Chính trị - Xã hội

Lòng bao dung vượt qua thù hận

08:18, 09/04/2016 (GMT+7)

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, thăm lại chiến trường xưa, những cựu chiến binh Mỹ (thành viên tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ (Veterans for Peace - VFP) rưng rưng xúc động trước tình cảm của những cựu chiến binh Việt Nam và cả những trẻ em mang trong mình chất độc da cam đang sống ở Đà Nẵng.

Chính tình cảm đó làm họ không thôi day dứt với lỗi lầm trong quá khứ và luôn tự hỏi “tại sao người Việt Nam hôm nay vẫn thân thiện với người Mỹ như những người bạn khi họ đã từng đứng ở hai bên chiến tuyến”.

Bà Jackie Hider (bìa phải) và cựu chiến binh Mỹ hỏi thăm sức khỏe các con ông Lê Văn Dấn khi đến thăm gia đình ông.           Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Bà Jackie Hider (bìa phải) và cựu chiến binh Mỹ hỏi thăm sức khỏe các con ông Lê Văn Dấn khi đến thăm gia đình ông. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

“Xin tha thứ cho sự hiếu thắng”

Trước mặt tôi là ông John Koehler (ở 3016 East Lourdes Dr., Appleton, Mỹ) với mái tóc pha sương và đôi mắt trầm buồn. Một phần tuổi xuân của ông đã chôn vùi trong cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm 1969-1972. Vào những ngày hè đỏ lửa năm 1972, tròn 20 tuổi, ông John là lính thủy đánh bộ của quân đội Mỹ tham chiến tại Đà Nẵng.

Chiến tranh khốc liệt đến nỗi ông chưa bao giờ nghĩ mình có cơ hội trở lại Việt Nam lần nữa. Trước khi trở lại Việt Nam sau hơn 44 năm, ông cứ nghĩ những đau thương, mất mát mà người Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam là sự tổn thương lớn không thể nào tha thứ. Nhưng khi trở lại Việt Nam, ông được chào đón thân thiện và cởi mở.

Hầu hết những người trong đoàn là cựu chiến binh Mỹ, trở lại Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc, trong đó có cả những người từng tham gia biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ. Không chỉ ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của đất nước Việt Nam mà họ còn xúc động và ngạc nhiên trước tấm lòng đôn hậu, mến khách của người Đà Nẵng nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Vì lẽ đó, ông John Koehler cứ không khỏi thắc mắc trước câu hỏi “Việt Nam đã làm gì để có được sự thay da đổi thịt như hôm nay?”. Ngay cả ông Chuck Searcy, Phó Chủ tịch VFP tại Việt Nam (ở 72 Trần Quốc Toản, Hà Nội) cũng thừa nhận điều đó tại buổi tọa đàm “Quan hệ Việt - Mỹ: Bài học từ quá khứ và hướng tới tương lai” diễn ra ngày 24-3 vừa qua tại Đà Nẵng khi ông đề nghị: “Các bạn Việt Nam hãy giải thích giúp đoàn, tại sao cuộc chiến tranh đã cướp đi hơn 3 triệu người Việt và đẩy người dân rơi vào hoàn cảnh khốn khó nhưng người Việt Nam hôm nay không ghét người Mỹ mà vẫn thân thiện với người Mỹ. Chúng tôi muốn nghe câu trả lời trực tiếp từ phía các bạn!”.

Còn bà Painter Marla (ở 506 Valley High SW, Albuquerque) lặng lẽ chăm chú lắng nghe và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi các cựu chiến binh Việt Nam kể về những khó khăn và nỗ lực khắc phục hậu quả sau chiến tranh.

Bà Painter Marla là vợ ông Rudd Mark William, nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ nên hơn ai hết bà hiểu rõ những mất mát và đau thương mà người dân Việt Nam phải gánh chịu.

Đặc biệt, từng tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam và là nhà khoa học môi trường nên bà rất quan tâm, lo lắng cho sức khỏe người dân do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. “Môi trường gắn với sức khỏe của con người và chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn khi các bạn đối mặt với hậu quả tồn đọng của chiến tranh. Tôi rất trân trọng tấm lòng của các bạn dành cho chúng tôi. Xin tha thứ cho sự hiếu thắng của người Mỹ. Chúng tôi rất trân trọng những gì các bạn đã làm và trải qua để có được Việt Nam như ngày hôm nay”, bà Painter Marla xúc động nói.

Bà Painter Marla ân cần hỏi thăm mẹ của em Nguyễn Thị Hậu về tình trạng sức khỏe của em.
Bà Painter Marla ân cần hỏi thăm mẹ của em Nguyễn Thị Hậu về tình trạng sức khỏe của em.

Tạm biệt những em bé “Many Goodbyes”

Những cái chắp tay cúi mặt trước những nạn nhân chất độc da cam/dioxin luôn là hình ảnh gây xúc động mạnh đối với tôi khi các cựu chiến binh Mỹ đến thăm cơ sở 3 Trung tâm chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam (gọi tắt là Trung tâm) và một số gia đình nhiễm chất độc da cam ở thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Với ánh mắt đầy trìu mến, bà Painter Marla nắm chặt đôi tay người mẹ tiều tụy, bất lực trước căn bệnh do chất độc da cam mang đến cho con mình là em Nguyễn Thị Hậu đang nằm thoi thóp trên giường hơn 28 năm qua. Bà Marla ân cần hỏi thăm tình trạng của em Hậu và cuộc sống của gia đình.

