.

Vụ "Rừng Trung Sơn bị tàn phá": Người dân lo lắng

.

Ngày 6-4, phóng viên Báo Đà Nẵng trở lại thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), nơi xảy ra tình trạng chặt, đốt cây rừng, xây mộ giả đón đầu dự án. Điều dễ nhận thấy, là người dân nơi đây đang thấp thỏm, lo lắng về cuộc sống của họ cũng như cánh rừng nguyên sinh đã tồn tại trên 300 năm.

Người dân thôn Trung Sơn đề nghị việc triển khai dự án phải hài hòa, đảm bảo lợi ích nhiều bên, đặc biệt là nguyên trạng các khu di tích.
Người dân thôn Trung Sơn đề nghị việc triển khai dự án phải hài hòa, đảm bảo lợi ích nhiều bên, đặc biệt là nguyên trạng các khu di tích.

Bảo đảm lợi ích các bên

Ông Dương Phú Giọng, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Trung Sơn cho biết, người dân trong làng bao đời nay đều tự nguyện giữ rừng, xem cây rừng như máu thịt của mình nên để xảy ra tình trạng chặt phá cây rừng như thời gian qua, ai cũng bức xúc.

“Có thể một vài người vì hám lợi mà xây mộ giả, họ chỉ dám làm trên bãi đất trống, không đời nào dám chặt cây vì nếu bị dân làng phát hiện thì sẽ xử lý theo quy định của làng”, ông Giọng cho biết. Ông Giọng cũng đề nghị chính quyền các cấp sớm vào cuộc điều tra, làm rõ những đối tượng này, đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật, làm rõ động cơ, chặt cây phá rừng để xây mộ giả chờ giải tỏa trục lợi hay là vì lý do nào khác.

Theo tìm hiểu, những ngày gần đây, khi UBND thành phố công bố quy hoạch khu di tích đồi Trung Sơn, tâm trạng của người dân địa phương rất hoang mang vì nhiều lý do. Ông Võ Chí Thanh, trưởng thôn Trung Sơn cho biết, người dân ủng hộ chủ trương chung của thành phố nhưng phải làm thế nào để hài hòa, bảo đảm lợi ích của nhiều bên, đó chính là quyền lợi chính đáng của người dân, giá trị các di tích được bảo tồn, hiệu quả đầu tư của thành phố.

“Từ năm 2004, thôn Trung Sơn đến nay nằm trong quy hoạch dự án 3 lần. Có dự án đến giờ vẫn còn “treo”. Hơn 10 năm sống trong vùng dự án “treo”, chúng tôi không sản xuất được, nguồn nước bị ô nhiễm, đất đai cũng không tách thửa cho con cái được.

Nay có thêm một dự án mới, chúng tôi có quyền hoài nghi về tính khả thi, chưa kể trách nhiệm của chủ đầu tư đối với dự án. Hơn nữa, việc triển khai có phá vỡ những giá trị của khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi cùng những di tích trên đó hay không cũng là một vấn đề phải quan tâm”, ông Thanh băn khoăn.

Trong số 42 hộ dân phải giải tỏa, di dời để thực hiện dự án, ông Mai Tấn Dân cũng đề nghị thành phố nên xem xét việc bố trí tái định cư vì phương án chuyển 42 hộ dân này đến khu tái định cư Hòa Liên 5 là không hợp lý. “Rừng Trung Sơn không những là di tích lịch sử mà còn là chốn tâm linh, chỗ dựa tinh thần của bà con thôn Trung Sơn.

Nay nếu phải giải tỏa, đề nghị thành phố bố trí cho người dân ở khu vực lân cận, tiện lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của bà con”, ông Dân nêu ý kiến.

Giữ nguyên trạng di tích

Đầu tháng 3-2016, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1144 về việc phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết khu di tích đồi Trung Sơn. Theo đó, diện tích quy hoạch của dự án rộng 122.988m2, bao gồm các hạng mục đình làng hiện trạng (0,79% diện tích), nhà bia và di tích đồi Trung Sơn (6,27%), cây xanh vườn dạo (87,64%), miếu xóm trại và Âm linh Vân Dương (0,985) và bãi đỗ xe (4,32%).

Theo đó, toàn bộ cây xanh có giá trị trong rừng sẽ được cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, đánh dấu, đồng thời giữ lại những cây xanh có giá trị. Ngoài ra, các hạng mục kiến trúc khác như đình làng, giếng cổ, nghĩa trũng, miếu bà, âm linh... sẽ được giữ và tôn tạo lại.

Theo thông tin từ Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án huyện Hòa Vang, đến thời điểm hiện nay, việc đo đạc vẫn chưa thực hiện được bởi 2 lần quay phim, chụp ảnh hiện trạng khu vực này đều bị người dân phản đối, ngăn cản.

Trước đó, tại cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về việc tổng hợp ý kiến liên quan đến việc xây dựng khu di tích đồi Trung Sơn diễn ra vào ngày 3-11-2015, UBND huyện Hòa Vang đã gửi văn bản đến UBND thành phố.

Theo đó, việc triển khai dự án để phục chế các di tích lịch sử tồn tại trong các cuộc kháng chiến của dân tộc là cần thiết, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau, đồng thời kết hợp phát triển du lịch. Huyện Hòa Vang cũng đề nghị trong quá trình xây dựng, tôn tạo di tích không được lợi dụng để khai thác cát trắng, phải giữ nguyên hiện trạng khu rừng hiện có.

Ngày 6-4, UBND huyện Hòa Vang cho biết sẽ sớm có báo cáo gửi UBND thành phố về những vấn đề liên quan đến dự án khu di tích đồi Trung Sơn. Theo UBND huyện Hòa Vang, dự án không chỉ ảnh hưởng đến 42 hộ dân phải giải tỏa mà cả 187 hộ dân trong thôn đều quan tâm vì liên quan đến rừng Trung Sơn.

Huyện Hòa Vang cũng đề nghị thành phố nghiên cứu phương án giữ nguyên những bia mộ của các bậc tiền hiền trong khu quy hoạch, tiến hành bố trí tái định cư tại chỗ, đồng thời yêu cầu những đơn vị liên quan phải cam kết trách nhiệm thực hiện dự án, tránh tình trạng thi công nửa vời, triển khai ì ạch.

Tăng cường lực lượng

Ngày 6-4, ông Trần Đải, Trưởng Công an Xã Hòa Liên, cho biết sau khi phát hiện một số đối tượng lợi dụng chặt, đốt cây rừng, lập mộ giả, đơn vị đã thành lập tổ công tác đặc biệt, túc trực thường xuyên tại khu vực thôn Trung Sơn để chấn chỉnh, kiểm tra và ngăn ngừa phát sinh điểm “nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn.

Trường hợp có những luồng tư tưởng trái chiều, sẽ tiếp cận vận động người dân, đồng thời tham mưu cho cấp trên có hướng xử lý, bảo đảm không để xảy ra sai sót. Về tình trạng khai thác cát trộm, cuối năm 2015, lực lượng công an phát hiện và xử lý một trường hợp.

“Đến nay chưa phát hiện thêm, chúng tôi đang tăng cường kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là lực lượng công an xã quá mỏng, trong khi địa bàn xã Hòa Liên rộng, có nhiều dự án triển khai, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, rất khó quản lý. Vì thế, rất cần lực lượng chức năng tăng cường hỗ trợ cho lực lượng địa phương để bảo đảm yên ổn tại địa bàn”, ông Đải nói.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG - TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.