.

Kiểm soát chặt chẽ môi trường biển

.

Vụ cá chết trên vùng biển miền Trung đang là mối quan tâm của người dân. Chính quyền Đà Nẵng đã có những động thái kịp thời và hiệu quả, trong đó có việc công bố ngay mức an toàn nước biển; gặp gỡ, trò chuyện với ngư dân, tiểu thương; tổ chức các hoạt động đánh bắt, thu mua, kinh doanh cá biển; tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân tiếp tục đánh bắt và tiêu thụ cá biển hiệu quả; đối thoại trực tuyến về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)…

Các điểm bán cá sạch được mở tại các chợ vừa giúp người dân yên tâm mua cá biển vừa bình ổn thị trường.                                                                             Ảnh: THỤY BẤT NHI
Các điểm bán cá sạch được mở tại các chợ vừa giúp người dân yên tâm mua cá biển vừa bình ổn thị trường. Ảnh: THỤY BẤT NHI

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng (ảnh) cho biết:  

- Thành phố đã triển khai xử lý tình hình rất kịp thời và hiệu quả. Toàn bộ guồng máy hành chính đều nhập cuộc ngay từ đầu và rất trách nhiệm. Kể cả các lãnh đạo cao nhất cũng tham gia, như tắm biển, cùng ăn cá tươi do ngư dân đánh bắt. Dù đây là hoạt động thường xuyên nhưng những động thái này đã tạo được niềm tin của người dân, hạn chế những tin đồn làm tiêu cực hóa tình hình.

Chúng tôi đang kiểm soát, tổ chức các hoạt động đánh bắt, thu mua, kinh doanh cá biển trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân tiếp tục khai thác, đánh bắt và tiêu thụ cá biển hiệu quả.

* Những biện pháp hỗ trợ, kiểm soát đã được triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Cơ bản nhất là tinh thần chủ động của lãnh đạo thành phố, qua đó định hướng các hoạt động nhất quán và chặt chẽ. Ngay từ đầu, khi vừa có thông tin cá chết trôi dạt vào bờ biển, thành phố đã yêu cầu tăng cường kiểm soát ngư trường, kiểm soát thủy hải sản đánh bắt về. Việc lấy mẫu nước biển tại các bãi tắm, quan trắc sinh vật biển được thành phố chỉ đạo làm ngay. Nhờ thế, chúng ta kịp công bố ngay mức độ an toàn của nước biển Đà Nẵng, trấn an dư luận.

Tiếp đó, Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP cũng được tái lập, do Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ làm Trưởng ban. Ban này có lâu rồi, nhưng vừa qua tạm dừng vì không có vấn đề “nóng”, nay tình hình thay đổi thì lại đưa vào hoạt động, kết nối liên ngành, để cùng xử lý tình hình, tham mưu tốt cho lãnh đạo thành phố.

Qua đó, yêu cầu kiểm định thủy hải sản được đưa ra, rồi tiến đến mở các điểm bán cá sạch tại các chợ. Các điểm bán này thực tế là vận động tuyên truyền; nếu có trở ngại, tiêu thụ kém, là đổi ngay qua phương án 2, chấp nhận hỗ trợ cho ngư dân về các chi phí đánh bắt, giá cả, để ổn định đời sống bà con. Điều đáng mừng, các điểm này đều hoạt động rất tốt, tiêu thụ hết lượng cá đánh bắt về.

Tôi muốn nhấn mạnh, các điểm bán cá sạch này rất có ý nghĩa với hoạt động đánh bắt và tiêu thụ cá biển hiện nay, vừa giúp ngư dân vững tâm ra khơi, vừa giúp người dân yên tâm mua bán cá biển, bình ổn hoạt động thị trường.

Mới đây, có thêm Công văn 3441 của Bộ NN&PTNT. Công văn xác định Đà Nẵng không trực tiếp thuộc vùng bị tác động của vụ môi trường biển bị ô nhiễm, chỉ có 4 tỉnh ở phía bắc miền Trung. Như thế là tốt hơn rất nhiều so với không có thông tin đánh giá gì.

