Hàng ngàn mét vuông đất rừng nằm trong quản lý của Chính phủ tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) đã bị chuyển nhượng trái phép, sử dụng sai mục đích để làm nghĩa trang. Chỉ vì lợi nhuận bất chính của người có đất rừng và sự lơ là của chính quyền địa phương đã dẫn tới hàng loạt hệ lụy tiêu cực chồng lên nhau. Điều đáng nói, khi sự việc bị vỡ lở, từ chính quyền xã đến huyện đều không kiên quyết xử lý rốt ráo, dẫn tới vụ việc kéo dài, nguy cơ trở thành “điểm nóng” trên địa bàn.
Hàng ngàn mét vuông đất rừng đã bị người dân tự ý chuyển nhượng trái phép dẫn đến sử dụng sai mục đích. |
Kể từ khi UBND thành phố phê duyệt dự án mở rộng Nghĩa trang Hòa Ninh (giai đoạn 3) để phục vụ nhu cầu di dời, chôn cất mồ mả, người dân trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận đã tìm về khu vực xã Hòa Ninh để tìm mua đất nghĩa trang cho gia tộc. Vì sự cả tin, một số người đã mua nhầm đất nằm ngoài quy hoạch, sử dụng sai mục đích từ những kẻ cơ hội.
Tìm mua đất rừng làm nghĩa trang
Ông L.T.C. (trú quận Hải Châu), vốn người Quảng Nam ra Đà Nẵng làm ăn, sinh sống. Sau khi về hưu, ông bắt đầu lo tìm nơi quy tập mồ mả của ông bà được yên ổn dài lâu cũng như lo cho hậu sự của mình. Trước thông tin Nghĩa trang Hòa Ninh mở rộng giai đoạn 3 đã hoàn thành, ông tìm hiểu và biết có người dân địa phương còn đất bán làm nghĩa trang gia tộc.
“Tôi được biết anh Thảo, người ở thôn này (thôn Mỹ Sơn - PV), có đất bán làm nghĩa trang nên đã về họp con cháu trong nhà, sau đó thống nhất mỗi người gom góp 20-30 triệu đồng đủ để mua 500m2 với giá 250 triệu đồng, bao gồm cả việc san ủi, xây bờ kè. Khu đất này nằm ngay bên cạnh cổng chính dẫn vào nghĩa trang, có vị trí cao ráo, sạch đẹp và lý tưởng cho việc an táng nên gia đình cũng rất yên tâm”, ông C. nói.
Trên thực tế, trước nhu cầu sử dụng đất nghĩa trang làm nơi an táng mồ mả gia tộc, một số người đã không ngần ngại bỏ hàng trăm triệu đồng để mua đất, khoanh vùng.
Lợi dụng điều này, một số người dân có đất rừng nằm ven nghĩa trang đã âm thầm cải tạo đất rừng, tiến hành san ủi, xây kè, phân lô để bán cho người từ các nơi khác tìm đến mua.
Ngay tại khu vực bên trái dẫn vào cổng chính Nghĩa trang Hòa Ninh, một khoảng đồi rộng hàng ngàn mét vuông đã bị san lấp. Ở khu vực phía sau Nghĩa trang Hòa Ninh, một ngọn đồi lớn cũng đã bị san phẳng theo dạng bậc thang. Mỗi bậc rộng hàng trăm mét vuông, đủ để xây dựng 2-3 nghĩa trang gia tộc nếu người mua có nhu cầu.
Giá đất nghĩa trang cao gấp gần 20 lần giá đất rừng
Trong vai người cần mua đất xây dựng nghĩa trang, chúng tôi tiếp xúc với ông T., một người dân địa phương vừa “bạt” một góc ngọn đồi đang trồng keo lá tràm với ý định bán lại cho ai cần mua làm nghĩa trang.
Theo ông T., trước đây, gia đình khó khăn, đất rừng do ông cha để lại, trồng chè rồi keo cũng chẳng được mấy đồng, lại kéo dài quá lâu. Khi Nghĩa trang Hòa Ninh giai đoạn 3 hoàn thành, thấy nhiều người có đất rừng bao quanh nghĩa trang tự ý cải tạo lại và bán cho người khác làm nghĩa trang gia tộc với giá cao nên ông cũng mạnh dạn làm theo.
“Người ta làm được, lại bán giá đất cao ngất ngưỡng nên tôi đã vận động người trong nhà và chạy vạy để có 60-70 triệu đồng thuê máy san ủi 1.500m2 đất trên đồi làm nghĩa trang, chờ bán. Với vị trí đắc địa này, bảo đảm không có chỗ nào đẹp hơn, nếu giao dịch thành công, chắc chắn tôi thu không dưới 500 triệu đồng. Lợi nhuận cao vậy, sao không làm”, ông T. khoe.
Khu đất ông T. vừa cải tạo nằm ở vị trí khá đẹp, tựa lưng vào núi, cao hơn mặt bằng nghĩa trang bên dưới chừng 15m. “Sau khi san ủi xong, nghe đâu xã cấm nên tôi cũng chưa bán được, số tiền cải tạo không biết bao giờ mới hoàn lại”, ông T. nói.
Khu vực đất của ông T. cải tạo như một vệt cắt ngang giữa bạt ngàn cây xanh. Những cơn mưa gần đây đã cuốn theo đất, đá chảy tràn xuống con đường bê-tông dẫn vào sâu bên trong khu nghĩa trang. Nếu việc bán đất rừng làm nghĩa trang bất thành, ông T. không chỉ mất tiền cải tạo, mà còn mất luôn số cây keo lá tràm 2-3 tuổi trên diện tích đã san ủi mà nếu để thêm 1-2 năm tới, bán không dưới 40 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, bình quân mỗi hecta đất rừng khu vực này có giá khoảng 200-300 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đất rừng được chuyển đổi thành đất nghĩa trang sẽ có giá không dưới 400.000 đồng/m2 cao gấp 13-20 lần so với giá trị đất rừng.
Theo tìm hiểu, ông T. chỉ là một trong số những người dân có đất rừng, thấy “người ta bán được, mình cũng làm theo”. Người “tiên phong” chuyển đổi đất rừng thành đất nghĩa trang tại khu vực giáp Nghĩa trang Hòa Ninh là ông Nguyễn Văn Thảo (trú thôn Mỹ Sơn).
Kể từ cuối năm 2014 đến nay, ông Thảo đã cải tạo nguyên một khu vực đất rừng rộng lớn và chuyển nhượng thành công cho nhiều người. Dù đã phát hiện vụ việc cách đây gần 1 năm, nhưng các cấp chính quyền huyện Hòa Vang không kiên quyết xử lý rốt ráo, dẫn tới hệ lụy kéo dài và có nguy cơ diễn biến phức tạp, khó giải quyết dứt điểm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Trí, Chánh Thanh tra huyện Hòa Vang cho biết: “Theo quy chế phát ngôn, hiện vụ việc đang trong giai đoạn điều tra, làm rõ nên chúng tôi chưa thể cung cấp được thông tin gì. Tuy nhiên, về sơ bộ ban đầu, có thể nhận thấy việc ông Thảo chuyển nhượng đất rừng như vậy là sai hoàn toàn”.
TRỌNG HUY - PHAN CHUNG