.

Chú trọng an sinh xã hội và môi trường

.

Trong 5 năm qua, với sự nỗ lực của địa phương và hỗ trợ từ các ngành, đơn vị của thành phố, công tác an sinh xã hội ở huyện Hòa Vang được thực hiện bài bản, đem lại hiệu quả cao như hộ nghèo giảm mạnh, người lao động có việc làm, môi trường từng bước được cải thiện rõ nét…

Nhiều cơ quan, đơn vị  của thành phố chung tay hỗ trợ Hòa Vang xây dựng nông thôn mới. TRONG ẢNH: Hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn.				   	     Ảnh: V.D
Nhiều cơ quan, đơn vị của thành phố chung tay hỗ trợ Hòa Vang xây dựng nông thôn mới. TRONG ẢNH: Hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: V.D

Chú trọng công tác an sinh xã hội

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo được Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang đặc biệt quan tâm, chú trọng, thực hiện bằng nhiều giải pháp; trong đó đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy bằng nhiều giải pháp như tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, giáo dục, y tế, chính sách dân tộc miền núi…

Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện đặc biệt chú trọng đến công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề. Trong 5 năm qua, toàn huyện giải quyết việc làm cho 12.607 lượt người lao động, đào tạo nghề cho hơn 15.300 người.

Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư, nông, lâm, thủy sản, các hội, đoàn thể, Trung tâm Học tập cộng đồng… tập huấn, hướng dẫn nghề, chuyển giao công nghệ, truyền nghề theo hình thức vừa học vừa làm hoặc doanh nghiệp tiếp nhận vào đào tạo, dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng. Đã có gần 10.000 lao động được tham gia đào tạo, truyền nghề.

Các ngành nghề tập trung đào tạo, hướng dẫn chủ yếu có liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản để phục vụ trực tiếp cho người lao động trong giải quyết việc làm tại chỗ, phát triển các mô hình kinh tế nông thôn. Các doanh nghiệp cũng đã tuyển dụng để đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động theo các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố. Tính đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn huyện Hòa Vang đạt 95,64%...

Người dân có việc làm đồng nghĩa với việc giảm nghèo. Với nguồn huy động giảm nghèo hơn 200 tỷ đồng, từ năm 2010 đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Hòa Vang giảm từ 5.006 hộ xuống còn 1.446 hộ theo chuẩn mới vùng nông thôn. Bên cạnh đó, huyện đã huy động các nguồn lực xóa được 289 nhà tạm với số tiền hơn 9,2 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới 173 nhà chính sách với kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng; sửa chữa 1.317 nhà, kinh phí hơn 24 tỷ đồng; sửa chữa và xây mới cho 136 nhà của đồng bào dân tộc với kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng; xây mới 11 nhà, sửa chữa 233 nhà tránh bão, lũ cho hộ nghèo theo Quyết định 48/2014 của Thủ tướng Chính phủ số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.

Môi trường ngày càng cải thiện

Môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, ngay từ khi thực hiện chương trình, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xây dựng kế hoạch hằng năm, đưa ra nhiều chương trình, đề án phù hợp; đồng thời từng bước hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ UBND các xã thực hiện nội dung của các chỉ tiêu đề ra trong đề án thu gom rác thải trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2015; mô hình thôn không rác; mở các lớp tập huấn triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh các hoạt động phong trào Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp; xử lý các điểm nóng môi trường; trồng và chăm sóc cây xanh… Cùng với đó, đẩy mạnh việc thực hiện đề án Xây dựng “Hòa Vang - Huyện môi trường”, từng bước xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường.

 Theo ông Nguyễn Tấn Khoa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, công tác thu gom và xử lý rác thải được quản lý tốt, từng bước nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của cộng đồng; nước thải ở cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng và cơ sở sản xuất đã đấu nối với hệ thống xử lý nước thải chung của khu công nghiệp Hòa Khánh; nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý nước thải, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường; một số trang trại chăn nuôi, chăn nuôi hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng hầm biogas, đệm lót sinh học hoặc bể phốt để xử lý phân, nước thải...

Đến nay, toàn huyện đã có hơn 90% chất thải rắn được thu gom ở 3 xã đồng bằng; các xã còn lại đạt từ 70% chất thải rắn thu gom và xử lý hợp vệ sinh; lượng rác tái chế đạt 10%; số dân sử dụng nước sạch sinh hoạt đảm bảo vệ sinh đạt 99,98%; 99% số hộ có hố xí hợp vệ sinh; tiếng ồn, nước thải, khí thải và thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường đạt 70%. Ngoài ra, đã tiến hành thành lập 34 câu lạc bộ môi trường; 11/11 xã đã thành lập Đội thanh niên tình nguyện môi trường, 82 thôn trên địa bàn huyện triển khai thực hiện mô hình “Thôn không rác”, 80 đoạn đường xanh - sạch - đẹp trong khu dân cư đăng ký và đã trồng hơn 71.600 cây xanh các loại trên các tuyến đường, phủ xanh đồi trọc gần 14.000ha...”.

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.