Chính trị - Xã hội
Giành lại âm thanh cuộc sống
Hãy tưởng tượng nếu bạn không thể chia sẻ cảm xúc, biểu đạt ý tưởng của mình, hoặc không thể tìm tòi và học hỏi những nhận thức mới, do bạn không thể nghe người khác nói và không nói được để biểu thị bạn nghĩ gì, bạn sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Đó là một thực tế đang diễn ra với những em nhỏ bị điếc và khiếm thính, vì các em chưa được tiếp cận với phương tiện và giáo dục cơ bản. Ước mơ muốn thay đổi thực tế ấy, muốn cả thế giới đều nghe được, Quỹ Toàn cầu cho trẻ em khiếm thính (Global Foundation for Children With Hearing Loss) đang giúp cho trẻ em điếc và khiếm thính Việt Nam tiếp cận với các kỹ năng ngôn ngữ và giáo dục thông qua phương pháp thực hành thính giác lời nói.
Các chuyên gia của tổ chức Quỹ Toàn cầu cho trẻ em khiếm thính tặng máy trợ thính cho bé Phương Thùy, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. |
Tìm lại ngôn ngữ cho con
Bỏ việc, ở nhà để hằng ngày đưa con đi học ở trường chuyên biệt, cộng thêm 4 buổi theo con học thêm ở các trung tâm thính học mỗi tuần, chị H. (quận Sơn Trà) có hơn 3 năm đeo đuổi việc chữa trị, giúp con nghe, nói. Những tiết học cá nhân một cô một trò bây giờ có thể giúp con trai chị nghe được lời mẹ nói cách xa khoảng 2 mét và biết dùng từng chữ, câu ngắn.
Con trai chị H. được bác sĩ phát hiện bị viêm tai giữa, chảy mủ bên trong, thính lực của bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bị điếc sâu ở mức 120db, chỉ còn cách đeo máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử. Nhưng đeo máy trợ thính cũng không có tác dụng gì với thằng bé, vợ chồng chị phải bán ngôi nhà ở quê, cộng với số tiền mà đồng nghiệp của chồng chị quyên góp, được hơn 600 triệu đồng mới đủ để cấy ốc tai điện tử một bên tai cho con.
Còn chị Nguyễn Thị Minh Tâm, mẹ bé Lưu Thanh Mai (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) phát hiện con bị điếc bẩm sinh và bắt đầu đeo máy trợ thính cho con khi bé được 21 tháng tuổi. Sau hơn 2 năm đeo máy và học can thiệp sớm ở các tiết cá nhân, nay bé đã có thể nói được những từ đơn giản, nói câu ngắn khoảng 3-4 từ.
Chị Minh Tâm là giáo viên. Chị bảo, vừa đi dạy, vừa sắp xếp thời gian chở con về Trường Chuyên biệt Tương Lai học nói, là quãng thời gian hai mẹ con phải kiên trì, nỗ lực rất nhiều. Ngày nắng cũng như ngày mưa, hai mẹ con phải vượt qua đoạn đường gần ba chục cây số cả đi và về, trong khi tiết học chỉ kéo dài một tiếng đồng hồ.
Con học, mẹ cũng học. Về nhà, chị lặp lại tất cả những thông tin bài học cô đã dạy, nhắc lại cho con những khi rảnh, khi ăn cơm, trước giờ đi ngủ. Niềm an ủi lớn nhất của chị là thấy con tiến bộ lên từng ngày, có thể nghe và hiểu mẹ nói gì, dù mức độ diễn đạt của bé còn hạn chế.
Theo các chuyên gia thính lực, phụ huynh của những em bé bị khiếm thính khi cho con học theo phương pháp trị liệu ngôn ngữ sẽ quyết định 60-70% sự thành công của việc học; cô giáo là người hướng dẫn phương pháp để phụ huynh thực hiện. “Nếu phụ huynh đẩy mạnh việc dạy con học nghe, nói thì chỉ mất khoảng 2-3 năm là trẻ có thể nói chuyện được. Nếu phụ huynh làm chậm, không hợp tác tốt sẽ mất nhiều thời gian hơn”, cô Niocle Duncan của Quỹ Toàn cầu cho trẻ em khiếm thính, nhấn mạnh.
Muốn cả thế giới đều nghe được
Ở Đà Nẵng hiện có một số trung tâm thính học, khoa phục hồi chức năng của bệnh viện, trường chuyên biệt tiến hành can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính bằng phương pháp thực hành thính giác lời nói (phát triển trị liệu ngôn ngữ cho trẻ em sau khi mang máy trợ thính và cấy ốc tai điện tử).
Phương pháp này được triển khai ở Việt Nam khoảng hơn 5 năm nên không phải bậc cha mẹ nào có con bị khiếm thính cũng biết đến. Trước đây, hầu hết các em bị khiếm thính đều phải học bằng phương pháp ký hiệu, hoặc nhìn miệng đoán từ.