Còn bà Jackie Hider (ở San Diego) một tay bồng một đứa trẻ, tay kia nắm chặt lấy tay các em nạn nhân chất độc da cam cùng hòa nhịp ca hát, nhảy múa hồn nhiên như trẻ thơ. Một cảm xúc ấm áp, yêu thương tràn ngập trong không gian đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, xoa dịu nỗi đau đang hiện hữu trên những thân hình ốm yếu, bệnh tật.

Bà Jackie Hider cho rằng, điều trước tiên có thể làm để xoa dịu nỗi đau cho các em là cần có những phương pháp, chương trình, dự án giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả nhất. Đó cũng là điều mà bà đặc biệt quan tâm trong buổi tọa đàm với các cựu chiến binh Việt Nam tại Đà Nẵng.

Riêng ông David M.Anderson (ở 750 Larkspur Lane, Unit 4101, Brentwood) tâm sự rằng, ông rất yêu trẻ con. Nhìn cái nạng dưới chân mình, ông David xúc động kể: “Tôi tham chiến ở Việt Nam từ năm 1968-1969. Chiến tranh đã làm tôi bị thương cột sống nên bây giờ tôi phải đi lại bằng xe đạp để đỡ đau lưng”.

Sau khi giao lưu với các em ở Trung tâm, dù thấm mệt nhưng ông David vẫn cố gắng theo đoàn vượt lên con dốc cao để vào tận nhà thăm gia đình ông Lê Văn Dấn. Ông cứ nhắc đi nhắc lại rằng: “Tôi rất yêu Việt Nam và tôi sẽ trở lại nhiều lần trong thời gian tới”. Trước ánh mắt chân thành của David, tôi tin ông nói thật lòng, bởi đã có một cựu chiến binh Mỹ (thành viên của VFP) đến thăm Việt Nam, mang cây xương rồng về trồng trên đất Mỹ và sau đó chiết cành đem về trồng lại tại cơ sở 3 Trung tâm chăm sóc trẻ em chất độc da cam ở xã Hòa Nhơn như để ghi dấu sự trở lại của mình.

Hôm đó, tôi thấy ông David và nhiều cựu chiến binh Mỹ cứ đứng tần ngần trước cây xương rồng rồi chụp nhiều bức ảnh ở những góc cạnh khác nhau như muốn lưu giữ một biểu tượng đẹp của tình hữu nghị Việt - Mỹ.

Tạm biệt trung tâm, tạm biệt những em bé nhiễm chất độc da cam với những lời “goodbye, goodbye…” cứ vang mãi trên đôi môi ngọng ngịu. Vừa ngoái đầu nhìn lại, vẫy tay quyến luyến không muốn rời, bà Painter Marla xúc động gọi các em bằng cái tên trìu mến “the name Many Goodbyes” (tên Nhiều Tạm biệt - PV).

Đoàn cựu chiến binh Mỹ lên xe rời xã Hòa Nhơn lúc mặt trời đã ngả bóng sau ngọn tre đầu làng nhưng trong lòng họ vẫn mang theo tình cảm ấm áp của những cựu chiến binh Việt Nam và những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Trên xe, họ không ngừng chia sẻ cho nhau xem những tấm hình của những em bé bị nhiễm chất độc da cam trong điện thoại. Và tôi chợt thấy ấm lòng hơn khi nhớ đến những lời nói chân tình của ông Chuck Searcy: “Dĩ nhiên, chúng ta không thể nào quên quá khứ, nhưng tôi rất trân trọng việc các bạn gác lại những vấn đề đó để cùng chúng tôi nhìn về tương lai và tiếp tục hợp tác để người Việt Nam có cuộc sống tốt hơn”.

* Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng: Góp tiếng nói kêu gọi giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Trong hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng, có 1.229 cựu chiến binh bị ảnh hưởng chất độc da cam và 292 con em của họ bị phơi nhiễm chất độc này. Tiếng nói của các bạn (cựu chiến binh Mỹ - PV) rất khách quan khi tuyên truyền về nỗi đau của chất độc da cam. Sự giúp đỡ tuyên truyền của các bạn đã tạo nên tiếng vang lớn và chúng tôi đã được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hỗ trợ xây dựng Trung tâm.

Tổ chức cựu chiến binh Mỹ cũng đã hỗ trợ chúng tôi một số dụng cụ như máy làm hương, máy may, hỗ trợ vốn xây nhà tình thương, nuôi bò, nuôi heo... Điều tôi trăn trở nhất là những gia đình có 3-4 em là nạn nhân chất độc da cam, bố mất còn lại mẹ già và sau này mẹ mất thì ai sẽ chăm sóc những đứa con. Một trong những nỗi đau lớn nhất của đất nước tôi sau chiến tranh là nhiễm chất độc da cam. Tôi mong các bạn đóng góp tiếng nói kêu gọi cộng đồng giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam.

* Ông Huỳnh Đức Trường, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng: Thúc đẩy hàn gắn vết thương chiến tranh

Hoạt động của tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ (VFP) những năm gần đây luôn được đánh giá cao bởi những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy hàn gắn vết thương chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với VFP Chi nhánh 160 tại Việt Nam và Trung ương Hội Việt - Mỹ để triển khai các hoạt động tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới. Đồng thời, thông qua đoàn VFP của Mỹ, kêu gọi chính phủ, tổ chức và nhân dân tiến bộ Mỹ chung tay cùng nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Đà Nẵng nói riêng khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường hòa giải giữa hai dân tộc và tiếp tục vun đắp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Mỹ.

ĐOÀN LƯƠNG

.