Tuy nhiên, thành phố vẫn quyết định áp dụng quy định về kiểm tra, xử lý thủy hải sản trên địa bàn Đà Nẵng, như với 4 tỉnh bắc miền Trung, nghĩa là tất cả hải sản chết hay không rõ nguồn gốc trên biển, hải sản đánh bắt dưới 20 hải lý mà giám sát phát hiện không an toàn thực phẩm thì đều phải tiêu hủy, cấm chế biến, cấm tiêu thụ.

Tôi khẳng định điều này là cần thiết, bởi chúng ta có chung nguồn nước biển với các tỉnh; chung công tác đánh bắt cá, hậu cần nghề cá, ngư trường. Cá biển đánh bắt được ở 4 tỉnh vẫn có thể được mang vào Đà Nẵng tiêu thụ.

Do đó, cần phải chủ động triển khai quy trình kiểm soát chặt chẽ, kiểm định an toàn thực phẩm cá biển nghiêm túc thì mới cho tiêu thụ. Tinh thần đề ra là phải rất nghiêm túc trong việc cấp giấy chứng nhận kiểm định ATVSTP, giám sát các hoạt động vận chuyển, bảo quản, phân phối... cá biển trên địa bàn và qua địa bàn phải thật tốt, thật chặt chẽ.

* Như vậy, theo ông, thành phố hiện tại đã thực sự kiểm soát được tình hình đánh bắt, tiêu thụ cá biển trên địa bàn?

- Nhận định đó là có cơ sở. Điều đáng lưu ý là lâu nay với cá biển, chúng ta chủ yếu quan tâm khâu bảo quản sau đánh bắt, công tác kiểm định chủ yếu để ngăn ngừa những cách bảo quản thủy hải sản không bảo đảm an toàn. Điều này, khẳng định Đà Nẵng đã làm tốt, ngư dân đã chấp hành tốt. Tất cả các tàu cá của Đà Nẵng đều không có chuyện ướp cá bằng các chất cấm, hoàn toàn sử dụng nước đá, nhiều tàu thuyền trang bị cả hệ thống lạnh để bảo quản thủy hải sản.

Đến nay tình hình thay đổi, chúng ta phải quan tâm hơn đến yêu cầu kiểm soát toàn diện, từ đầu nguồn đánh bắt, đến tận khâu phân phối, chế biến. Quy trình kiểm soát chất lượng, mức độ an toàn của thủy hải sản vì thế sẽ được đề cao hơn một mức, theo tôi, qua đó càng thể hiện tốt trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng và ngư dân, cũng như với các đơn vị thu mua, bảo quản, kinh doanh...

Chúng ta đều biết cho đến nay, việc xác định nguồn gốc, loại độc tố gây ô nhiễm trên diện rộng, thời gian lây lan sẽ ra sao, mức độ đến đâu, vẫn đang được các cơ quan chức năng, các tổ chức khoa học vào cuộc tầm soát, cần có thời gian tiến hành. Hành động hiện tại của chúng ta là chủ động xử lý các tình huống trong khi chờ đợi các kết quả công bố chính thức. Và trong phạm vi trách nhiệm quản lý chuyên ngành, chúng tôi cam kết nỗ lực hết sức để làm tốt các yêu cầu đặt ra. Thật sự thành phố Đà Nẵng chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình.

* Xin cảm ơn ông!

Cấp giấy xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn

Thực hiện Chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn, nằm ngoài khu vực có chiều rộng từ 20 hải lý trở ra tính từ bờ của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng tiến hành các thủ tục để cấp giấy xác nhận hải sản theo yêu cầu của bộ.

Theo Sở NN&PTNT thành phố, ngay sau khi tàu vào cảng, chủ tàu có trách nhiệm thông báo với Chi cục Thủy sản địa phương biết. Qua đó, Chi cục Thủy sản cử cán bộ giám sát việc lên cá, xác nhận khối lượng cá theo từng loại; chủ tàu hoặc thuyền trưởng trình cán bộ giám sát các giấy tờ như sổ hành trình được cơ quan biên phòng xác nhận phù hợp với hoạt động của tàu, nhật ký khai thác (đối với tàu khai thác), nhật ký thu mua vận chuyển (đối với tàu thu mua vận chuyển theo mẫu). Trên cơ sở đó, cán bộ giám sát tiến hành cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển an toàn.

NGỌC PHÚ

THỤY BẤT NHI thực hiện

;
.
.
.
.
.