Người đưa phương pháp trị liệu ngôn ngữ đến Việt Nam và phát triển nó không ngừng nhiều năm qua là cô Paige Stringer, người sáng lập và là Giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu cho trẻ em khiếm thính. Cô Paige bị điếc bẩm sinh với mức 90 db, được phát hiện sớm và đeo máy trợ thính từ khi 11 tháng tuổi.
Cô tâm sự: “Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã được sử dụng các thiết bị trợ thính khuếch đại âm thanh, và được tiếp cận với tất cả các hỗ trợ chuyên môn cần thiết cho sự phát triển khả năng ngôn ngữ của mình. Suốt cuộc đời học tập của mình, tôi được đi học tại các trường thông thường, hòa nhập cùng các bạn có thính lực tốt. Tôi sinh ra đã bị khiếm thính nhưng tôi vẫn đang nói chuyện bằng chính giọng nói và nghe bằng chính đôi tai của mình”.
Quỹ Toàn cầu cho trẻ em khiếm thính ra đời sau một lần Paige Stringer tới thăm các nước Đông Nam Á vào năm 2008. Paige nhận ra sự hạn chế trong công tác đào tạo giáo viên, sự thiếu thốn các thiết bị trợ thính chất lượng và sự thiếu hiểu biết chung về khiếm thính đã và đang ảnh hưởng to lớn tới hàng ngàn trẻ em không may bị điếc và khiếm thính. Năm 2010, Paige Stringer bắt đầu hỗ trợ Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, tỉnh Bình Dương dạy nghe-nói cho trẻ dưới 6 tuổi, đây là lứa tuổi phát triển ngôn ngữ mạnh nhất của trẻ.
Mùa hè năm 2010, 10 chuyên gia về thính học, bệnh lý ngôn ngữ, giáo dục về nghe - nói và can thiệp sớm từ Mỹ tới Bình Dương, tổ chức tập huấn cho 85 giáo viên đến từ 34 trường, trung tâm giáo dục đặc biệt ở miền Nam. Những năm sau, lượng giáo viên được mở rộng ra đến Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, học tập tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP. Hồ Chí Minh. Tháng 11-2015, các chuyên gia của tổ chức này lần đầu tiên phối hợp với Trường Chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng tập huấn cho 32 giáo viên của các trường chuyên biệt, kỹ thuật viên thính học các tỉnh miền Trung.
Paige Stringer cho biết, 90% trong tổng số 65 chuyên gia của Quỹ Toàn cầu cho trẻ em khiếm thính đã đến Việt Nam hơn 1 lần trong việc tập huấn, huấn luyện giáo viên cũng như phụ huynh trong những năm qua. Số liệu điều tra của tổ chức này 5 năm trước cho biết có khoảng 180.000 trẻ em (dưới 18 tuổi) điếc và khiếm thính tại Việt Nam.
Con số này sẽ tiếp tục tăng vì việc khám và tìm ra các em bị mất thính lực đang ngày càng phổ biến và được tiến hành sớm hơn. Ước chừng hiện nay có 3-5% người dân Việt Nam có liên quan đến khiếm thính; hơn 62 triệu trẻ em dưới 15 tuổi trên toàn thế giới (2/3 trong số đó cư trú ở các nước đang phát triển) bị khiếm thính.
Bởi sự hiểu biết của xã hội đối với người bị khiếm thính còn nhiều hạn chế, thậm chí nhiều gia đình chỉ nghĩ việc học bằng cử chỉ, dấu hiệu với con/em mình khi bị điếc là đủ, nên việc phát hiện sớm trẻ bị khiếm thính + đeo máy trợ thính phù hợp + được can thiệp sớm thông qua giáo viên và phụ huynh là 3 điều kiện tiên quyết để các em tìm lại âm thanh cuộc sống. Cô Paige Stringer cho biết, chỉ có khoảng 10% trẻ em bị điếc trên toàn thế giới được tiếp cận với giáo dục: “Tôi bị thôi thúc bởi mong muốn được giúp đỡ các em, cho các em được tiếp cận với ít nhất một vài trong số những nguồn lực và sự giáo dục mà tôi đã may mắn có được”.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng điếc ở trẻ em chưa được báo cáo đầy đủ và rất đa dạng. Tuy nhiên các chuyên gia y tế đã nêu lên một vài nguyên nhân căn bản: tình trạng chăm sóc y tế trước khi sinh còn kém, thiếu sự phòng ngừa, nhiễm độc ototoxic và nhiễm trùng tai giữa mạn tính. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng thông qua chích ngừa bệnh Rubela, nhận dạng sớm và chương trình can thiệp sớm, tiếp cận với các thiết bị trợ thính, điều trị y tế, và một số cách thức khác, hơn 50% trường hợp khiếm thính ở các nước đang phát triển có thể giảm bớt hoặc loại bỏ. |
Bài và ảnh: Hoàng Nhung