Chính trị - Xã hội
Nguyễn Bá Thanh, một vài điều tôi biết
Hồi tôi còn học K1, Trường Đại học Tổng hợp Huế, đã nghe nói tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng là một trong những tỉnh đầu tiên bố trí một kỹ sư trẻ mới ra trường về làm chủ nghiệm HTX nông nghiệp. Người đó là Nguyễn Bá Thanh, một học sinh miền Nam (HSMN) cùng trường với tôi.
Chính vì vậy, khi về làm tại Báo Quảng Nam - Đà Nẵng tôi tìm ngay đến HTX nông nghiệp Hòa Nhơn để gặp người chủ nhiệm HTX trẻ này. Nguyễn Bá Thanh kể rất nhiều chuyện, có chuyện như đêm tối bọn xấu ném gạch, đá vào nhà đe dọa anh ra sao, làm chủ nhiệm HTX cái vui và cái cực như thế nào.
Tôi nhớ nhất chuyện anh vận động kinh phí để xây dựng cầu cho nhân dân đi lại và liên tưởng, từ chuyện làm cầu ở sau lũy tre làng khi còn là một chủ nhiệm HTX, đã nung nấu ý tưởng của anh xây dựng nhiều cây cầu lớn mang dấu ấn Đà Nẵng như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Hòa Xuân, cầu Cẩm Lệ, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... khi là lãnh đạo thành phố.
Gần dân, hiểu dân là một trong những phong cách của nhà lãnh đạo Nguyễn Bá Thanh. TRONG ẢNH: Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tặng quà Trung thu cho trẻ em mổ tim bẩm sinh. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi rất may mắn được đi cùng với anh từ những buổi tiếp dân, đối thoại, vận động giải tỏa đền bù, tự bỏ vàng thay Nhà nước trả cho dân, đến giải quyết các việc tưởng chừng như rất nhỏ mà khó có vị lãnh đạo nào có thể quan tâm cụ thể đến như vậy.
Chuyện anh bỏ vàng túi trả cho dân rất ít người biết. Đó là chuyện Công ty Dâu tằm Quảng Nam - Đà Nẵng nợ xã viên của một HTX nông nghiệp ở Điện Bàn tiền bán sản phẩm nhưng không trả được. Dân kéo ra UBND tỉnh khiếu nại, đại hội Đảng của xã không tiến hành được. Lúc bấy giờ anh Nguyễn Bá Thanh là Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng.
Một chiều, anh gọi tôi: “Sáng mai mi rảnh đi với tau (với tôi bao giờ anh cũng xưng hô vậy và đó cũng là cách xưng hô của HSMN chúng tôi), một tỉnh lớn về nông nghiệp mà mắc nợ dân vài chục triệu đồng không trả được là sao, để tau trả vậy. Mi đi để làm chứng thôi, không được viết báo đấy nhé!”.
Đến xã, anh hỏi lãnh đạo: “HTX còn nợ bà con xã viên bao nhiêu?”. Lãnh đạo xã cho biết khoảng gần 20 cây vàng. Anh mở cặp, lôi ra một gói vàng, toàn là thứ 2 chỉ, mới cứng và bảo: “Đó đếm đi”. Cô kế toán vừa đếm vàng mà tay cứ run run còn cán bộ xã ngồi xung quanh thì tròn mắt không tin một ông giám đốc sở tự bỏ vàng túi của mình thay Nhà nước trả nợ cho dân.
Bữa cơm trưa của xã chiêu đãi đạm bạc, lãnh đạo xã, HTX đều không ngớt lời cảm ơn anh vì anh đã “cứu một bàn thua”, để xã tiến hành được đại hội Đảng, xã viên không kéo lên huyện, lên tỉnh nữa. Khi ra về, ngồi trên xe, chúng tôi hỏi: “Anh tự bỏ vàng ra trả cho dân mà không sợ mất sao anh Thanh?”. Anh cười, trả lời: “Bao giờ lên núi ở mới mất!” (ý anh nói bao giờ mất chế độ mới mất vàng của anh).
Với anh Nguyễn Bá Thanh, việc gì cũng phải tìm hiểu từ thực tế để giải quyết công việc, dù đó là một việc rất nhỏ, nhất là chuyện khiếu nại, tố cáo của dân. Tôi vẫn còn nhớ, hồi thành phố Đà Nẵng cũ, có hai hộ ở đường Yên Bái tranh chấp nhau về không gian, nhiều đơn trương gửi lên lãnh đạo thành phố, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, báo chí lên tiếng nhiều lần nhưng không giải quyết được, sự việc kéo dài nhiều năm liền.
