Chính trị - Xã hội

Tổ chức Đảng đồng hành với đổi mới của doanh nghiệp

08:02, 01/04/2016 (GMT+7)

“Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) không còn là việc làm mới mẻ nhưng cái khó là làm thế nào hỗ trợ DN về vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ trong những lúc khó khăn nhất để phát triển ổn định”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh khi chủ trì Hội thảo “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và đồng hành cùng DN”, do Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố tổ chức ngày 31-3.

Tạo cơ hội liên kết, hợp tác

Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Phạm Nhật Phi cho biết, để đồng hành với DN, Đảng ủy khối thường xuyên xúc tiến, tạo vai trò cầu nối. Bằng cách làm đó, năm 2014 đến nay, Đảng ủy khối đã tạo cơ hội để DN tham gia ký kết 9 hợp đồng kinh tế với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng.

Công tác theo dõi, đánh giá thực trạng của DN; phản ánh những khó khăn, vướng mắc lên cấp trên được duy trì thường xuyên, giúp thành phố có những điều chỉnh về chính sách để thúc đẩy sự lớn mạnh của DN. Với những nỗ lực đó, từ năm 2013 đến nay, không có DN trực thuộc Đảng ủy khối đóng cửa vì làm ăn thua lỗ.

Tuy vậy, các hoạt động đó mới chỉ là những nỗ lực đơn lẻ, chưa tạo hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng DN. “Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh cổ phần hóa DN, nhất là trong tiến trình hội nhập các hiệp định thương mại khu vực như: FTA, TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN… đặt ra nhiều thách thức đối với DN trong nước. Do vậy, tổ chức Đảng không thể đứng ngoài sự phát triển và tồn tại của DN”, ông Phạm Nhật Phi nhấn mạnh.

Xu hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sản xuất cùng phát triển trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều DN hiện nay. Vì vậy, DN Đà Nẵng tích cực ký kết hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn. Theo đại diện Sở Công thương thành phố, trong hai năm 2014-2015, toàn thành phố có 58 biên bản ghi nhớ giữa các DN được ký kết.

Trong đó, 42 biên bản được triển khai trên thực tế với tổng giá trị hơn 300 tỷ đồng. Tuy vậy, sự liên kết chủ yếu ở DN sản xuất và thương mại. Số lượng kết nối giữa các DN sản xuất với nhau còn ít. Trong khi đó, Đà Nẵng đang thiếu DN sản xuất các sản phẩm phụ trợ cung ứng cho các DN nước ngoài. Vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng và chính quyền để tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.

Tổ chức Đảng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới

Một số ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh đến vai trò của tổ chức Đảng trong hoạt động của DN, nhất là DN ngoài khu vực Nhà nước. Bà Lê Thị Thu Diệp, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Du lịch và thương mại Phú An Thịnh (chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Pullman Danangbeach Resort) chia sẻ, DN có đối tác làm ăn nước ngoài nên ban đầu không ủng hộ thành lập tổ chức Đảng vì cho rằng không thuận lợi cho phát triển.

Tuy nhiên, bằng việc tuyên truyền ý nghĩa, vai trò của tổ chức Đảng đối với DN, đến nay, Chi bộ công ty đã thành lập và hoạt động rất hiệu quả. “Phía đối tác hoàn toàn yên tâm với sự có mặt và hoạt động của tổ chức chính trị tại DN. Thậm chí, nhiều chủ trương, kế hoạch lớn của công ty, đối tác chủ động đề nghị thông báo cho chi bộ biết để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ”, bà Thu Diệp thông tin thêm.

Phó Bí thư Đảng bộ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt-may 29-3 Trần Xuân Hòe cho biết, DN đã tạo ra sự phát triển và tăng trưởng rất ấn tượng sau khi cổ phần hóa từ năm 2007. Trong đó, vai trò của tổ chức Đảng ngày càng thể hiện rõ hơn trong xây dựng các mục tiêu chiến lược để phát triển công ty.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của một số tổ chức Đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước chưa thật sự hiệu quả. Mục tiêu, định hướng hoạt động của tổ chức Đảng chưa đồng điệu với hoạt động sản xuất của DN.

Đây cũng là lý do khiến nhiều DN chưa mặn mà với việc thành lập tổ chức Đảng. Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng phải tuyên truyền mạnh hơn, đừng để lãnh đạo DN nhận thức sai lệch rằng tổ chức Đảng, đoàn thể là một “gánh nặng” đối với DN, mà phải làm cho DN thực sự gắn bó với tổ chức Đảng; thấy việc thành lập và phát triển tổ chức Đảng là một nhu cầu tự thân, tự nhiên, một thành phần không thể thiếu, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với DN.  

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, hỗ trợ DN là phải tạo ra lợi ích vật chất cụ thể cho DN. Đây là cơ sở thực tiễn để thành phố tiếp tục nghiên cứu, đưa ra chính sách đúng đắn, phù hợp để phát triển cộng đồng DN vững mạnh.

Vai trò giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng ủy khối và bản thân các tổ chức Đảng trong các DN phải sâu sát, trách nhiệm hơn nữa để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng chỉ đạo, trong cách làm phải có chương trình cụ thể, phân công rõ ràng, ai sẽ là người tiên phong đổi mới, mạnh dạn liên kết hợp tác đầu tư; DN nào thay đổi công nghệ... để tạo ra giá trị tăng trưởng cao hơn nữa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

VIỆT DŨNG

.