, “chặt chém”, tự ý nâng giá dịch vụ...
Mục tiêu của chúng ta là xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố giàu đẹp, an bình, trong đó, tiêu chí an bình rất quan trọng và đòi hỏi phải phấn đấu, nỗ lực cả chặng đường dài mới làm tốt được.
Hơn nữa, để Đà Nẵng hấp dẫn du khách thì thành phố phải bảo đảm được môi trường du lịch an toàn, văn minh. Vì lẽ đó, trong Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016, ngoài việc tiếp tục xử lý 3 nhóm hành vi trọng điểm, thành phố sẽ chú trọng triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự xã hội, an toàn giao thông; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân ứng xử thân thiện, quý mến, trân trọng đối với bạn bè, du khách, giữ chuẩn mực văn hóa trong kinh doanh…
Ngoài ra, thành phố sẽ triển khai rộng rãi Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, xử lý các điểm nóng về môi trường ven biển, tạo tiền đề để xây dựng Đà Nẵng thực sự là một thành phố an bình, thân thiện, văn minh, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
* Xin cảm ơn Chủ tịch đã trả lời phỏng vấn!
Mỹ Hạnh thực hiện