Anh Nguyễn Bá Thanh lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng), đã trực tiếp xuống hai căn hộ, đi thực tế đến từng chỗ đang tranh chấp để quan sát và kết luận. Trong cuộc họp giữa hai hộ cùng lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng để giải quyết, không cần tranh luận nhiều, anh Nguyễn Bá Thanh tuyên bố chắc nịch: “Tôi đã bỏ thời gian và đến tận nơi để thấy thực tế. Đây là cuộc họp cuối cùng và kết luận cuối cùng giải quyết rốt ráo chứ không có chuyện bàn việc hòa giải chi hết. Bây giờ giải quyết qua loa mai mốt các ông bán nhà cho người khác lại dẫn đến tranh chấp, nếu lúc đó tôi không còn làm Chủ tịch thì những người kế nhiệm lại bỏ thời gian ra để giải quyết tranh chấp à? Nếu lãnh đạo thành phố giải quyết không đúng thì các ông có thể kiện lên tỉnh, ra Trung ương. Thôi bên sai về tự tháo dỡ ngay nhé, không đợi phải dùng đến biện pháp cưỡng chế”.
Nâng cấp đường Phan Thanh với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đầu tiên của thành phố Đà Nẵng. Để lòng dân đồng thuận, anh Nguyễn Bá Thanh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với hàng trăm hộ dân hai bên đường nhiều lần.
Nhiều ý kiến lúc đầu không đồng tình nhưng trước sự giải thích chí nghĩa, chí tình của anh, nhân dân đã đồng thuận. Từ một con đường ở trung tâm thành phố khi mùa mưa đến phải dùng thuyền đi lại, sau khi hoàn thành con đường, nhà cao tầng, hàng quán mọc lên đã thay đổi bộ mặt của phường Thạc Gián, đó là minh chứng sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân.
Từ những buổi đối thoại của đường Phan Thanh, tôi may mắn được tham dự nhiều buổi đối thoại ở rất nhiều công trình như đường Nguyễn Tri Phương, đường Trần Cao Vân, đường Đống Đa, đường Nguyễn Tất Thành, dự án Nissan, dân tự động chiếm đất làm nhà trái phép ở phường Bắc Mỹ An (cũ).
Trong cuộc đối thoại nào cũng vậy, anh Nguyễn Bá Thanh luôn lắng nghe từng ý kiến của người dân. Có những buổi đối thoại quá hơn 23 giờ đêm nhưng vẫn chưa xong. Sau buổi đối thoại, dân còn “chặn” anh ở hành lang hội trường để bắt giải thích tiếp, cho ý kiến tiếp. Một mình anh giữa đám đông nhưng anh rất bình tĩnh và lắng nghe dân nói. Đối thoại tập thể dân chưa thông, anh còn đối thoại ngoài giờ tại nhà riêng. Nhà anh, ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ rất đông người dân đến gặp. Chứng kiến chuyện này tôi xin ý kiến anh để viết bài đăng báo. Anh bảo không được viết, Trung ương không cho tiếp dân tại nhà riêng. Anh Thanh là thế, mặc dù đã có những quy định chung nhưng anh vẫn có những cái “lách” riêng, miễn là “lách” để giải quyết được cái chung, cái lợi cho dân, cho nước.
Đã 35 năm làm báo, qua nhiều đời tiếp xúc với Bí thư và Chủ tịch của địa phương, nhưng chưa bao giờ tôi thấy sự gần dân và dân gần lãnh đạo, biết nhiều đến lãnh đạo như thời anh Nguyễn Bá Thanh. Có lẽ, ở thành phố này, từ anh xe thồ, người bán rau ở chợ đến học sinh các trường không ai không biết đến Nguyễn Bá Thanh.
Ngày anh ốm, điều trị ở nước ngoài, tôi đứng trước cửa chợ chờ đón vợ, đã nghe hai chị bán rau hành hỏi chuyện: “Bà có nghe ông Nguyễn Bá Thanh bị ung thư đang chữa bệnh ở nước ngoài?”; “Ai mà không biết. Cầu mong trời, Phật phù hộ cho ông ấy mau lành bệnh!”. Ngày anh bị bệnh, nhiều chùa, bà con Phật tử tổ chức cầu an cho anh. Khi anh chuyển từ nước ngoài về Bệnh viện Đà Nẵng, nhiều người dân chờ anh từ sân bay về đến bệnh viện.
Nghe báo, đài báo bệnh tình của anh sau những ngày đầu về nước điều trị đã khá hơn, ai cũng mừng, cũng vui. Ấy vậy mà… Nghe anh mất cả thành phố sững sờ, nhiều người đã khóc, khóc như mất một người thân nhất của gia đình. Và đến dự tang lễ anh, đưa tiễn anh về nơi an nghĩ cuối cùng nơi đất mẹ, dòng người đưa tang dài vô tận. Và tôi nhớ cái Tết năm ngoái với Đà Nẵng là một cái Tết buồn…
Một năm ngày mất của anh Nguyễn Bá Thanh, có lẽ thời gian rồi sẽ phôi pha, thế nhưng người dân thành phố Đà Nẵng, mỗi lần đi qua những cây cầu xinh đẹp trên dòng sông Hàn, những con đường rộng mở, sầm uất trên thành phố biển anh hùng này đâu dễ quên anh!
Một năm ngày mất của anh, tôi viết những dòng này thay cho nén hương tưởng nhớ đến một người anh, một người bạn gần gũi, chân thành và đáng kính.
LÊ VĂN HOA